Đau bụng uống thuốc gì? Đây là câu hỏi nhiều người quan tâm khi gặp phải tình trạng này. Đau bụng có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau nên việc lựa chọn thuốc phù hợp là rất quan trọng, sẽ giúp giảm nhanh cơn đau đồng thời đảm bảo an toàn cho sức khỏe. Trong bài viết này, Mediphar USA sẽ cùng bạn tìm hiểu các nhóm thuốc giảm đau bụng theo từng nguyên nhân, giúp kiểm soát triệu chứng hiệu quả và bảo vệ sức khỏe một cách an toàn nhất.
Các nhóm thuốc giảm đau bụng thường dùng
Việc xác định đúng nguyên nhân đau bụng là bước quan trọng để lựa chọn thuốc phù hợp, giúp giảm triệu chứng hiệu quả và ngăn ngừa biến chứng. Dưới đây là các nhóm thuốc thường được sử dụng, tùy theo nguyên nhân cụ thể gây đau bụng.
Thuốc chống co thắt
Thuốc chống co thắt được sử dụng khi nguyên nhân đau bụng liên quan đến rối loạn tiêu hóa hoặc đau bụng kinh. Nhóm thuốc này làm giảm các cơn co thắt bất thường ở cơ trơn, từ đó mang lại cảm giác dễ chịu và giảm đau hiệu quả. Cụ thể, thuốc có các tác dụng chính sau:
- Giúp làm dịu nhanh các cơn đau bụng do co thắt quá mức ở đường tiêu hóa.
- Giảm hiện tượng quặn bụng, đau âm ỉ hoặc dữ dội bằng cách thư giãn cơ trơn thành ruột và dạ dày.
Hoạt chất thường dùng: Hyoscine butylbromide (Buscopan), Alverin, Drotaverin, Mebeverine, Papaverin.
Lưu ý khi sử dụng:
- Không nên dùng cho người bị tắc ruột, phì đại tuyến tiền liệt, nhược cơ hoặc glôcôm góc đóng.
- Thận trọng nhóm thuốc chống co thắt với phụ nữ mang thai, cho con bú và người cao tuổi.
- Không lạm dụng kéo dài nếu chưa xác định rõ nguyên nhân đau bụng.

Nhóm thuốc chống tiêu chảy
Nhóm thuốc tiêu chảy thường được bác sĩ chỉ định khi bệnh nhân bị tiêu chảy kéo dài hoặc triệu chứng tiêu chảy nghiêm trọng, cần được điều trị kịp thời. Cụ thể, nhóm thuốc này có các tác dụng sau:
- Giúp giảm nhanh số lần đi tiêu, cải thiện tình trạng phân lỏng, đồng thời giảm cảm giác đau bụng do tiêu chảy kéo dài.
- Một số thuốc còn có khả năng tiêu diệt vi khuẩn hoặc phục hồi cân bằng vi sinh đường ruột.
Hoạt chất thường dùng: Loperamide, Racecadotril, Diosmectite (Smecta)
Lưu ý khi sử dụng:
- Không dùng thuốc cầm tiêu chảy như Loperamide nếu người bệnh bị sốt cao, tiêu chảy kèm máu (nghi nhiễm khuẩn nặng).
- Tránh dùng kéo dài nếu không có cải thiện sau 2 ngày.

Thuốc giảm đau
Khi bị đau bụng do nhiều nguyên nhân khác nhau, việc sử dụng thuốc giảm đau đúng cách sẽ giúp giảm đau hiệu quả và cải thiện chất lượng cuộc sống. Dưới đây là những tác dụng chính của nhóm thuốc:
- Làm dịu nhanh cảm giác đau bụng từ nhẹ đến trung bình giúp kiểm soát cảm giác đau do nhiều nguyên nhân khác nhau: co thắt cơ trơn, viêm nhiễm, các chấn thương nhẹ ở thành bụng.
- Thuốc giảm đau ức chế sự dẫn truyền tín hiệu đau từ vùng tổn thương lên não, giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn.
Hoạt chất thường dùng: Paracetamol, Ibuprofen, Naproxen, …
Lưu ý khi sử dụng:
- Paracetamol tương đối an toàn nếu dùng đúng liều, không quá 4g/ngày.
- Tránh dùng Ibuprofen khi nghi ngờ loét dạ dày – tá tràng hoặc có bệnh lý gan – thận.
- Không nên dùng thuốc giảm đau kéo dài mà không có chỉ định của bác sĩ

