Chứng chỉ hành nghề dược là điều kiện bắt buộc phải có nếu như dược sĩ muốn cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thuốc. Đây là một chứng chỉ để chứng minh rằng người dược sĩ đó có đủ trình độ chuyên môn để có thể hành nghề. Vậy làm sao để được cấp chứng chỉ hành nghề dược? Hồ sơ xin cấp chứng chỉ bao gồm những gì? Hãy cùng các chuyên gia Mediphar USA tìm hiểu tất tần tật những thông tin liên quan đến chứng chỉ này qua bài viết dưới đây nhé!
Bài viết được tham vấn bởi Dược sĩ Phạm Cao Hà
7 điều cần biết về chứng chỉ hành nghề dược
Chứng chỉ hành nghề dược là gì?
Chứng chỉ hành nghề dược là văn bản được cấp bởi Bộ Y tế cho các cá nhân có đủ trình độ chuyên môn theo quy định để kinh doanh dược và hoạt động dược lâm sàng (hoạt động nghiên cứu khoa học và thực hành dược về tư vấn sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả nhằm tối ưu hóa việc sử dụng thuốc).
Chứng chỉ hành nghề dược có ý nghĩa rất quan trọng. Nó không chỉ có ý nghĩa về mặt hành chính (hồ sơ mở nhà thuốc) mà còn mang ý nghĩa rằng người sở hữu chứng chỉ này đã đáp ứng đủ các điều kiện để tham gia vào thị trường chăm sóc sức khỏe cho mọi người.
Các vị trí công việc cần phải có chứng chỉ hành nghề dược
Có 3 vị trí công việc phải có Chứng chỉ hành nghề dược bao gồm:
- Người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của cơ sở kinh doanh dược.
- Người phụ trách về bảo đảm chất lượng của cơ sở sản xuất thuốc, nguyên liệu làm thuốc.
- Người phụ trách công tác dược lâm sàng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
Chứng chỉ hành nghề dược có thời hạn trong bao lâu?
Tại Khoản 1 Điều 29 Luật Dược 2016 có quy định như sau về quản lý chứng chỉ hành nghề dược như sau: “Mỗi cá nhân chỉ được cấp một chứng chỉ hành nghề dược. Trên chứng chỉ hành nghề dược ghi đầy đủ phạm vi hành nghề mà người có chứng chỉ hành nghề dược đáp ứng điều kiện và được phép hành nghề. Chứng chỉ hành nghề dược không quy định thời hạn hiệu lực và có giá trị trong phạm vi cả nước”. Như vậy, theo quy định thì chứng chỉ hành nghề dược không có quy định thời hạn hiệu lực. Tuy nhiên, tại điều này có quy định về những trường chứng chỉ hành nghề dược hết hiệu lực như sau:
- Khi người hành nghề chết hoặc mất tích theo quyết định, bản án của Tòa án
- Khi người hành nghề không có giấy xác nhận hoàn thành đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn về dược trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Chứng chỉ hành nghề dược hoặc kể từ ngày có giấy xác nhận hoàn thành chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn về dược gần nhất.
>> Xem thêm: GPP là gì? Những điều bạn nhất định phải biết để mở nhà thuốc
Điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề dược
Để được cấp chứng chỉ hành nghề dược, cá nhân phải đáp ứng đủ các điều kiện được quy định, cụ thể như sau:
(1) Có văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận chuyên môn (bằng cấp chuyên môn) được cấp hoặc công nhận tại Việt Nam phù hợp với vị trí công việc và cơ sở kinh doanh dược
(2) Có thời gian thực hành tại cơ sở kinh doanh dược, bộ phận dược của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, trường đào tạo chuyên ngành dược, cơ sở nghiên cứu dược, cơ sở kiểm nghiệm thuốc, nguyên liệu làm thuốc, cơ quan quản lý về dược hoặc văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực dược tại Việt Nam (sau đây gọi chung là cơ sở dược)
(3) Không thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang chấp hành bản án, quyết định của Tòa án; trong thời gian bị cấm hành nghề, cấm làm công việc liên quan đến hoạt động dược theo bản án, quyết định của Tòa án
– Bị hạn chế năng lực hành vi dân sự
Hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề dược
Để được xem xét cấp chứng chỉ hành nghề dược, cá nhân phải chuẩn bị một bộ hồ sơ bao gồm các loại giấy tờ sau đây:
– Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề dược
– 2 ảnh chân dung cỡ 4×6 cm chụp trong vòng 6 tháng
– Bản sao có chứng thực văn bằng chuyên môn
– Giấy khám sức khỏe
– Giấy xác nhận về thời gian thực hành chuyên môn do người đứng đầu cơ sở nơi người đó thực hành cấp.
