LDL cholesterol là gì? Vì sao nó được gọi là cholesterol “xấu”?

LDL cholesterol là gì? Vì sao nó được gọi là cholesterol “xấu”?

LDL cholesterol đã không còn là một khái niệm xa lạ, đặc biệt đối với những ai quan tâm đến sức khỏe tim mạch hoặc đơn thuần thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ. Tuy nhiên, liệu bạn có thực sự hiểu LDL cholesterol là gì và vì sao nó được gọi là “cholesterol xấu”? Trong bài viết này, Mediphar USA sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan về LDL cholesterol, tác động của nó và cách kiểm soát một cách hiệu quả nhằm bảo vệ một cơ thể khỏe mạnh.

Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu sức khỏe, Mediphar USA tự hào đồng hành cùng bạn trên hành trình chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nói chung và sức khỏe tim mạch nói riêng. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về LDL cholesterol qua bài viết sau.

LDL cholesterol là gì?

LDL cholesterol hay còn gọi là lipoprotein tỷ trọng thấp (low-density lipoprotein), là một loại chất béo có trong máu. Trong cơ thể, lipoprotein là những hạt được tạo thành từ chất béo (lipid)protein, giúp vận chuyển chất béo trong các mạch máu. Bản thân chất béo không thể tự di chuyển trong máu, vì vậy chúng cần lipoprotein để đưa đến các tế bào trong cơ thể. LDL chứa một lượng lớn cholesterol và ít protein hơn so với các loại lipoprotein khác.

LDL cholesterol là lipoprotein tỷ trọng thấp, chứa lượng lớn cholesterol và ít protein hơn các lipoprotein khác
LDL cholesterol là lipoprotein tỷ trọng thấp, chứa lượng lớn cholesterol và ít protein hơn các lipoprotein khác

Nhiều người gọi LDL là “cholesterol xấu”, nhưng thực tế, cholesterol không hoàn toàn có hại. Cơ thể cần cholesterol để thực hiện nhiều chức năng quan trọng. Tuy nhiên, nếu lượng LDL cholesterol quá cao, nó có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ hoặc đau tim do tích tụ mảng bám trong động mạch, phần dưới đây sẽ trình bày kỹ hơn về cơ chế gây hại này.

>>> Xem thêm: Cholesterol là gì? Vai trò, phân loại, và những yếu tố gây tăng cholesterol

Ngưỡng an toàn và báo động của LDL cholesterol

Đối với hầu hết người trưởng thành, LDL cholesterol nên dưới 100 mg/dL. Nếu bạn có tiền sử xơ vữa động mạch, mức LDL lý tưởng cần thấp hơn 70 mg/dL để giảm nguy cơ biến chứng tim mạch.

Dưới đây là các mức đánh giá LDL cholesterol:

Mức LDL Cholesterol (mg/dL)

Đánh Giá

< 100

Tối ưu (Lý tưởng)

100 – 129

Gần tối ưu hoặc trên mức tối ưu

130 – 159

Cận cao

160 – 189

Cao

≥ 190

Rất cao

Ảnh hưởng của mức LDL cao đối với sức khỏe

Không chỉ làm tăng nguy cơ đau tim, mức LDL cholesterol cao còn có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được kiểm soát kịp thời, bao gồm:

  • Xơ vữa động mạch: Mảng bám cholesterol tích tụ trong thành động mạch, làm hẹp và cứng động mạch trên khắp các hệ thống mạch máu của cơ thể.
  • Bệnh động mạch cảnh: Xơ vữa động mạch xảy ra ở động mạch cảnh (động mạch cung cấp máu cho não), điều này cực kỳ nguy hiểm vì có thể gây đột quỵ.
  • Bệnh động mạch vành: Xơ vữa động mạch xảy ra ở động mạch tim, làm tăng nguy cơ đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim.
  • Bệnh động mạch ngoại biên: Hạn chế lưu thông máu đến tay, chân, gây đau nhức và tăng nguy cơ nhiễm trùng.
  • Đột quỵ: Khi mảng bám làm tắc nghẽn dòng máu đến não, có thể gây ra đột quỵ nghiêm trọng.
  • Ngừng tim đột ngột: Một biến chứng nguy hiểm có thể dẫn đến tử vong nếu tim đột ngột ngừng đập do tắc nghẽn động mạch nghiêm trọng.

