Xuyên tâm liên từ lâu đã được người dân một số nước châu Á sử dụng như một loại dược liệu có tác dụng trong điều trị các bệnh đường hô hấp (ho, viêm nhiễm hô hấp,…), hạ sốt, bệnh tiêu hóa (lỵ, tiêu chảy…). Trong thời điểm, dịch COVID-19 bùng phát hiện nay, vị thuốc này được cho rằng có thể hỗ trợ điều trị bệnh. Vậy thực hư tác dụng của Xuyên tâm liên là gì?
Xuyên tâm liên là dược liệu gì?
Xuyên tâm liên là một loại dược liệu có nguồn gốc từ Ấn Độ và Sri Lanka, cây được lấy giống và trồng ở các nước Nam Á khác, Đông Nam Á và miền nam Trung Quốc. Tại những vùng này, Xuyên tâm liên thường được người dân dùng để trị một số bệnh viêm nhiễm đường hô hấp, đường tiêu hóa…
Bộ phận dùng làm thuốc chủ yếu là lá và rễ. Ngày nay, cây cũng được trồng tại một số khu vực ở Trung Mỹ, Úc, châu Phi.
Ảnh minh họa: Dược liệu Xuyên tâm liên
Về hình thái, Xuyên tâm liên là loài cây hàng năm, cao khoảng 0,4 – 1 m. Thân cây vuông, mọc thẳng, phân nhiều cành nhẵn. Lá cây mọc đối, hình mác, đài 3-10 cm; hoa màu trắng, điểm đốm màu hồng tím. Quả nang, thuôn dài khoảng 1,5 cm, có chút lông mịn; hạt hình tròn. Cây ra hoa vào tháng 9 – 12, rồi đậu quả vào khoảng tháng 1-2.
Xuyên tâm liên ưa sáng, ưa khí hậu nóng ẩm nên cây sinh trưởng mạnh vào mùa xuân và hè, mùa đông cây tàn lụi. Cây được trồng bằng hạt. Bắt đầu từ tháng 9-10, khi quả Xuyên tâm liên mới già, quả có màu vàng người ta thu hái, phơi khô, đập lấy hạt để đến tháng 2-3 năm sau thì đem gieo. Hạt sẽ nảy mầm sau 7-10 ngày kể từ khi gieo.
Tác dụng của Xuyên tâm liên trong nghiên cứu dược lý
Xuyên tâm liên chứa 2 nhóm chất hóa học chính là diterpen lacton và flavonoid. Qua một số thử nghiệm dược lý, kết quả cho thấy Xuyên tâm liên có các tác dụng như kháng viêm, hạ sốt, kháng khuẩn,…
Tác dụng kháng viêm, hạ sốt
Trong một thí nghiệm trên chuột cống trắng được gây viêm bằng carragenin, Xuyên tâm liên cho thấy tác dụng chống viêm, ức chế các chất gây viêm, từ đó làm giảm viêm ở chuột. Trên người, Xuyên tâm liên được nghiên cứu và cho kết quả đáng kể trong giảm tình trạng viêm xoang, viêm phế quản.
Ảnh minh họa: Từ xa xưa, dân gian đã dùng Xuyên tâm liên trong các bài thuốc hạ sốt, trị cảm
Khi thử nghiệm trên chuột nhắt trắng bị gây đau bằng axit acetic, dược liệu này cho thấy tác dụng giảm đau đáng kể.
Ngoài ra, ở một số nghiên cứu quy mô nhỏ, Xuyên tâm liên cũng có tác dụng hạ sốt ở các bệnh nhân sốt do cảm lạnh.
Tác dụng chữa bệnh tiêu hóa
Các hoạt chất Diterpen lacton chiết xuất từ dược liệu này có tác dụng chữa tiêu chảy gây ra bởi vi khuẩn E.coli. Bên cạnh đó, hoạt chất Andrographolid có trong cây còn có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày, chống loét dạ dày.
Tác dụng trên tim mạch, huyết áp
Dung dịch chiết xuất bằng cồn, hoặc nước sắc dược liệu Xuyên tâm liên có tác dụng làm hạ huyết áp ở chuột, thỏ được thí nghiệm.
Các hoạt chất Flavonoid trong loài cây này cũng có tác dụng ngăn ngừa sự hình thành xơ vữa động mạch phòng ngừa nhồi máu cơ tim và giảm hình thành huyết khối do hạn chế tập kết tiểu cầu.
Ngoài ra, một số hoạt chất trong vị thuốc này còn có tác dụng bảo vệ gan.
Tác dụng của Xuyên tâm liên theo Y học cổ truyền
Theo Y học cổ truyền, Xuyên tâm liên có vị đắng, tính hàn, quy vào kinh phế, can, tỳ. Công năng của dược liệu bao gồm Thanh nhiệt giải độc, thanh nhiệt táo thấp, thanh tràng chỉ lỵ, thanh phế chỉ khái. Dùng để chủ trị các bệnh viêm ruột, lỵ cấp tính, viêm phổi, viêm họng, viêm amidan; ho, ho gà, viêm gan virus, viêm đường tiết niệu, mụn nhọt, ung thũng đinh độc, rắn độc cắn.
