Sorbitol là gì? Công dụng, liều dùng và lưu ý khi sử dụng

Sorbitol là gì? Công dụng, liều dùng và lưu ý khi sử dụng

Sorbitol xuất hiện trong rất nhiều sản phẩm chăm sóc sức khỏe và thực phẩm hàng ngày, nhưng không phải ai cũng thực sự hiểu về tác dụng và cách sử dụng của nó?. Và lý do tại sao Sorbitol lại được ứng dụng phổ biến đến vậy?

Trong bài viết này, hãy cùng Mediphar USA với kinh nghiệm sản xuất và phân phối các sản phẩm chăm sóc sức khỏe đạt tiêu chuẩn tìm hiểu về Sorbitol – từ tính chất, lợi ích đến cách sử dụng an toàn và hiệu quả.

Sorbitol là gì?

Sorbitol hay còn gọi là D-glucitol, là một loại rượu có chứa nhiều nhóm hydroxyl, mang vị ngọt chỉ bằng một nửa đường mía (sacarose). Sorbitol được biết đến với khả năng thúc đẩy sự hydrat hóa các chất trong ruột.

Sorbitol có tác dụng nhuận tràng thẩm thấu hiệu quả nhờ việc kích thích tiết cholecystokinin-pancreazymin và tăng cường nhu động ruột. Nhờ những đặc tính này, Sorbitol được ứng dụng rộng rãi trong y học và các sản phẩm hỗ trợ tiêu hóa.

Cấu trúc hóa học của Sorbitol
Cấu trúc hóa học của Sorbitol

Công dụng của Sorbitol

Điều trị các triệu chứng tiêu hóa

Dược thư quốc gia Việt Nam quy định chỉ định chính thức của Sorbitol bao gồm điều trị các triệu chứng rối loạn tiêu hóa như táo bón và khó tiêu.

Sorbitol được sử dụng như một chất nhuận tràng để hỗ trợ giảm táo bón. Với tính chất thẩm thấu, nó hút nước vào ruột già từ các mô xung quanh, giúp kích thích nhu động ruột.

Thay thế đường truyền thống và giảm lượng calorie dung nạp

Sorbitol thường được sử dụng trong thực phẩm và đồ uống để thay thế đường truyền thống, giúp giảm lượng calorie. Sorbitol cung cấp khoảng 2/3 lượng calorie của đường mía và mang lại khoảng 60% độ ngọt. Đặc biệt, nó không được tiêu hóa hoàn toàn ở ruột non. Phần còn lại được chuyển xuống ruột già, nơi nó bị lên men bởi vi khuẩn, giúp giảm lượng calorie hấp thụ vào cơ thể.

Bên cạnh đó, nhờ ảnh hưởng rất ít đến lượng đường huyết so với các chất làm ngọt truyền thống như đường mía, Sorbitol là lựa chọn phổ biến trong các sản phẩm dành cho người tiểu đường.

Bảo vệ sức khỏe răng miệng

Không giống như đường mía, Sorbitol không góp phần gây sâu răng. Vì vậy, nó thường được sử dụng để làm ngọt trong kẹo cao su không đường và các loại thuốc dạng lỏng. Thậm chí, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã công nhận rằng Sorbitol có thể giảm nguy cơ sâu răng.

Sorbitol giúp điều trị các triệu chứng tiêu hóa như táo bón, khó tiêu
Sorbitol giúp điều trị các triệu chứng tiêu hóa như táo bón, khó tiêu

Liều dùng và cách dùng

Sorbitol là một chất nhuận tràng thẩm thấu hiệu quả, được sử dụng trong nhiều dạng bào chế khác nhau tùy theo mục đích điều trị. Dưới đây là hướng dẫn cụ thể về liều dùng và cách dùng theo từng dạng bào chế/ đống gói theo hướng dẫn của Dược thư Quốc gia Việt Nam 2018:

Dạng thuốc gói (5 g)

Điều trị triệu chứng khó tiêu:

Liều dùng:

  • Người lớn: 1–3 gói mỗi ngày.
  • Cách dùng: Pha 1 gói thuốc trong 1/2 cốc nước, uống trước bữa ăn hoặc khi có triệu chứng khó tiêu, tốt nhất là trước bữa ăn 10 phút.