>>> Xem thêm về các vị trí đau bụng thường gặp
Nhóm thuốc điều trị viêm loét dạ dày – tá tràng
Nhóm thuốc điều trị viêm loét dạ dày – tá tràng được sử dụng nhằm kiểm soát và làm lành các tổn thương ở niêm mạc dạ dày và tá tràng, từ đó giảm các triệu chứng khó chịu và ngăn ngừa biến chứng. Các tác dụng của nhóm thuốc bao gồm:
- Giảm đau bụng bằng cách làm giảm tiết acid, trung hòa acid hoặc tạo màng bảo vệ niêm mạc khỏi bị acid tấn công.
- Khi acid dạ dày được kiểm soát, vết loét có điều kiện lành lại, từ đó triệu chứng đau bụng, ợ chua, nóng rát cũng giảm dần.
- Nhóm thuốc này còn đóng vai trò quan trọng trong điều trị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori – nguyên nhân hàng đầu gây viêm loét dạ dày.
Hoạt chất thường dùng:
- Nhóm thuốc ức chế bơm proton (PPI): Omeprazole, Esomeprazole
- Nhóm thuốc đối kháng thụ thể H2: Famotidine, Ranitidine
- Nhóm thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày: Sucralfate, Bismuth
- Nhóm thuốc trung hòa acid dạ dày (antacid): Nhôm hydroxyd, Magnesi hydroxyd
Lưu ý khi sử dụng:
- Không dùng thuốc ức chế bơm proton (PPI) kéo dài mà không có chỉ định.
- Sucralfate nên dùng cách xa các thuốc khác vì có thể ảnh hưởng đến hấp thu.
- Thận trọng với người có tiền sử loãng xương hoặc bệnh gan.

Kháng sinh
Trong những trường hợp đau bụng do nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, việc sử dụng kháng sinh là rất cần thiết để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh và kiểm soát triệu chứng. Cụ thể:
- Với những trường hợp đau bụng do nhiễm khuẩn đường tiêu hóa (như ngộ độc thực phẩm, viêm ruột, nhiễm khuẩn Helicobacter pylori…), việc sử dụng kháng sinh giúp diệt vi khuẩn gây bệnh.
- Khi tác nhân gây viêm được loại bỏ, các triệu chứng đi kèm như đau bụng, sốt, tiêu chảy, buồn nôn cũng giảm theo.
Hoạt chất thường dùng: Ciprofloxacin, Metronidazole, Amoxicilln + Clarithromycin (trong điều trị Helicobacter pylori).
Lưu ý khi sử dụng:
- Chỉ dùng khi có chỉ định của bác sĩ, không tự ý dùng để tránh kháng thuốc.
- Cần dùng đúng liều, đúng thời gian theo chỉ định của bác sĩ
- Có thể gây rối loạn tiêu hóa hoặc dị ứng.
- Nên bổ sung men vi sinh trong và sau quá trình điều trị kháng sinh.

Nhóm thuốc khác
Ngoài các nhóm thuốc chính, nhóm thuốc hỗ trợ được sử dụng để cải thiện các triệu chứng nhẹ và hỗ trợ quá trình điều trị đau bụng. Thuốc giúp tăng cường tiêu hóa, giảm đầy hơi, thúc đẩy nhu động ruột hoặc trung hòa acid, tùy theo từng nguyên nhân cụ thể. Nhóm thuốc này giúp cải thiện triệu chứng nhẹ, nâng cao hiệu quả của phác đồ điều trị chính.
Hoạt chất thường dùng:
- Thuốc chống đầy hơi (Simethicone)
- Thuốc nhuận tràng nhẹ (Lactulose, Sorbitol)
- Berberin (chiết xuất từ hoàng liên)

>>> Tham khảo thêm về men tiêu hóa Menpeptine Enzyme
Lưu ý khi sử dụng:
- Simethicone an toàn nhưng chỉ có tác dụng cơ học, không điều trị nguyên nhân.
- Thuốc nhuận tràng cần uống nhiều nước, tránh dùng ở người có biểu hiện tắc ruột.
- Berberin không nên dùng kéo dài hoặc liều cao vì có thể gây táo bón.

