Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một rối loạn tiêu hóa phổ biến, ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới với các triệu chứng như đau bụng, đầy hơi, tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài. Dù không gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng tình trạng này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống hằng ngày. Do đó, việc tìm hiểu các mẹo chữa hội chứng ruột kích thích một cách hiệu quả và an toàn đang là giải pháp được nhiều người quan tâm tìm kiếm.
Thấu hiểu mong muốn này, ngay tại bài viết dưới đây Mediphar USA sẽ chia sẻ đến bạn những phương pháp tự nhiên, dễ áp dụng giúp kiểm soát tốt căn bệnh này.
Hội chứng ruột kích thích là gì?
Hội chứng ruột kích thích (IBS – Irritable Bowel Syndrome) là một rối loạn tiêu hóa mãn tính ảnh hưởng đến dạ dày và ruột, còn gọi là đường tiêu hóa. Tình trạng này gây ra các triệu chứng như:
- Đau hoặc khó chịu ở bụng (thường liên quan đến việc đi tiêu)
- Thay đổi thói quen đi tiêu: tiêu chảy, táo bón, hoặc xen kẽ cả hai
- Đầy hơi, chướng bụng
- Trung tiện (xì hơi) nhiều
- Cảm giác đi tiêu không hết
- Phân có chất nhầy
- Buồn nôn (có thể gặp ở một số người)
IBS là một tình trạng kéo dài cần được theo dõi và kiểm soát lâu dài. Mặc dù hội chứng ruột kích không gây tổn thương thực thể cho ruột và không làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng, nhưng có thể ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Hội chứng ruột kích thích trị dứt điểm được không?
Cho đến hiện tại, nguyên nhân chính xác của IBS vẫn chưa rõ, nhưng theo các chuyên gia, tình trạng này có thể liên quan đến sự nhạy cảm quá mức của đại tràng hoặc hệ thống miễn dịch. Bên cạnh đó, các yếu tố như căng thẳng, chế độ ăn uống, nhiễm trùng đường tiêu hóa và sự mất cân bằng vi khuẩn đường ruột có thể góp phần gây ra IBS.
Mặc dù không có phương pháp chữa khỏi hoàn toàn IBS, nhưng các triệu chứng của IBS có thể được kiểm soát thông qua việc điều chỉnh chế độ ăn uống, lối sống và, trong một số trường hợp, sử dụng thuốc sẽ giúp kiểm soát tốt tình trạng hội chứng ruột kích thích, nhằm hạn chế những ảnh hưởng của hội chứng này lên sức khỏe và sinh hoạt thường ngày của người bệnh.
Mẹo chữa hội chứng ruột kích thích tại nhà
1. Áp dụng chế độ ăn ít FODMAP
Chế độ ăn low-FODMAPs (viết tắt của Fermentable Oligosaccharides, Disaccharides, Monosaccharides And Polyols) là một phương pháp ăn uống đã được nghiên cứu và chứng minh giúp cải thiện đáng kể triệu chứng như đầy hơi, chướng bụng, đau bụng và thay đổi nhu động ruột ở người bị IBS.
FODMAPs là các loại carbohydrate ngắn chuỗi và đường khó hấp thu trong ruột non, dễ bị lên men bởi vi khuẩn đường ruột, tạo ra khí và gây các triệu chứng rối loạn tiêu hóa. Vì thế khi hạn chế những món ăn chứa nhiều FODMAPs sẽ làm giảm gánh nặng lên hệ tiêu hóa.

Các nhóm thực phẩm giàu FODMAPs nên tránh bao gồm:
- Trái cây giàu FODMAP thường chứa nhiều fructose, sorbitol, bao gồm: Táo, sốt táo, mơ, đào, lê, mận, cherry, việt quất (khi ăn nhiều), nho, dưa hấu, quả sung, chà là, boysenberry, nectarines.
- Chất làm ngọt và phụ gia giàu FODMAP thường chứa nhiều fructose và đường rượu (polyols), bao gồm: Mật ong, siro ngô nhiều fructose, mật mía, agave nectar, sorbitol, xylitol, mannitol, maltitol, isomalt, chiết xuất mạch nha.
