Hội chứng ruột kích thích uống thuốc gì? Cần lưu ý gì khi sử dụng?

Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một rối loạn tiêu hóa mãn tính thường gặp. Mặc dù không gây tổn thương thực thể ở ruột, nhưng IBS lại ảnh hưởng rõ rệt đến chất lượng cuộc sống người bệnh. Vậy hội chứng ruột kích thích uống thuốc gì để cải thiện triệu chứng hiệu quả và an toàn? Cần lưu ý gì khi dùng thuốc?

Với 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất và phân phối các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe tiêu hóa, Mediphar USA sẽ giới thiệu cho bạn những loại thuốc trị hội chứng ruột kích thích​, cùng những lưu ý quan trọng khi sử dụng để đạt hiệu quả điều trị tối ưu.

Hội chứng ruột kích thích khi nào cần dùng thuốc?

Hội chứng ruột kích thích (IBS) là một rối loạn tiêu hóa mạn tính và không thể chữa khỏi hoàn toàn.Các triệu chứng thường diễn tiến theo từng đợt, bao gồm đau bụng, chướng hơi, tiêu chảy, táo bón hoặc xen kẽ cả hai.

Điều trị IBS chủ yếu nhằm giảm triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống và ngăn ngừa các đợt bùng phát. Sử dụng thuốc thường là một phần trong phác đồ điều trị tổng thể, bên cạnh việc:

  • Thay đổi chế độ ăn uống phù hợp.
  • Quản lý căng thẳng và cải thiện giấc ngủ.
  • Tăng cường vận động thể chất.
Thay đổi chế độ ăn uống là một phần trong điều trị hội chứng ruột kích thích
Thay đổi chế độ ăn uống là một phần trong điều trị hội chứng ruột kích thích

Thuốc có thể được bác sĩ chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Triệu chứng kéo dài hoặc ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày.
  • Không đáp ứng với các biện pháp không dùng thuốc như thay đổi lối sống, ăn uống, tập luyện.
  • IBS liên quan đến stress hoặc lo âu kéo dài, với những bệnh nhân có yếu tố tâm lý chi phối triệu chứng.
  • Phân nhóm cụ thể của IBS: thuốc được lựa chọn theo từng thể bệnh (IBS-C: IBS thể táo bón, IBS-D: IBS thể tiêu chảy, IBS-M: IBS thể hỗn hợp).

Việc dùng thuốc trong điều trị IBS cần cá nhân hóa theo từng bệnh nhân và nên có sự hướng dẫn từ bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa hoặc bác sĩ nội khoa.

Việc sử dụng thuốc giúp làm giảm các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích
Việc sử dụng thuốc giúp làm giảm các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích

Dưới đây là một số loại thuốc chữa hội chứng ruột kích thích được sử dụng phổ biến:

Thuốc chữa hội chứng ruột kích thích không kê đơn

Thuốc chống tiêu chảy

Đối với người bị hội chứng ruột kích thích thể tiêu chảy, một số thuốc không kê đơn có thể giúp làm chậm nhu động ruột và giảm tần suất đi tiêu.

Loperamide (Imodium): Là thuốc phổ biến dùng để giảm tiêu chảy. Loperamide giúp làm chậm hoạt động của ruột và giảm lượng nước thải ra trong phân, từ đó giúp phân đặc lại.

Loperamide
Loperamide

Tuy nhiên, tác dụng của loperamide đối với các triệu chứng IBS tổng thể còn chưa rõ ràng, và hiệu quả có thể khác nhau tùy từng người.

Bismuth subsalicylate (Pepto-Bismol): Cũng là thuốc chống tiêu chảy, giúp giảm tần suất và mức độ tiêu chảy. Ngoài ra, thuốc còn có tác dụng bảo vệ niêm mạc tiêu hóa và kháng khuẩn nhẹ.

Thuốc chống tiêu chảy phù hợp với người bị hội chứng ruột kích thích thể tiêu chảy
Thuốc chống tiêu chảy phù hợp với người bị hội chứng ruột kích thích thể tiêu chảy

Thuốc nhuận tràng

Với người bị hội chứng ruột kích thích thể táo bón, thuốc nhuận tràng có thể giúp kích thích nhu động ruột và làm mềm phân để dễ đi tiêu hơn.