Ở một số người, cholesterol cao kéo dài có thể cần điều trị bằng thuốc hoặc thậm chí phẫu thuật để giảm nguy cơ biến chứng. Vì vậy, kiểm soát mức LDL cholesterol là điều vô cùng quan trọng để bảo vệ sức khỏe tim mạch lâu dài.

Các mảng xơ vữa động mạch chính là sản phẩm tồi tệ nhất do LDL tạo ra, tiềm ẩn vô số biến chứng sức khỏe nghiêm trọng
Các mảng xơ vữa động mạch chính là sản phẩm tồi tệ nhất do LDL tạo ra, tiềm ẩn vô số biến chứng sức khỏe nghiêm trọng

Các yếu tố ảnh hưởng đến mức LDL cholesterol

  • Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát mức LDL cholesterol. Nếu bạn tiêu thụ nhiều thực phẩm chứa chất béo bão hòa (như thịt đỏ, bơ, dầu dừa) và cholesterol từ các sản phẩm động vật (như nội tạng, trứng, sữa nguyên kem), LDL trong máu có thể tăng cao, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
  • Cân nặng cũng có ảnh hưởng lớn đến mức cholesterol. Người thừa cân hoặc béo phì thường có xu hướng có LDL cao hơn mức bình thường, đồng thời HDL (cholesterol tốt) lại giảm, dẫn đến mất cân bằng và gia tăng nguy cơ hình thành mảng bám trong động mạch.
Đối tượng bị thừa cân thường có xu hướng có mức LDL cao hơn bình thường
Đối tượng bị thừa cân thường có xu hướng có mức LDL cao hơn bình thường
  • Hoạt động thể chất giúp kiểm soát cân nặng và hỗ trợ tim mạch khỏe mạnh. Nếu bạn ít vận động, cơ thể dễ tích lũy mỡ thừa, làm LDL tăng lên. Tập thể dục thường xuyên không chỉ giúp giảm LDL mà còn thúc đẩy cơ thể sản xuất HDL, giúp loại bỏ cholesterol dư thừa ra khỏi mạch máu.
  • Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến mức cholesterol. Thuốc steroid, thuốc điều trị huyết áp, thuốc tránh thai hoặc thuốc điều trị HIV có thể làm tăng LDL cholesterol hoặc giảm HDL, dẫn đến mất cân bằng cán cân lipid trong máu. Nếu bạn đang sử dụng các loại thuốc này song song với tình trạng LDL tăng cao, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để kiểm soát mức cholesterol tốt hơn.
  • Tuổi tác và giới tính cũng là yếu tố quan trọng. Khi còn trẻ, mức cholesterol thường ổn định, nhưng càng lớn tuổi, đặc biệt sau tuổi trung niên, cơ thể có xu hướng sản xuất nhiều cholesterol hơn. Đối với phụ nữ trước khi mãn kinh, nội tiết tố estrogen giúp duy trì mức LDL thấp hơn so với nam giới cùng độ tuổi. Tuy nhiên sau khi mãn kinh, mức LDL có thể tăng lên đáng kể.
Ở nữ giới sau khi mãn kinh, mức LDL có thể tăng đáng kể vì thiếu hụt estrogen
Ở nữ giới sau khi mãn kinh, mức LDL có thể tăng đáng kể vì thiếu hụt estrogen
  • Di truyền là yếu tố không thể thay đổi. Nếu trong gia đình có người mắc tăng cholesterol máu do di truyền (Familial Hypercholesterolemia – FH), nguy cơ bạn có mức LDL cao sẽ cao hơn bình thường, ngay cả khi bạn duy trì chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh.
  • Bệnh lý nền như bệnh thận mãn tính, tiểu đường hoặc HIV có thể làm rối loạn quá trình chuyển hóa lipid trong cơ thể, khiến LDL cholesterol tăng cao hơn bình thường. Những người mắc các bệnh này cần đặc biệt chú ý đến việc kiểm soát cholesterol để ngăn ngừa biến chứng trên tim mạch.
  • Hút thuốc lá có thể ảnh hưởng tiêu cực đến mức cholesterol. Nicotine và các hóa chất độc hại trong thuốc lá làm giảm HDL cholesterol, khiến cơ thể mất đi một cơ chế tự nhiên giúp loại bỏ LDL dư thừa. Điều này có thể khiến cholesterol xấu tích tụ nhiều hơn trong động mạch.
Nicotine trong thuốc lá được chứng minh có tác động đến việc giảm HDL, gia tăng LDL
Nicotine trong thuốc lá được chứng minh có tác động đến việc giảm HDL, gia tăng LDL
  • Chủng tộc và dân tộc cũng có sự khác biệt về mức cholesterol. Người Mỹ gốc Phi có xu hướng có LDL và HDL cao hơn so với người da trắng, trong khi người Mỹ gốc Á lại có nguy cơ LDL cao hơn các nhóm khác. Điều này cho thấy yếu tố di truyền và lối sống của từng nhóm dân số có thể ảnh hưởng đến mức cholesterol theo những cách khác nhau.