Điều trị táo bón:

Liều dùng:

  • Người lớn: 1 gói vào buổi sáng khi đói.
  • Trẻ em: Dùng 1/2 liều của người lớn.
  • Cách dùng: Pha 1 gói thuốc trong 1/2 cốc nước, uống trước bữa ăn 10 phút.
Sorbitol 5G điều trị triệu chứng khó tiêu
Sorbitol 5G điều trị triệu chứng khó tiêu

Dạng dung dịch thuốc

Dung dịch thụt trực tràng

Liều dùng:

  • Người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên: 120 ml dung dịch 20–30%.
  • Trẻ em từ 2–11 tuổi: 30–60 ml dung dịch 20–30%.

Dung dịch 70% uống:

Liều dùng:

  • Người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên: 30–150 ml.
  • Trẻ em từ 2–11 tuổi: 2 ml/kg.

>>> Xem thêm: Dung dịch Sorbitol 70% là gì? Cách dùng thế nào?

Sử dụng kết hợp với than hoạt

Công dụng: Kết hợp với than hoạt để hỗ trợ giải độc và thải trừ chất độc qua đường tiêu hóa.

Liều dùng:

Trẻ em:

  • Uống dung dịch Sorbitol 35% với liều 4,3 ml/kg kết hợp với than hoạt liều 1 g/kg.

Người lớn:

  • Uống dung dịch Sorbitol 70% với liều 4,3 ml/kg kết hợp với than hoạt liều 1 g/kg.
  • Lặp lại mỗi 4 giờ/lần cho đến khi đi ngoài ra than hoạt.
Sorbitol có thể phối hợp với than hoạt tính để hỗ trợ thải trừ độc tố qua đường tiêu hóa
Sorbitol có thể phối hợp với than hoạt tính để hỗ trợ thải trừ độc tố qua đường tiêu hóa

Tác dụng phụ

Sorbitol, giống như các rượu đường khác, khi tiêu thụ với lượng lớn có thể gây ra một số tác dụng phụ, đặc biệt dễ ghi nhận hơn ở những người không quen sử dụng thường xuyên. Một số tác dụng phụ phổ biến bao gồm:

  • Đầy hơi và tiêu chảy: Đây là phản ứng thường gặp khi dùng Sorbitol liều cao. Mặc dù tiêu chảy có thể không mong muốn với một số người, đây lại là tác dụng cần thiết khi Sorbitol được sử dụng như thuốc nhuận tràng.
  • Đau quặn bụng hoặc buồn nôn: Mặc dù hiếm gặp, một số người có thể cảm thấy đau bụng hoặc buồn nôn đi kèm với tiêu chảy.
  • Mất cân bằng chất lỏng và điện giải: Việc Sorbitol hút nước vào ruột để kích thích nhu động ruột có thể dẫn đến mất nước và các chất điện giải quan trọng như natri, kali, hoặc clo, đặc biệt khi sử dụng liều cao hoặc kéo dài.
  • Nhiễm acid lactic: Trong một số trường hợp hiếm gặp, Sorbitol có thể liên quan đến tình trạng nhiễm acid lactic – một tình trạng khi nồng độ acid lactic trong máu tăng cao, ảnh hưởng đến sự cân bằng acid-base của cơ thể.

Tương tác thuốc

Giảm hấp thu thuốc

Sorbitol, giống như các thuốc nhuận tràng khác, có thể làm tăng nhu động ruột. Điều này dẫn đến rút ngắn thời gian di chuyển của các thuốc uống cùng lúc, làm giảm khả năng hấp thu và hiệu quả điều trị của những thuốc này.