Các thuốc loại thường dùng:

  • Nhuận tràng kích thích: như bisacodyl và senna, giúp ruột co bóp mạnh hơn, đồng thời làm mềm phân. Cần dùng ngắn hạn, tránh lạm dụng vì có thể gây phụ thuộc.
  • Nhuận tràng thẩm thấu: như polyethylene glycol (PEG) giúp giữ nước trong ruột, làm mềm phân và hỗ trợ đi tiêu dễ dàng.
  • Thuốc làm mềm phân: cho phép nước thấm vào phân nhiều hơn, giúp giảm đau khi đi ngoài.

Dù là thuốc không kê đơn, người bệnh nên tham khảo ý kiến người có chuyên môn trước khi sử dụng. Điều này giúp bạn chọn đúng loại phù hợp với triệu chứng IBS của mình.

Thuốc nhuận tràng giúp dễ đi tiêu hơn với người bị hội chứng ruột kích thích thể táo bón
Thuốc nhuận tràng giúp dễ đi tiêu hơn với người bị hội chứng ruột kích thích thể táo bón

Thuốc chữa hội chứng ruột kích thích kê đơn

Thuốc chống trầm cảm ba vòng

Mặc dù được biết đến là thuốc điều trị trầm cảm, các thuốc chống trầm cảm ba vòng còn có tác dụng giảm đau bụng và điều hòa hoạt động của nhu động ruột. Đó là nhờ vào khả năng ức chế tín hiệu thần kinh từ ruột đến não.

Loại thuốc này thường được chỉ định cho người IBS có tiêu chảy và đau bụng kéo dài, kể cả khi người bệnh không có dấu hiệu trầm cảm.

Các thuốc phổ biến bao gồm: Imipramine (Tofranil), Desipramine (Norpramin), Nortriptyline (Pamelor).

Thuốc thường được sử dụng với liều thấp hơn so với điều trị trầm cảm. Dùng thuốc vào buổi tối có thể giúp hạn chế một số tác dụng phụ như:

  • Buồn ngủ, mờ mắt.
  • Khô miệng, chóng mặt.
  • Táo bón (do ức chế nhu động ruột quá mức).
Sử dụng thuốc chống trầm cảm ba vòng vào ban ngày có thể gây mờ mắt, buồn ngủ
Sử dụng thuốc chống trầm cảm ba vòng vào ban ngày có thể gây mờ mắt, buồn ngủ

Nhóm thuốc chống trầm cảm SSRI

Thuốc chống trầm cảm nhóm SSRI là loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất trong điều trị trầm cảm. Trong một số trường hợp, nhóm thuốc này cũng được dùng cho người mắc hội chứng ruột kích thích (IBS). Đặc biệt là khi có kèm theo triệu chứng đau và táo bón.

Các thuốc SSRI đã được sử dụng trong điều trị IBS gồm:

  • Fluoxetine (Prozac).
  • Paroxetine (Paxil).
  • Citalopram (Celexa).
  • Sertraline (Zoloft).
Nhóm thuốc chống trầm cảm SSRI có thể được sử dụng cho bệnh nhân trầm cảm kèm táo bón
Nhóm thuốc chống trầm cảm SSRI có thể được sử dụng cho bệnh nhân trầm cảm kèm táo bón

Thuốc kháng cholinergic

Thuốc kháng cholinergic là nhóm thuốc có khả năng ức chế hoạt động của acetylcholine – một chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến co bóp cơ trơn trong đường ruột. Nhờ vậy, nhóm thuốc này giúp giảm co thắt ruột và làm dịu các cơn đau quặn bụng ở người bị hội chứng ruột kích thích (IBS).

Một trong những thuốc thường được kê đơn là:

  • Dicyclomine (bentyl).
  • Buscopan (hyoscine butylbromide).
  • Levsin (hyoscyamine).

Thuốc tương đối an toàn khi dùng đúng liều, tuy nhiên có thể gây một số tác dụng phụ như: táo bón, khô miệng, mờ mắt.

Thuốc kháng cholinergic có thể gây khô miệng khi sử dụng
Thuốc kháng cholinergic có thể gây khô miệng khi sử dụng

Việc sử dụng thuốc kháng cholinergic cần được bác sĩ chỉ định và theo dõi. Đặc biệt ở người cao tuổi hoặc có bệnh lý nền tim mạch, tăng nhãn áp.

Thuốc kháng sinh không hấp thu được

Trong điều trị hội chứng ruột kích thích (IBS), kháng sinh có thể được sử dụng với mục đích điều chỉnh sự mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột – một yếu tố được cho là góp phần gây ra triệu chứng.