Tại Ấn Độ, người ta giã bột nhão từ rễ xuyên tâm liên và thân rễ gừng, rồi uống ngày 3 lần, mỗi lần một thìa nhỏ để trị ho ở trẻ em. Lá khô xuyên tâm liên được kết hợp cùng các dược liệu khác để chữa sốt rét.
Ảnh minh họa: Xuyên tâm liên được sử dụng trong nhiều bài thuốc y học cổ truyền
Ở Nepal, một nắm lá xuyên tâm liên giã cùng một ít muối, một nửa cố nước. Gạn dịch để uống ngày một lần, bã thì dùng để đắp lên chỗ bị áp xe.
Ở Trung Quốc, Xuyên tâm liên được dùng trong các bài thuốc điều trị cảm sốt, viêm họng, viêm thanh quản, viêm miệng lưỡi, bệnh ho; viêm ruột, tiêu chảy, lỵ, nhiễm khuẩn đường tiết niệu; mụn nhọt, rắn cắn.
Liều dùng thuốc là ngày dùng 4 g đến 16 g dưới dạng thuốc sắc hoặc bột. Nếu dùng ngoài ngày dùng 20 g đến 40 g lá tươi, giã nát để đắp, hoặc sắc lấy nước rửa chỗ mụn nhọt, ngứa lở.
Một số bài thuốc cổ truyền có dùng vị Xuyên tâm liên:
Trị ho, viêm nhiễm đường hô hấp: Xuyên tâm liên, Huyền sâm, Sài đất mỗi vị 12 g; Trần bì, Cam thảo mỗi vị 4 g. Sắc với khoảng 600ml nước đến khi còn 200 ml, chia 2 lần uống trong ngày. Hoặc có thể trị viêm họng bằng cách nhai và ngậm vài lá tươi.
Trị tiêu chảy, lỵ, viêm ruột-dạ dày : Xuyên tâm liên 15g, Kim ngân hoa, Sài đất mỗi vị 10g. Sắc uống ngày một thang.
Dùng trong bệnh gan: Xuyên tâm liên, Sài đất, Diệp hạ châu mỗi vị 15g. Sắc với 600ml nước đến khi còn 200 ml, chia 2 lần uống mỗi ngày.
Có nên dùng Xuyên tâm liên để điều trị Covid-19?
Hiện nay, những nghiên cứu lâm sàng về tác dụng diệt virut nói chung và covid-19 nói riêng còn khá ít và được thực hiện với quy mô nhỏ. Trên thực thế, tác dụng của Xuyên tâm liên được thể hiện nhiều hơn trong các bài thuốc y học cổ truyền phương Đông.
Theo các bài thuốc cổ truyền, Xuyên tâm liên thể hiện tác dụng làm giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh viêm nhiễm đường hô hấp nên ta có thể sử dụng để hỗ trợ trong quá trình điều trị Covid-19 nhằm góp phần giúp bệnh nhân giảm triệu chứng bệnh.
Tuy nhiên, hiện tại chưa có bằng chứng khoa học chứng minh dược liệu này có thể thay thế các loại thuốc Tân dược trong phác đồ điều trị Covid-19. Đồng thời, dược liệu cũng như những loại thuốc khác, có cả tác dụng không mong muốn và chống chỉ định. Chính vì vậy, bệnh nhân không nên tự ý dùng Xuyên tâm liên để chữa bệnh khi không may nhiễm virut Covid-19. Tuân thủ các biện pháp phòng tránh, hướng dẫn điều trị của Bộ y tế là giải pháp tốt nhất để phòng và chữa bệnh.
Lời kết
Qua bài viết trên, có lẽ mọi người đã hiểu được phần nào về tác dụng của Xuyên tâm liên trong y học. Dược liệu này chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh, không có tác dụng giúp phòng tránh, miễn nhiễm Covid-19, cũng không thể thay thế thuốc điều trị trong phác đồ. Vì vây, mong người đọc cân nhắc để có cách sử dụng dược liệu hợp lý, phục vụ tốt nhất cho sức khỏe của bản thân.
Dược sĩ Phạm Cao Hà
Đã kiểm duyệt nội dung
Tôi là dược sĩ Phạm Cao Hà, hiện đang giữ vai trò cố vấn chuyên môn tại Công ty TNHH Mediphar USA. Với gần 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu và quản lý chất lượng sản phẩm thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe, tôi cam kết cung cấp những thông tin chính xác và hữu ích cho cộng đồng.
Hy vọng rằng những kiến thức và kinh nghiệm mà tôi chia sẻ trên website medipharusa.com sẽ hỗ trợ Quý Đối Tác và Khách Hàng của công ty trong việc hiểu biết sâu sắc hơn về lĩnh vực dược phẩm và thực phẩm chức năng.