Tương tác nghiêm trọng với Kayexalate

Việc sử dụng Sorbitol cùng với Kayexalate (canxi hoặc natri polystyren sulfonat) – một loại thuốc điều trị tăng kali máu – qua đường uống hoặc đặt hậu môn có thể gây ra nguy cơ hoại tử trực tràng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng.

Tránh kết hợp với thuốc nhuận tràng khác

Khi dùng Sorbitol để điều trị táo bón, không nên sử dụng thêm các thuốc nhuận tràng khác trừ khi có chỉ định cụ thể từ bác sĩ. Việc kết hợp nhiều thuốc nhuận tràng có thể làm tăng nguy cơ mất cân bằng chất lỏng và điện giải hoặc gây các tác dụng phụ nghiêm trọng không mong muốn.

Nếu bạn đang dùng các thuốc điều trị bệnh mãn tính hoặc các thuốc quan trọng khác, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng Sorbitol để tránh các tương tác bất lợi.

Lưu ý khi sử dụng

Chống chỉ định

Sorbitol không được khuyến cáo sử dụng trong các trường hợp sau:

  • Các bệnh về đại tràng thực thể: Viêm loét đại – trực tràng, bệnh Crohn.
  • Tắc nghẽn đường ruột: Bao gồm hội chứng tắc ruột, bán tắc ruột hoặc đau bụng chưa rõ nguyên nhân.
  • Bện lý về bài tiết: Vô niệu hoặc tắc đường dẫn mật.
  • Không dung nạp fructose do di truyền: Một rối loạn chuyển hóa hiếm gặp gây khó khăn trong việc hấp thụ và xử lý fructose.

Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng sorbitol nếu bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào nêu trên.

Phụ nữ mang thai và cho con bú

Hiện nay, các nghiên cứu lâm sàng về tác động của việc sử dụng sorbitol trong thai kỳ hoặc khi đang cho con bú vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên, các loại đường rượu (sugar alcohols) và polyols, bao gồm sorbitol, thường được xem là an toàn nếu sử dụng với liều lượng vừa phải.

Mặc dù vậy, giống như các loại thuốc hoặc thực phẩm bổ sung khác, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia y tế trước khi sử dụng sorbitol nếu đang mang thai hoặc cho con bú để đảm bảo an toàn.

Sử dụng ở một số nhóm đối tượng cụ thể

Sorbitol cần được sử dụng thận trọng đối với người bị phình đại tràng, vì chất này có thể ảnh hưởng đến nhu động ruột và dẫn đến tình trạng u phân.

Đối với những người mắc hội chứng ruột kích thích, nên tránh dùng sorbitol khi bụng đói và cân nhắc giảm liều để hạn chế các tác dụng phụ không mong muốn.

Bảo quản

Sorbitol thường được bảo quản ở nhiệt độ phòng, khoảng 25°C. Không nên bảo quản đông lạnh hoặc để sản phẩm ở môi trường quá nóng, vì điều này có thể làm giảm thời hạn sử dụng.

Do có nhiều dạng sản phẩm chứa sorbitol trên thị trường, thời hạn sử dụng có thể khác nhau tùy thuộc vào từng loại và thương hiệu. Thông thường, nếu được bảo quản đúng cách, các sản phẩm chứa sorbitol có thể sử dụng từ 6–12 tháng.

Các lựa chọn thay thế Sorbitol

Nếu bạn đang tìm kiếm các phương pháp thay thế sorbitol để giúp nhuận tràng, có nhiều lựa chọn an toàn và hiệu quả như sau:

Các loại đường rượu khác

Erythritol và xylitol là những lựa chọn tương tự sorbitol, thường có mặt trong kẹo cao su và đồ uống dành cho người ăn kiêng. Chúng cho tác dụng thay thế sorbitol vì tính chất lý hóa khá tương đồng đến từ cấu tạo hóa học và nhóm chức cho chức năng hút nước, thẩm thấu.