Hiện nay, rifaximin là loại kháng sinh duy nhất đã được phê duyệt để điều trị hội chứng ruột kích thích. Loại thuốc này có một ưu điểm không được hấp thu vào máu, giúp hạn chế tối đa các tác dụng phụ toàn thân.

Tuy nhiên, một số người bệnh cũng có thể gặp các dụng phụ như: đầy bụng, đau bụng, buồn nôn. Rifaximin không nên dùng cho bệnh nhân bị tiêu chảy ra máu.

Sử dụng kháng sinh Rifaximin có thể gây tác dụng phụ buồn nôn
Sử dụng kháng sinh Rifaximin có thể gây tác dụng phụ buồn nôn

Thuốc đặc trị cho hội chứng ruột kích thích

Trong những trường hợp hội chứng ruột kích thích không đáp ứng với các phương pháp điều trị thông thường. Bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc đặc trị đã được phê duyệt cho từng thể bệnh IBS cụ thể. Những thuốc này thường chỉ được kê đơn bởi bác sĩ chuyên khoa, đôi khi theo các chương trình giám sát chặt chẽ.

Alosetron (Lotronex)

  • Được chỉ định cho nữ giới bị IBS thể tiêu chảy (IBS-D) nặng, không đáp ứng với các điều trị khác. Chỉ dùng theo chương trình quản lý đặc biệt, không được phê duyệt cho nam giới.
  • Cơ chế: Làm giãn đại tràng, giảm nhu động ruột, giúp làm chậm quá trình đào thải phân.
  • Tác dụng phụ nghiêm trọng hiếm gặp, bao gồm biến chứng đường tiêu hóa – nên chỉ sử dụng khi thật sự cần thiết.
Alosetron (Lotronex)
Alosetron (Lotronex)

Eluxadoline (Viberzi)

  • Dùng cho IBS thể tiêu chảy.
  • Giúp giảm co thắt cơ trơn ruột, giảm tiết dịch, và tăng trương lực cơ hậu môn.
  • Tác dụng phụ: buồn nôn, đau bụng nhẹ, táo bón.
  • Eluxadoline có liên quan đến nguy cơ viêm tụy, nhất là ở người không có túi mật – cần thận trọng.
Eluxadoline (Viberzi)
Eluxadoline (Viberzi)

Rifaximin (Xifaxan)

  • Kháng sinh đặc hiệu được sử dụng để giảm tình trạng phát triển quá mức của vi khuẩn ruột non và cải thiện tiêu chảy.
  • Hoạt động tại chỗ, không hấp thu toàn thân – ít gây tác dụng phụ nghiêm trọng.
Rifaximin (Xifaxan)
Rifaximin (Xifaxan)

Lubiprostone (Amitiza)

  • Tăng tiết dịch ở ruột non, giúp phân di chuyển dễ hơn.
  • Chỉ định cho phụ nữ bị IBS thể táo bón (IBS-C) với triệu chứng nặng.
  • Thường được kê đơn khi các biện pháp điều trị khác không hiệu quả.
Lubiprostone (Amitiza)
Lubiprostone (Amitiza)

Linaclotide (Linzess)

  • Thuốc hoạt động bằng cách tăng tiết dịch ruột non, hỗ trợ đi tiêu dễ dàng hơn.
  • Tác dụng phụ thường gặp: tiêu chảy. Uống thuốc 30–60 phút trước bữa ăn có thể giúp hạn chế tình trạng này.
Linaclotide (Linzess)
Linaclotide (Linzess)

Chế phẩm bổ sung

Bổ sung chất xơ

Trong quá trình tìm hiểu ruột kích thích uống thuốc gì, nhiều người thường bỏ qua vai trò của chất xơ – một yếu tố quan trọng giúp cải thiện triệu chứng.

Chất xơ đóng vai trò quan trọng trong điều hòa nhu động ruột. Đặc biệt hữu ích đối với người bị hội chứng ruột kích thích thể táo bón (IBS-C). Tuy nhiên, không phải loại chất xơ nào cũng phù hợp. Vì một số loại có thể gây tăng sinh hơi và đầy bụng, khiến triệu chứng nặng hơn.

Sử dụng một chất bổ sung như psyllium (Metamucil) dễ dung nạp hơn, giúp làm mềm phân mà ít gây chướng bụng.

Bạn có thể bổ sung chất xơ qua chế độ ăn uống (rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt). Hoặc sử dụng thực phẩm chức năng bổ sung chất xơ không kê đơn nếu lượng chất xơ trong khẩu phần chưa đủ.