- Rau củ giàu FODMAP thường chứa fructans, galactans, hoặc polyols, bao gồm: Atisô, măng tây, củ dền, bông cải xanh (thân), cải brussels, bắp cải, súp lơ, tỏi, hành tây, hành lá (phần trắng), tỏi tây, đậu Hà Lan, nấm, đậu bắp, khổ qua, thì là.
- Sản phẩm từ sữa giàu FODMAP chứa nhiều lactose, bao gồm: Sữa bò, sữa dê, kem, sữa chua thường, phô mai mềm như ricotta, cream cheese, cottage cheese, kem chua, whey protein từ sữa.
- Các loại đậu và cây họ đậu giàu FODMAP chứa nhiều galactans, bao gồm: Đậu trắng, đậu đỏ, đậu đen, đậu gà, đậu lăng, đậu tằm, đậu mắt đen, đậu pinto, đậu Hà Lan khô, đậu nành.
- Ngũ cốc và sản phẩm từ lúa mì giàu FODMAP chứa nhiều fructans, bao gồm: Bánh mì, bánh quy, mì ống, ngũ cốc ăn sáng, bánh xốp, bánh kếp, bánh ngọt, lúa mì, lúa mạch đen, đại mạch, amaranth.
- Đồ uống giàu FODMAP thường chứa fructose, lactose hoặc polyols, bao gồm: nước dừa, nước ép trái cây (như táo, lê, nho), kombucha, sữa yến mạch, sữa đậu nành, rượu rum, rượu tăng lực, trà hoa cúc, trà thì là, trà chai, nước ngọt có siro ngô nhiều fructose.
2. Hạn chế nhóm thực phẩm không tốt đối với người bị IBS
Bên cạnh chế độ ăn ít FODMAP, dựa vào tình trạng của bệnh nhân với các triệu chứng như đầy hơi, chướng bụng hoặc tiêu chảy, bác sĩ sẽ khuyến khích bệnh nhân loại bỏ một số loại thực phẩm dưới đây để hạn chế những biểu hiện của hội chứng ruột kích thích:
- Thực phẩm gây sinh hơi cao: Nếu thường xuyên bị đầy hơi hoặc tích tụ khí trong bụng, hãy hạn chế sử dụng các loại đồ uống có gas (nước ngọt có ga) và đồ uống có cồn. Ngoài ra, tránh một số loại thực phẩm dễ gây sinh hơi như bắp cải, súp lơ, hành tỏi, các loại đậu, táo, lê… cũng có thể giúp giảm triệu chứng.
- Gluten: Một số người mắc IBS cho biết triệu chứng tiêu chảy cải thiện khi họ loại bỏ gluten khỏi chế độ ăn ngay cả khi họ không mắc bệnh celiac. Vì thế bạn có thể cân nhắc loại bỏ các thực phẩm chứa Gluten thường có trong lúa mì, lúa mạch và lúa mạch đen.

3. Quản lý triệu chứng IBS
Một số thay đổi lối sống đơn giản có thể giúp cải thiện đáng kể các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích mà không cần dùng đến thuốc. Các biện pháp bạn có thể áp dụng bao gồm:
- Tăng cường vận động thể chất: Tập thể dục đều đặn giúp cải thiện chức năng tiêu hóa và giảm stress, cũng chính là hai yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến IBS.
- Hạn chế caffeine: Caffeine có thể kích thích nhu động ruột, vì vậy việc giảm tiêu thụ cà phê, trà đặc hoặc nước ngọt có ga có thể giúp làm dịu triệu chứng giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn.
- Giảm căng thẳng: Dành thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, suy nghĩ tích cực, ngủ đủ giấc và cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Những điều này có thể giúp tinh thần thoải mái hơn và cải thiện các triệu chứng.
- Bổ sung men vi sinh (probiotics): Men vi sinh là các vi khuẩn có lợi giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột, từ đó hỗ trợ tiêu hóa và giảm các triệu chứng như đầy hơi, chướng bụng. Bạn có thể bổ sung probiotics thông qua sữa chua hoặc các sản phẩm lên men tự nhiên. Tuy nhiên, không nên tự ý dùng các loại thực phẩm chức năng chứa men vi sinh mà chưa có hướng dẫn, vì dùng không đúng cách có thể gây mất cân bằng vi khuẩn đường ruột. Trước khi sử dụng, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn loại phù hợp và thời gian dùng hợp lý.