Dù một số yếu tố như di truyền hay tuổi tác không thể thay đổi, bạn vẫn có thể kiểm soát LDL cholesterol bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống, tập luyện và từ bỏ những thói quen không lành mạnh. Việc duy trì mức LDL ổn định sẽ giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch lâu dài, nội dung này sẽ được trình bày chi tiết ở phần sau.

Tôi nên làm gì để giảm LDL cholesterol

Điều trị bằng thuốc

Trong một số trường hợp, nếu mức LDL quá cao hoặc có nguy cơ biến chứng tim mạch, bác sĩ có thể kê đơn một số loại thuốc để giúp kiểm soát cholesterol:

  • Statins: Đây là nhóm thuốc được kê đơn phổ biến nhất để điều trị cho các bệnh nhân có mức cholesterol cao. Statins giúp giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ bằng cách ức chế gan sản xuất cholesterol.
  • Ezetimibe: Nếu statins không mang lại hiệu quả mong muốn, bác sĩ có thể kê thêm ezetimibe để giảm hấp thu cholesterol từ thực phẩm.
  • PCSK9 inhibitors: Là loại thuốc tiêm dưới da, thường dùng cho những người có nguy cơ biến chứng cao hoặc không đáp ứng tốt với các phương pháp điều trị khác.
  • Lomitapide và Mipomersen: Thường được kê đơn cho những người có tiền sử gia đình bị cholesterol cao di truyền.

Tuy nhiên, mỗi loại thuốc đều có những lưu ý cần biết trước khi quyết định sử dụng điều trị, vì vậy bạn nên thảo luận với bác sĩ để hiểu rõ về lý do được kê đơn và những lưu ý cũng như tác dụng phụ có thể xảy ra khi sử dụng thuốc.

Statin là nhóm thuốc hàng đầu trong việc kiểm soát các rối loạn lipid máu liên quan đến cholesterol
Statin là nhóm thuốc hàng đầu trong việc kiểm soát các rối loạn lipid máu liên quan đến cholesterol

Thay đổi lối sống

Một điều có thể khẳng định là bất kể bạn có phải dùng thuốc hay không, việc thay đổi thói quen sống vẫn là điều quan trọng để giúp kiểm soát LDL cholesterol hiệu quả. Một số biện pháp cải thiện mức LDL cholesterol bằng cách thay đổi lối sống được liệt kê như dưới đây:

Tăng cường hoạt động thể chất

Tập thể dục thường xuyên không chỉ giúp giảm LDL, mà còn hỗ trợ kiểm soát huyết áp và cải thiện cân nặng nếu cần. Bạn không nhất thiết phải tập luyện cường độ cao, chỉ cần đi bộ nhanh, đạp xe hoặc bơi lội khoảng vài giờ mỗi tuần cũng có thể mang lại lợi ích đáng kể.