Việc tăng lượng chất xơ nên được thực hiện từ từ, kết hợp uống đủ nước để giảm nguy cơ đầy hơi và táo bón nặng hơn.

Bạn có thể bổ sung chất xơ qua việc ăn uống rau củ
Bạn có thể bổ sung chất xơ qua việc ăn uống rau củ

Tinh dầu bạc hà

Tinh dầu bạc hà là một phương pháp hỗ trợ điều trị hội chứng ruột kích thích đang ngày càng được quan tâm. Theo các nghiên cứu gần đây, tinh dầu bạc hà có tác dụng chống co thắt cơ trơn đường ruột. Nhờ đó giúp giảm cảm giác đau quặn bụng – một triệu chứng điển hình của IBS.

Cơ chế hoạt động của tinh dầu bạc hà:

  • Thư giãn các cơ trong ruột, giúp giảm co thắt và cảm giác khó chịu.
  • Hữu ích đặc biệt với người bị đau bụng và chướng bụng từng cơn.

Hiệu quả của tinh dầu bạc hà có thể phụ thuộc vào dạng bào chế, và thường được sử dụng như một phần bổ sung trong kế hoạch điều trị tổng thể, chứ không thay thế thuốc đặc trị.

Tinh dầu bạc hà giúp thư giãn, làm dịu cơn đau bụng
Tinh dầu bạc hà giúp thư giãn, làm dịu cơn đau bụng

Probiotics

Người mắc hội chứng ruột kích thích có thể gặp sự mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột – yếu tố liên quan đến các triệu chứng như đau bụng, đầy hơi hoặc rối loạn đại tiện. Đây là lý do khiến men vi sinh (probiotics) trở thành một lựa chọn hỗ trợ ngày càng được quan tâm.

Probiotics chứa các vi khuẩn có lợi, giúp tái cân bằng hệ vi sinh đường ruột, góp phần giảm nhẹ triệu chứng ở người bị IBS. Một phân tích tổng hợp từ các nghiên cứu trước đây cho thấy:

  • Probiotics có thể giúp giảm đau bụng và cải thiện tiêu hóa ở người bị IBS.
  • Không có một loại chủng vi sinh nào là hiệu quả nhất. Thay vào đó, các chế phẩm kết hợp nhiều chủng thường cho hiệu quả tốt hơn.

Tuy nhiên, vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu để xác định rõ loại chủng vi khuẩn nào phù hợp nhất với từng thể IBS, và liều dùng cụ thể cho từng đối tượng.

Probiotics cần được chứng minh thêm về hiệu quả đối với hội chứng ruột kích thích
Probiotics cần được chứng minh thêm về hiệu quả đối với hội chứng ruột kích thích

Tham khảo thêm các sản phẩm men vi sinh:

Một số vị thuốc hỗ trợ hội chứng ruột kích thích

Bên cạnh thuốc Tây y, một số vị thuốc Đông y truyền thống cũng có thể hỗ trợ cải thiện triệu chứng của hội chứng ruột kích thích. Nếu bạn đang băn khoăn ruột kích thích uống thuốc gì ngoài các loại thuốc tây, thì các dược liệu tự nhiên dưới đây có thể là lựa chọn bổ sung phù hợp, khi được sử dụng đúng cách.

Lô hội

Đây là một vị thuốc có tính mát, thường được dùng trong trường hợp ruột kích thích kèm theo táo bón.

Thành phần hoạt chất aloin trong lô hội có tác dụng kích thích nhu động đại tràng, giúp làm mềm phân và hỗ trợ quá trình đào thải.

Với người thường xuyên đi tiêu khó khăn hoặc bị táo bón kéo dài, lô hội có thể giúp làm dịu hệ tiêu hóa và cải thiện tình trạng chậm tiêu.

Lô hội giúp hạn chế táo bón ở người bị hội chứng ruột kích thích
Lô hội giúp hạn chế táo bón ở người bị hội chứng ruột kích thích

Mộc hương

Mộc hương là rễ cây thuộc họ Cúc, được biết đến với khả năng điều khí, giảm đầy hơi, buồn nôn và đau bụng. Trong Đông y, mộc hương thường được sử dụng cho người bị rối loạn tiêu hóa, đi ngoài phân lỏng, ăn uống không ngon miệng.

Vị thuốc này đặc biệt phù hợp với những người có hội chứng ruột kích thích thể tiêu chảy hoặc rối loạn nhu động ruột do khí trệ.