- Tăng lượng chất xơ: Việc bổ sung chất xơ thông qua thực phẩm hoặc thực phẩm chức năng có thể hỗ trợ nhu động ruột, đặc biệt hữu ích cho người bị táo bón.
- Ngưng hút thuốc: Hút thuốc có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của IBS; việc từ bỏ thuốc lá không chỉ có lợi cho sức khỏe tiêu hóa mà còn cho toàn bộ cơ thể.

Sử dụng thuốc điều trị IBS
Nếu các biện pháp tại nhà như thay đổi lối sống và chế độ ăn không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể đề xuất điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên, mỗi người có thể phản ứng khác nhau với cùng một loại thuốc, do đó bạn cần phối hợp chặt chẽ với bác sĩ để tìm ra loại thuốc phù hợp nhất với mình cũng thời gian sử dụng.
Các nhóm thuốc thường được sử dụng trong điều trị IBS bao gồm:
- Thuốc chống co thắt cơ trơn: Giúp làm giảm đau bụng và tình trạng co thắt ruột.
- Thuốc trị táo bón: Được dùng cho bệnh nhân IBS có triệu chứng chính là táo bón.
- Thuốc chống trầm cảm ba vòng (tricyclic antidepressants): Sử dụng liều thấp để giảm cảm giác đau và điều chỉnh hoạt động ruột.
- Thuốc kháng sinh: Một số loại kháng sinh, như rifaximin, có thể được dùng để giảm triệu chứng trong một số trường hợp IBS đặc biệt.
Theo khuyến nghị từ Hiệp hội Tiêu hóa Hoa Kỳ (ACG) nếu táo bón là triệu chứng chính trong IBS, ACG khuyến nghị sử dụng hai loại thuốc sau:
- Linaclotide (Linzess): Giúp tăng tiết dịch trong ruột và thúc đẩy nhu động ruột.
- Lubiprostone (Amitiza): Tác động lên kênh clorua để làm mềm phân và tăng nhu động ruột.

* Lưu ý: Việc điều trị hội chứng ruột kích thích (IBS) bằng thuốc cần được cá nhân hóa, dựa trên triệu chứng cụ thể và mức độ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của từng người. Để đảm bảo hiệu quả và an toàn, bạn nên thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và kê đơn phù hợp. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc hoặc điều chỉnh liều lượng khi chưa có chỉ định, vì điều này có thể khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Liệu pháp tâm lý và điều trị bổ sung
IBS không chỉ là một rối loạn của hệ tiêu hóa mà còn chịu ảnh hưởng lớn từ yếu tố tâm lý. Căng thẳng, lo âu và trầm cảm có thể khiến các triệu chứng nặng hơn, trong khi các triệu chứng kéo dài của IBS cũng dễ gây mệt mỏi, mất ngủ và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần.
Vì vậy, để kiểm soát bệnh hiệu quả, cần tiếp cận điều trị một cách toàn diện, bao gồm cả chăm sóc tâm lý. Nếu các biện pháp thư giãn, nghỉ ngơi hay thay đổi lối sống thông thường không giúp cải thiện, người bệnh nên cân nhắc điều trị tâm lý dưới sự hướng dẫn của chuyên gia.
Liệu pháp tâm lý
Một nghiên cứu tổng quan năm 2017 cho thấy, tâm lý trị liệu mang lại lợi ích đáng kể về sức khỏe tinh thần và khả năng sinh hoạt hằng ngày ở bệnh nhân IBS. Một số chuyên gia tâm lý được đào tạo bài bản có thể xây dựng liệu trình trị liệu phù hợp riêng cho người mắc IBS, giúp họ kiểm soát triệu chứng tốt hơn và sống thoải mái hơn mỗi ngày.
Các phương pháp thường được áp dụng bao gồm:
- Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT): Giúp điều chỉnh suy nghĩ tiêu cực và hành vi có thể làm trầm trọng thêm triệu chứng.