– Giấy xác nhận hoàn thành chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn về dược đối với trường hợp đã bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề
– Bản sao có chứng thực căn cước công dân hoặc hộ chiếu.
– Phiếu lý lịch tư pháp (Trường hợp là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài)
– Trường hợp cấp Chứng chỉ hành nghề dược do bị thu hồi thì người đề nghị chỉ cần nộp đơn theo quy định nêu trên.
Thủ tục xin cấp chứng chỉ hành nghề dược
Bước 1: Người đề nghị cấp Chứng chỉ hành nghề dược gửi hồ sơ về cơ quan tiếp nhận hồ sơ
Bước 2: Cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp Chứng chỉ hành nghề dược trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ (nếu không có yêu cầu sửa đổi)
Bước 3: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày cấp Chứng chỉ hành nghề dược, cơ quan tiếp nhận hồ sơ công bố, cập nhật trên Cổng thông tin điện tử
- Phí cấp chứng chỉ hành nghề theo Thông tư số 277/2016/TT-BTC là 500,000 đ
Trường hợp có yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ sẽ có văn bản thông báo nội dung yêu cầu sửa đổi, bổ sung gửi cho người đề nghị trong thời hạn 10 ngày làm việc. Trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày cơ quan tiếp nhận hồ sơ có văn bản thông báo sửa đổi, bổ sung, người đề nghị phải bổ sung theo yêu cầu. Sau thời hạn trên thì hồ sơ đã nộp không còn giá trị.
>> Xem chi tiết: Thủ tục xin cấp chứng chỉ hành nghề dược
Những trường hợp bị thu hồi chứng chỉ hành nghề dược
Chứng chỉ hành nghề dược sẽ thị thu hồi nếu như người hành nghề vi phạm các trường hợp sau:
- Chứng chỉ hành nghề dược được cấp không đúng thẩm quyền
- Người được cấp chứng chỉ hành nghề dược đề nghị thu hồi chứng chỉ hành nghề dược của mình
- Giả mạo giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề dược
- Cá nhân có từ 2 chứng chỉ hành nghề dược trở lên
- Chứng chỉ hành nghề dược bị ghi sai do lỗi của cơ quan cấp chứng chỉ hành nghề dược.
- Người đã được cấp chứng chỉ hành nghề dược không đáp ứng một trong các điều kiện được cấp chứng chỉ hành nghề dược quy định tại Điều 13 hoặc Khoản 2 Điều 14 của luật Dược
- Người có chứng chỉ hành nghề cho thuê, cho mượn, thuê, mượn hoặc cho người khác sử dụng chứng chỉ hành nghề dược
- Người hành nghề dược không có giấy xác nhận hoàn thành chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn về dược trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp chứng chỉ hành nghề dược hoặc kể từ ngày có giấ y xác nhận hoàn thành chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn về dược gần nhất
- Người đã được cấp chứng chỉ hành nghề dược mà không hành nghề trong thời gian 12 tháng liên tục.
- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức tước chứng chỉ hành nghề dược từ 2 lần trở lên đối với một hành vi vi phạm.
- Vi phạm đạo đức nghề nghiệp trong hành nghề dược gây hậu quả đến tính mạng hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
Trên đây là tất cả những thông tin về chứng chỉ hành nghề dược, nếu như bạn có bất kì thắc mắc nào cần giải đáp, hãy liên hệ với chuyên gia Mediphar USA qua số Hotline 0903 893 866.
Dược sĩ Phạm Cao Hà
Đã kiểm duyệt nội dung
Tôi là dược sĩ Phạm Cao Hà, hiện đang giữ vai trò cố vấn chuyên môn tại Công ty TNHH Mediphar USA. Với gần 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu và quản lý chất lượng sản phẩm thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe, tôi cam kết cung cấp những thông tin chính xác và hữu ích cho cộng đồng.
Hy vọng rằng những kiến thức và kinh nghiệm mà tôi chia sẻ trên website medipharusa.com sẽ hỗ trợ Quý Đối Tác và Khách Hàng của công ty trong việc hiểu biết sâu sắc hơn về lĩnh vực dược phẩm và thực phẩm chức năng.