Mộc hương có thể hỗ trợ cho người bị hội chứng ruột kích thích thể tiêu chảy
Mộc hương có thể hỗ trợ cho người bị hội chứng ruột kích thích thể tiêu chảy

Bạch truật

Bạch truật cũng là một vị thuốc có nguồn gốc từ rễ cây họ Cúc, được dùng để “kiện tỳ” – tức là tăng cường khả năng tiêu hóa, hấp thu của hệ tiêu hóa.

Bạch truật giúp làm giảm tình trạng ăn không tiêu, đầy bụng, buồn nôn và đi ngoài phân sống kéo dài. Nhờ tác dụng điều hòa chức năng tiêu hóa, bạch truật có thể hỗ trợ tốt trong trường hợp người bệnh IBS bị tiêu hóa kém do tỳ vị hư nhược.

Vị thuốc bạch truật có thể giúp cải thiện các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích
Vị thuốc bạch truật có thể giúp cải thiện các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích

Cần lưu ý gì khi dùng thuốc chữa hội chứng ruột kích thích?

Không nên tự ý mua thuốc hoặc sử dụng kéo dài nếu chưa được bác sĩ hoặc dược sĩ tư vấn. Dù là thuốc không kê đơn, vẫn có nguy cơ tác dụng phụ, tương tác thuốc hoặc dùng sai chỉ định, đặc biệt khi người bệnh có bệnh lý nền khác.

Tốt nhất, trước khi bắt đầu bất kỳ loại thuốc nào bao gồm cả các sản phẩm hỗ trợ như chất xơ, men vi sinh hay tinh dầu bạc hà người bệnh nên trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ để được hướng dẫn đúng cách.

Tham khảo ý kiến người có chuyên môn trước khi sử dụng thuốc chữa hội chứng ruột kích thích
Tham khảo ý kiến người có chuyên môn trước khi sử dụng thuốc chữa hội chứng ruột kích thích

Lời kết

Mediphar USA hy vọng bài viết trên đã giúp bạn đọc giải đáp được thắc mắc hội chứng ruột kích thích uống thuốc gì. Bên cạnh việc sử dụng thuốc, việc kiểm soát bệnh lý này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chế độ ăn uống, giảm căng thẳng, và tăng cường vận động thể chất. Vì vậy, khi tìm hiểu ruột kích thích uống thuốc gì, người bệnh cần xem thuốc như một phần trong kế hoạch điều trị toàn diện chứ không phải là giải pháp duy nhất.

  1. https://www.healthline.com/health/irritable-bowel-syndrome/how-to-cure-ibs-permanently
  2. https://www.healthline.com/health/irritable-bowel-syndrome/understand-ibs-treatment-expectations
  3. https://www.medicalnewstoday.com/articles/what-is-the-best-over-the-counter-medicine-for-ibs
  4. https://www.medicalnewstoday.com/articles/what-can-i-take-for-ibs#otc-medications
  5. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/irritable-bowel-syndrome/diagnosis-treatment/drc-20360064
  6. https://www.healthline.com/health/antidepressants-for-ibs#which-antidepressants
  7. https://www.verywellhealth.com/antispasmodics-for-ibs-1945153#toc-types-of-antispasmodics-for-ibs
  8. https://suckhoedoisong.vn/su-dung-thuoc-khang-sinh-dieu-tri-hoi-chung-ruot-kich-thich-16923032615394267.htm
  9. https://fg.bmj.com/content/12/4/303
  10. https://trungtamytebinhthanh.medinet.gov.vn/thong-tin-truyen-thong/4-vi-thuoc-tot-cho-nguoi-mac-hoi-chung-ruot-kich-thich-cmobile4745-209979.aspx

Dược sĩ Phạm Cao Hà

Dược sĩ Phạm Cao Hà

Đã kiểm duyệt nội dung

Tôi là dược sĩ Phạm Cao Hà, hiện đang giữ vai trò cố vấn chuyên môn tại Công ty TNHH Mediphar USA. Với gần 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu và quản lý chất lượng sản phẩm thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe, tôi cam kết cung cấp những thông tin chính xác và hữu ích cho cộng đồng.

Hy vọng rằng những kiến thức và kinh nghiệm mà tôi chia sẻ trên website medipharusa.com sẽ hỗ trợ Quý Đối Tác và Khách Hàng của công ty trong việc hiểu biết sâu sắc hơn về lĩnh vực dược phẩm và thực phẩm chức năng.

> Xem thêm về tác giả

Bài viết liên quan