- Thôi miên trị liệu (hypnotherapy): Hỗ trợ người bệnh thư giãn sâu, tập trung vào cơ bụng và kiểm soát cảm giác đau; hiệu quả lâu dài đã được nhiều nghiên cứu ghi nhận.
- Liệu pháp dựa trên chánh niệm (mindfulness): Tập trung vào sự thư giãn và chấp nhận triệu chứng trong hiện tại, giúp giảm lo âu và cải thiện tâm trạng.

Liệu pháp bổ sung hỗ trợ giảm triệu chứng một cách tự nhiên
Mặc dù hiệu quả còn đang được nghiên cứu, một số liệu pháp thay thế đã cho thấy tiềm năng trong việc giảm triệu chứng IBS. Tuy nhiên, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng trong thời gian lâu dài:
- Tinh dầu bạc hà (Peppermint oil): Dạng viên nang bọc ruột (enteric-coated) giúp giảm đầy hơi, đau bụng và cảm giác mót đi ngoài ở người bị IBS thể tiêu chảy.
- Probiotics: Các lợi khuẩn có trong sữa chua hoặc thực phẩm bổ sung, giúp cải thiện hệ vi sinh đường ruột và làm giảm triệu chứng như tiêu chảy, đầy hơi, đau bụng.
- Giảm căng thẳng qua thiền, yoga: Tập luyện các kỹ thuật thư giãn như yoga, thiền định hoặc thở sâu có thể làm dịu trục não – ruột và giảm mức độ nghiêm trọng của IBS.

Nghiên cứu tương lai trong điều trị IBS
Các nhà nghiên cứu đang khám phá những phương pháp điều trị mới cho IBS, trong đó đáng chú ý là cấy ghép vi sinh đường ruột (FMT – Fecal Microbiota Transplantation).
Hiện tại, FMT vẫn đang ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng và được xem là phương pháp điều trị mang tính nghiên cứu. Kỹ thuật này nhằm khôi phục hệ vi sinh vật đường ruột khỏe mạnh bằng cách đưa phân đã xử lý từ người hiến tặng vào đại tràng của người mắc IBS.
Kết luận
Hội chứng ruột kích thích (IBS) tuy không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng lại gây nhiều phiền toái và ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên bạn hoàn toàn có thể chủ động kiểm soát các triệu chứng thông qua những thay đổi đơn giản tại nhà như điều chỉnh chế độ ăn uống, tăng cường vận động, giảm căng thẳng và bổ sung men vi sinh một cách hợp lý.
Trong một số trường hợp, can thiệp bằng thuốc hoặc trị liệu tâm lý sẽ giúp cải thiện đáng kể tình trạng bệnh. Điều quan trọng là bạn cần lắng nghe cơ thể, kiên trì theo dõi triệu chứng và tham khảo ý kiến chuyên gia y tế khi cần thiết. Bằng cách kết hợp linh hoạt các phương pháp, người bệnh có thể từng bước cải thiện sức khỏe tiêu hóa và lấy lại sự thoải mái trong cuộc sống hằng ngày.
- Irritable bowel syndrome: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/irritable-bowel-syndrome/symptoms-causes/syc-20360016
- Everything You Want to Know About Irritable Bowel Syndrome (IBS): https://www.healthline.com/health/irritable-bowel-syndrome
- Everything You Need to Know About the FODMAP Diet: https://www.healthline.com/nutrition/fodmaps-101
Tham khảo thêm các sản phẩm men vi sinh hỗ trợ cải thiện hội chứng ruột kích thích:
Dược sĩ Phạm Cao Hà
Đã kiểm duyệt nội dung
Tôi là dược sĩ Phạm Cao Hà, hiện đang giữ vai trò cố vấn chuyên môn tại Công ty TNHH Mediphar USA. Với gần 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu và quản lý chất lượng sản phẩm thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe, tôi cam kết cung cấp những thông tin chính xác và hữu ích cho cộng đồng.
Hy vọng rằng những kiến thức và kinh nghiệm mà tôi chia sẻ trên website medipharusa.com sẽ hỗ trợ Quý Đối Tác và Khách Hàng của công ty trong việc hiểu biết sâu sắc hơn về lĩnh vực dược phẩm và thực phẩm chức năng.