Kháng sinh là một trong những phát minh vĩ đại của nền y học thế giới. Nhờ có sự xuất hiện của kháng sinh mà có thể giải quyết được rất nhiều vấn đề trong y học hiện đại. Mặc dù mang lại rất nhiều lợi ích, nhưng việc sử dụng kháng sinh cần phải thận trọng vì có thể gây ra rất nhiều tác dụng phụ cho cơ thể. Bài viết dưới đây các chuyên gia Mediphar USA sẽ cung cấp cho bạn tất cả những thông tin về các nhóm thuốc kháng sinh và nguyên tắc sử dụng kháng sinh an toàn.
Bài viết được tham vấn bởi dược sĩ Phạm Cao Hà – Cố vấn chuyên môn nhà máy Mediphar USA
Tìm hiểu về kháng sinh và cơ chế tác dụng
Kháng sinh là gì?
Theo Chương I Phần I thuộc Hướng dẫn sử dụng kháng sinh ban hành kèm theo Quyết định 708/QĐ-BYT năm 2015 do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành giải thích về thuốc kháng sinh như sau:
“Thuốc kháng sinh là một nhóm thuốc đặc biệt vì việc sử dụng chúng không chỉ ảnh hưởng đến người bệnh mà còn ảnh hưởng đến cộng đồng. Với những nước đang phát triển như Việt Nam, đây là một nhóm thuốc quan trọng vì bệnh lý nhiễm khuẩn nằm trong số những bệnh đứng hàng đầu cả về tỷ lệ mắc bệnh và tỷ lệ tử vong.”
Cơ chế tác dụng của kháng sinh
Những hiệu quả đáng kinh ngạc của các nhóm thuốc kháng sinh đã được y học chứng minh có thể kể đến như:
- Gây ức chế sinh tổng hợp vách tế bào vi khuẩn
- Làm rối loạn chức năng màng bào tương, ảnh hưởng khả năng chọn lọc thẩm thấu chất
- Gây ức chế sinh tổng hợp protein và acid nucleic
- Gây ức chế sinh tổng hợp folate
>> Xem thêm: Các nhóm thuốc có trong nhà thuốc
Phân loại các nhóm thuốc kháng sinh
Có nhiều cách để phân loại kháng sinh nhưng cách phân loại hay gặp là phân loại theo phổ tác dụng và theo cấu trúc hóa học:
Phân loại theo phổ tác dụng
- Kháng sinh phổ hẹp (kháng sinh chọn lọc): Kháng sinh chỉ tác dụng trên 1 hoặc 1 số loài vi sinh vật nhất định. Ví dụ, isoniazid chỉ tác dụng trên Mycobacterium tuberculosis.
- Kháng sinh phổ rộng: Kháng sinh có tác dụng trên nhiều loại vi khuẩn, cả vi khuẩn gram âm và vi khuẩn gram dương, ví dụ như nhóm quinolone, macrolide, carbapenem.
Phân loại theo cấu trúc hóa học
Hiện tại, phân loại theo cấu trúc hóa học được chia làm các nhóm kháng sinh sau:
(1) KHÁNG SINH NHÓM BETA-LACTAM
Nhóm beta-lactam là một họ kháng sinh rất lớn, bao gồm các kháng sinh có cấu trúc hóa học chứa vòng beta-lactam. Khi vòng này liên kết với một cấu trúc vòng khác sẽ hình thành các phân nhóm lớn tiếp theo gồm: nhóm penicilin, nhóm cephalosporin và các beta-lactam khác.
(2) KHÁNG SINH NHÓM AMINOGLYCOSID
Các kháng sinh thuộc nhóm này bao gồm kanamycin, gentamicin, neltimicin, tobramycin, amikacin.
(3) KHÁNG SINH NHÓM MACROLID
Các macrolid có thể là sản phẩm tự nhiên phân lập từ môi trường nuôi cấy các chủng vi sinh, cũng có thể là các kháng sinh bán tổng hợp. Tùy theo cấu trúc hóa học, có thể chia kháng sinh nhóm macrolid thành 3 phân nhóm:
- Cấu trúc 14 nguyên tử carbon: erythromycin, oleandomycin, roxithromycin, clarithromycin, dirithromycin.
- Cấu trúc 15 nguyên tử carbon: azithromycin.
- Cấu trúc 16 nguyên tử carbon: spiramycin, josamycin
(4) KHÁNG SINH NHÓM LINCOSAMID
Nhóm kháng sinh này bao gồm hai thuốc là lincomycin và clindamycin, trong đó lincomycin là kháng sinh tự nhiên, clindamycin là kháng sinh bán tổng hợp từ lincomycin.
(5) KHÁNG SINH NHÓM PHENICOL
Nhóm kháng sinh này bao gồm hai thuốc là cloramphenicol và thiamphenicol, trong đó cloramphenicol là kháng sinh tự nhiên, còn thiamphenicol là kháng sinh tổng hợp.
(6) KHÁNG SINH NHÓM CYCLIN
Các thuốc nhóm này gồm cả các kháng sinh tự nhiên và kháng sinh bán tổng hợp. Các thuốc thuộc nhóm bao gồm: chlortetracyclin, oxytetracyclin, demeclocyclin, methacyclin, doxycyclin, minocyclin.