Thay đổi chế độ ăn uống lành mạnh

Thay vì tập trung vào những thực phẩm cần kiêng, bạn có thể chú trọng đến những món ăn tốt cho sức khỏe tim mạch, bao gồm:

  • Thịt nạc như thịt gà, thịt bò nạc.
  • Hải sản giàu omega-3 giúp giảm viêm và bảo vệ mạch máu.
  • Sữa tách béo hoặc ít béo như sữa, phô mai và sữa chua.
  • Ngũ cốc nguyên cám như yến mạch, gạo lứt, bánh mì nguyên cám
  • Rau củ và trái cây cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ giúp giảm hấp thu cholesterol.

Ngoài ra, bạn nên bổ sung thực phẩm giàu chất xơ hòa tan (như yến mạch, đậu) và chất béo không bão hòa (như dầu ô liu, bơ, các loại hạt) vì những chất này có thể giúp giảm mức LDL theo cơ chế tự nhiên.

Thay đổi chế độ ăn uống không chỉ góp phần cải thiện chỉ số LDL mà còn giúp cân đối thể trạng, cân nặng
Thay đổi chế độ ăn uống không chỉ góp phần cải thiện chỉ số LDL mà còn giúp cân đối thể trạng, cân nặng

Bỏ thuốc lá

Hút thuốc không chỉ ảnh hưởng đến phổi mà còn làm hẹp động mạch máu, tạo điều kiện cho LDL cholesterol tích tụ trong thành mạch. Việc bỏ thuốc sẽ mang lại lợi ích sức khỏe rõ rệt. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về các chương trình hỗ trợ cai thuốc để giúp quá trình này trở nên dễ dàng hơn.

Hạn chế rượu bia

Uống quá nhiều rượu có thể làm tăng triglycerides, đây cũng một loại mỡ trong máu có thể gây nguy cơ bệnh tim nếu kết hợp với mức LDL cao. Giảm hoặc hạn chế rượu bia sẽ giúp cơ thể phục hồi và duy trì tổng lượng cholesterol ở mức ổn định hơn.

Giảm rượu bia để duy trì tổng lượng mỡ máu được ổn định
Giảm rượu bia để duy trì tổng lượng mỡ máu được ổn định

Dù có sử dụng thuốc hay không, việc duy trì lối sống lành mạnh vẫn là yếu tố quyết định trong việc kiểm soát cholesterol lâu dài, giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Cholesterol có vai trò quan trọng trong cơ thể, nhưng nếu ở mức quá cao, LDL cholesterol có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như xơ vữa động mạch, đột quỵ và bệnh tim mạch. Bằng cách duy trì lối sống lành mạnh, kết hợp với điều trị y khoa khi cần thiết, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát mức LDL hiệu quả.

Hãy tiếp tục theo dõi Mediphar USA để cập nhật những thông tin y khoa chính thống, giúp bạn và gia đình luôn chủ động bảo vệ sức khỏe.

Tài liệu tham khảo:

  1. LDL Cholesterol: https://my.clevelandclinic.org/health/articles/24391-ldl-cholesterol
  2. LDL Cholesterol: https://www.webmd.com/heart-disease/ldl-cholesterol-the-bad-cholesterol
  3. Facts About LDL: The Bad Kind of Cholesterol: https://www.healthline.com/health/ldl-cholesterol
  4. LDL: The “Bad” Cholesterol:https://medlineplus.gov/ldlthebadcholesterol.html
Dược sĩ Phạm Cao Hà

Dược sĩ Phạm Cao Hà

Đã kiểm duyệt nội dung

Tôi là dược sĩ Phạm Cao Hà, hiện đang giữ vai trò cố vấn chuyên môn tại Công ty TNHH Mediphar USA. Với gần 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu và quản lý chất lượng sản phẩm thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe, tôi cam kết cung cấp những thông tin chính xác và hữu ích cho cộng đồng.

Hy vọng rằng những kiến thức và kinh nghiệm mà tôi chia sẻ trên website medipharusa.com sẽ hỗ trợ Quý Đối Tác và Khách Hàng của công ty trong việc hiểu biết sâu sắc hơn về lĩnh vực dược phẩm và thực phẩm chức năng.

> Xem thêm về tác giả

    Liên hệ MEDIPHAR USA



    Bài viết liên quan