Thực phẩm hỗ trợ tiêu hóa tự nhiên:

  • Hạt lanh và hạt chia: Chứa 8–10 gram chất xơ hỗ trợ đi tiêu trong mỗi 1/4 cốc hoặc 3 muỗng canh (30 gram).
  • Kefir: Sản phẩm sữa lên men giàu probiotic giúp tăng cường nhu động ruột và làm mềm phân.
  • Dầu thầu dầu: Chiết xuất từ hạt thầu dầu, chứa axit ricinoleic giúp kích thích nhu động ruột.
  • Trái cây và rau xanh: Các loại trái cây giàu chất xơ như quả mọng, rau lá xanh giúp tăng lượng phân.
  • Các loại đậu: đậu lăng, đậu Hà Lan và lạc giàu chất xơ và acid butyric giúp hỗ trợ tiêu hóa.

Các biện pháp khác:

  • Senna: Hoạt chất từ chiết xuất của các cây thuộc chi Senna (ví dụ: Senna alexandrina), có mặt trong nhiều loại thuốc nhuận tràng.
  • Nha đam: Chứa anthraquinone glycoside, giúp hút nước vào ruột và kích thích tiêu hóa.
  • Magnesium citrate: Một loại thuốc và chất bổ sung phổ biến hỗ trợ nhuận tràng.
  • Cà phê: Thức uống tự nhiên kích thích nhu động ruột.
Có thể thay thể Sorbitol bằng các thực phẩm tự nhiên có tính tẩy xổ mạnh như nha đam, cà phê để cải thiện triệu chứng khó tiêu
Có thể thay thể Sorbitol bằng các thực phẩm tự nhiên có tính tẩy xổ mạnh như nha đam, cà phê để cải thiện triệu chứng khó tiêu

Sorbitol là một loại đường rượu với nhiều ứng dụng trong thực phẩm, dược phẩm và hỗ trợ tiêu hóa. Tuy nhiên, việc sử dụng sorbitol cần được cân nhắc kỹ lưỡng, đặc biệt với những người có bệnh lý tiêu hóa hoặc tình trạng sức khỏe đặc biệt. Bảo quản đúng cách và sử dụng đúng liều lượng sẽ giúp tối ưu hiệu quả và đảm bảo an toàn.

Nếu bạn đang cân nhắc sử dụng sorbitol, đừng quên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia y tế để có hướng dẫn phù hợp nhất. Đừng quên tiếp tục theo dõi website Mediphar USA để được cập nhật nhanh chóng những thông tin y tế chính xác và uy tín.

Sorbitol 5G - Triệt tiêu táo bón
Sorbitol 5G – Triệt tiêu táo bón

>>> Xem ngay sản phẩm: Sorbitol 5G

Tài liệu tham khảo:

  1. Dược thư quốc gia Việt Nam – Sorbitol – Trang 1294
  2. What Is Sorbitol? Benefits, Uses, Side Effects, and More: https://www.healthline.com/nutrition/what-is-sorbitol
Dược sĩ Phạm Cao Hà

Dược sĩ Phạm Cao Hà

Đã kiểm duyệt nội dung

Tôi là dược sĩ Phạm Cao Hà, hiện đang giữ vai trò cố vấn chuyên môn tại Công ty TNHH Mediphar USA. Với gần 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu và quản lý chất lượng sản phẩm thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe, tôi cam kết cung cấp những thông tin chính xác và hữu ích cho cộng đồng.

Hy vọng rằng những kiến thức và kinh nghiệm mà tôi chia sẻ trên website medipharusa.com sẽ hỗ trợ Quý Đối Tác và Khách Hàng của công ty trong việc hiểu biết sâu sắc hơn về lĩnh vực dược phẩm và thực phẩm chức năng.

> Xem thêm về tác giả

    Liên hệ MEDIPHAR USA



    Bài viết liên quan