Xem thêm về thuốc đau bụng đi ngoài tiêu chảy
Lưu ý khi sử dụng thuốc giảm đau bụng
1. Không tự ý dùng thuốc khi chưa rõ nguyên nhân
Đau bụng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như rối loạn tiêu hóa, viêm ruột thừa, nhiễm trùng tiêu hóa, hoặc các bệnh lý gan, mật, dạ dày,… Việc tự ý dùng thuốc có thể che giấu các triệu chứng, gây khó khăn trong chẩn đoán và điều trị đúng bệnh. Do đó, khi chưa xác định được nguyên nhân, tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc.
2. Không lạm dụng thuốc giảm đau, kháng sinh
Thuốc giảm đau như paracetamol, ibuprofen hay thuốc chống co thắt có thể giúp giảm cảm giác khó chịu, nhưng nếu lạm dụng sẽ ảnh hưởng đến gan, thận, dạ dày và hệ tim mạch. Ngoài ra, việc tự ý sử dụng kháng sinh khi không cần thiết còn có thể gây kháng thuốc. Đây là một vấn đề nghiêm trọng hiện nay. Vì vậy, cần tuyệt đối tuân thủ liều lượng và thời gian sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ.
Không lạm dụng thuốc kháng sinh, giảm đau trong điều trị đau bụng
3. Theo dõi triệu chứng và đi khám nếu đau bụng kéo dài
Nếu đau bụng kéo dài trên 2 ngày, kèm theo các biểu hiện như sốt, nôn, tiêu chảy kéo dài, chướng bụng, sụt cân… thì đây có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nguy hiểm. Do đó, bạn không nên chủ quan mà cần đến ngay cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị kịp thời.
Một số câu hỏi thường gặp
Đau bụng do rối loạn tiêu hoá có cần dùng thuốc không?
Trong trường hợp nhẹ, đau bụng do rối loạn tiêu hóa có thể tự khỏi mà không cần dùng thuốc. Tuy nhiên, nếu cảm giác đầy bụng, chướng hơi, tiêu chảy hoặc táo bón gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, có thể sử dụng các thuốc hỗ trợ tiêu hóa như men vi sinh, simethicone, hoặc thuốc chống co thắt. Tuy nhiên, cần dùng đúng liều lượng và đúng chỉ định.
Trẻ nhỏ bị đau bụng có dùng thuốc được không?
Không nên tự ý dùng thuốc cho trẻ nhỏ khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Hệ tiêu hóa và gan thận của trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh nên dễ bị ảnh hưởng bởi tác dụng phụ của thuốc. Nếu trẻ có biểu hiện đau bụng, bố mẹ nên theo dõi kỹ triệu chứng, tránh tự ý dùng thuốc giảm đau hoặc kháng sinh tại nhà.
Trẻ nhỏ bị đau bụng cần theo dõi kỹ triệu chứng để có cách xử lý phù hợp
Thuốc giảm đau bụng có dùng lâu dài được không?
Không nên dùng thuốc giảm đau bụng trong thời gian dài nếu chưa xác định được nguyên nhân gây đau bụng. Việc dùng thuốc kéo dài có thể che lấp triệu chứng bệnh lý tiềm ẩn và gây tác dụng phụ. Nếu cần điều trị lâu dài, cần có sự theo dõi và chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa.
Xem thêm về cách hết đau bụng
Kết luận
Việc lựa chọn thuốc giảm đau bụng cần dựa trên nguyên nhân và hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả. Không nên tự ý dùng thuốc, đặc biệt là kháng sinh hay giảm đau kéo dài. Khi đau bụng kéo dài hoặc kèm theo các triệu chứng nghiêm trọng, cần đi khám để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Điều trị đúng nguyên nhân sẽ giúp kiểm soát triệu chứng nhanh chóng và phòng tránh biến chứng nguy hiểm.
- https://my.clevelandclinic.org/health/symptoms/4167-abdominal-pain
- https://www.healthline.com/health/abdominal-pain
- https://my.clevelandclinic.org/health/treatments/antispasmodics
- https://my.clevelandclinic.org/health/drugs/21483-analgesics
- https://www.tuasaude.com/en/medicine-for-stomach-pain/
- https://www.worldgastroenterology.org/guidelines/helicobacter-pylori/helicobacter-pylori-english
- https://www.webmd.com/first-aid/abdominal-pain-in-adults-treatment
- https://www.webmd.com/digestive-disorders/prevent-stomach-pain
Dược sĩ Phạm Cao Hà
Đã kiểm duyệt nội dung
Tôi là dược sĩ Phạm Cao Hà, hiện đang giữ vai trò cố vấn chuyên môn tại Công ty TNHH Mediphar USA. Với gần 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu và quản lý chất lượng sản phẩm thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe, tôi cam kết cung cấp những thông tin chính xác và hữu ích cho cộng đồng.
Hy vọng rằng những kiến thức và kinh nghiệm mà tôi chia sẻ trên website medipharusa.com sẽ hỗ trợ Quý Đối Tác và Khách Hàng của công ty trong việc hiểu biết sâu sắc hơn về lĩnh vực dược phẩm và thực phẩm chức năng.