(7) KHÁNG SINH NHÓM PEPTID
Các kháng sinh thuộc nhóm này có cấu trúc hóa học là các peptid. Dùng trong lâm sàng hiện nay có các phân nhóm:
- Glycopeptid (vancomycin, teicoplanin)
- Polypetid (polymyxin, colistin)
- Lipopeptid (daptomycin)
(8) KHÁNG SINH NHÓM QUINOLON
- Các kháng sinh nhóm quinolon không có nguồn gốc tự nhiên, toàn bộ được sản xuất bằng tổng hợp hóa học.
- Các kháng sinh trong cùng nhóm quinolon nhưng có phổ tác dụng không hoàn toàn giống nhau.
(9) CÁC NHÓM KHÁNG SINH KHÁC
- Nhóm Co-trimoxazol
- Nhóm oxazolidinon
- Kháng sinh nhóm 5-nitro-imidazol
>> Bài viết liên quan: Danh mục thuốc kê đơn
Tác dụng phụ của các nhóm thuốc kháng sinh
Không thể phủ nhận rằng, các nhóm kháng sinh mang lại rất nhiều lợi ích trong việc điều trị bệnh. Nhưng trong một số trường hợp, chúng cũng để lại những tác dụng phụ nhất định đối với người sử dụng thuốc như:
- Gây dị ứng với các biểu hiện ngoài da như mề đay, mẩn ngứa ban đỏ
- Chóng mặt
- Buồn nôn
- Tiêu chảy
- Miễn trùng men
Ngoài ra, tác dụng phụ nghiêm trọng hơn của kháng sinh có thể bao gồm:
- Nhiễm trùng Clostridium difficile
- Sốc phản vệ dẫn đến tử vong
- Tai biến hệ thần kinh
Nguyên tắc sử dụng các nhóm thuốc kháng sinh an toàn
Đối với tất cả các loại thuốc nói chung đều cần phải sử dụng một cách an toàn và hiệu quả. Trong đó, đặc biệt là các loại thuốc kháng sinh cần phải sử dụng một cách hợp lý, đúng liều lượng theo sự kê đơn của bác sĩ. Hiện nay, giới y học đang lo ngại về việc trước đây thuốc kháng sinh tỏ ra rất hiệu quả trong điều trị các loại bệnh thì nay nhiều loại vi khuẩn đã có thể đề kháng lại kháng sinh.
Năm 2015, Việt Nam được đưa vào danh sách các nước có tỉ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới giai đoạn 2009-2015, cao gấp 3 lần so với giai đoạn 2005-2009. Để có thể làm giảm tỉ lệ kháng kháng sinh, bạn cần tuân thủ các nguyên tắc sau khi sử dụng các nhóm kháng sinh:
– Sử dụng kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ bởi chỉ có bác sĩ mới có thẩm quyền điều trị cho bệnh nhân dựa trên kinh nghiệm, kết quả xét nghiệm cũng như kháng sinh đồ để xác định
– Sử dụng kháng sinh khi có sự hiểu biết rõ về thể trạng người bệnh. Cần đặc biệt chú ý đến phụ nữ đang mang thai, trẻ em, người già, người bị suy gan, thận và những người bị dị ứng đặc biệt. Liều dùng của kháng sinh cần phải dựa trên tuổi, cân nặng, chức năng gan, thận và mức độ nặng của bệnh.
– Sử dụng kháng sinh khi thực sự bị bệnh liên quan đến nhiễm khuẩn
– Chọn đúng loại kháng sinh trong điều trị bệnh. Nếu sử dụng không đúng, vi khuẩn có thể chống lại kháng sinh và kháng sinh sẽ không thể phát huy tác dụng của thuốc
– Dùng kháng sinh theo nguyên tắc 4 Đúng: Đúng kháng sinh – Đúng liều dùng – Đúng đường dùng – Đúng thời gian
– Không bỏ sót liều kể cả khi bạn đã cảm thấy khỏe hơn. Một số vi khuẩn vẫn có thể sống sót và tiếp tục gây bệnh
– Không nên sử dụng thuốc kháng sinh đã được kê dành cho người khác. Không sử dụng lại kháng sinh của lần ốm trước.
– Không nên yêu cầu bác sĩ kê đơn kháng sinh cho bạn nếu bạn không mắc bệnh nhiễm khuẩn
Trên đây là tất tần tật những thông tin về các nhóm thuốc kháng sinh, hi vọng qua bài viết này sẽ giúp cập nhật thông tin cho các dược sĩ mới ra trường, cũng như hệ thống hóa lại kiến thức để cho các dược sĩ tại nhà thuốc nắm vững. Nếu có bất kì vấn đề gì thắc mắc cần giải đáp, vui lòng liên hệ với chúng tôi qua:
Dược sĩ Phạm Cao Hà
Đã kiểm duyệt nội dung
Tôi là dược sĩ Phạm Cao Hà, hiện đang giữ vai trò cố vấn chuyên môn tại Công ty TNHH Mediphar USA. Với gần 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu và quản lý chất lượng sản phẩm thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe, tôi cam kết cung cấp những thông tin chính xác và hữu ích cho cộng đồng.
Hy vọng rằng những kiến thức và kinh nghiệm mà tôi chia sẻ trên website medipharusa.com sẽ hỗ trợ Quý Đối Tác và Khách Hàng của công ty trong việc hiểu biết sâu sắc hơn về lĩnh vực dược phẩm và thực phẩm chức năng.