6 nguyên tắc vàng cho trẻ ăn dặm tránh rối loạn tiêu hóa

Cho trẻ ăn dặm đúng khoa học

Trong những tháng đầu đời, hệ tiêu hóa của trẻ còn chưa hoàn thiện và rất non nớt. Do đó, cho trẻ ăn dặm đúng khoa học giúp trẻ tránh được rối loạn tiêu hóa và đặc biệt là ảnh hưởng tới gan, thận. Khi ăn dặm quá sớm, trẻ rất dễ bị rối loạn tiêu hóa, suy dinh dưỡng hoặc béo phì. Vì với một số trẻ, khi hệ tiêu hóa chưa hoàn chỉnh thì chưa đủ khả năng tiêu hóa những thức ăn khác ngoài sữa mẹ.

Trẻ ăn dặm
Trẻ ăn dặm quá sớm dễ bị rối loạn tiêu hóa

Những biểu hiện nhận biết trẻ đã sẵn sàng cho việc ăn dặm

Để xác định xem trẻ đã thực sự sẵn sàng cho việc ăn dặm hay chưa, phụ huynh cần dựa vào những biểu hiện sau đây của trẻ:

– Cân nặng của trẻ đã tăng gấp đôi so với cân nặng khi sinh.

– Trẻ đã biết giữ đầu thẳng và có thể tự ngồi để mẹ có thể đút thức ăn dễ dàng cho trẻ.

– Trẻ biết đưa môi dưới về phía trước để nhận thức ăn từ thìa/muỗng khi cho trẻ ăn.

– Trẻ đã biết ngoảnh đầu đi nơi khác khi không muốn ăn món nào đó, điều này giúp người nuôi trẻ chọn lựa những món ăn thích hợp đối với khẩu vị của từng trẻ.

– Lưỡi trẻ không còn phản xạ tự động đẩy vật lạ (lúc trẻ còn nhỏ khi cho bất cứ vật gì vào miệng trẻ cũng đẩy ra, trừ núm vú).

– Trẻ thể hiện sự thích thú đối với thức ăn mà gia đình hay cha mẹ cho ăn.

Cho trẻ ăn dặm đúng khoa học theo lời khuyên chuyên gia dinh dưỡng

Việc cho trẻ ăn dặm để tránh rối loạn tiêu hóa, Cha mẹ cần để ý các vấn đề sau:

1. Cho trẻ ăn khi đã đủ 6 tháng tuổi

Cho trẻ ăn khi trẻ được đủ 6 tháng tuổi – bởi lúc này hệ tiêu hóa của trẻ đã dần hoàn thiện, tiêu hóa được các loại thực phẩm mềm nên việc hấp thu các loại thức ăn khác ngoài sữa mẹ sẽ dễ dàng hơn.

2. Cho trẻ ăn những thức ăn gần giống với sữa mẹ

Cho trẻ ăn những thức ăn gần giống với sữa mẹ hoặc giống với sữa công thức để bé quen dần với những thức ăn mới lạ, giúp trẻ dần thích nghi với việc ăn dặm và việc ăn uống của trẻ trở nên dễ dàng hơn. Nên tuân thủ nguyên tắc ngọt – mặn trong giai đoạn đầu cho trẻ ăn, thường thì bột ngọt sẽ là lựa chọn đầu tiên vì mùi vị tương tự với sữa mẹ, rồi sẽ dần thay thế bằng bột mặn với nhiều thành phần dinh dưỡng hơn.

Cho trẻ ăn dặm đúng khoa học
Cho trẻ ăn dặm đúng khoa học

3. Nguyên tắc ít – nhiều

Nguyên tắc ít – nhiều để luyện tập cho hệ tiêu hóa của trẻ thích ứng dần với lượng và thành phần thức ăn ngày càng phong phú. Cho trẻ ăn với lượng ít rồi tăng dần, cụ thể như tháng đầu nên cho ăn 1 – 2 muỗng bột mỗi lần rồi tăng dần lên 1/3 chén, rồi nửa chén…sẽ đảm bảo sự tiêu hóa và cung cấp đầy đủ năng lượng – dưỡng chất cần thiết cho nhu cầu tăng trưởng và phát triển của trẻ.

4. Nguyên tắc loãng – đặc

Nguyên tắc loãng – đặc cần ghi nhớ để quá trình ăn dặm của trẻ luôn được suôn sẻ, đây là nguyên tắc giúp trẻ không bị phản ứng khi tiếp xúc với thức ăn lạ và hệ tiêu hóa của trẻ có thể bắt nhịp kịp với quá trình tiêu hóa những thức ăn phức tạp hơn.

5. Nguyên tắc tô màu chén bột

Nguyên tắc tô màu chén bột nghĩa là bột ăn dặm của trẻ cũng đảm bảo đủ 4 nhóm thức ăn quan trọng giúp trẻ phát triển tốt. Nhóm bột đường bao gồm gạo, bột mì, bánh mì, bún, phở, ngô, khoai… Nhóm đạm bao gồm thịt, cá, trứng, sữa, tôm, đậu nành, các sản phẩm từ đậu nành và các loại đậu/đỗ khác… Nhóm chất béo bao gồm dầu, mỡ, bơ, pho mát và các loại hạt có dầu. Nhóm vitamin và khoáng chất bao gồm rau củ và các loại trái cây tươi. Đối với trẻ nhỏ, chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo người mẹ không nên cho thêm mắm, muối vào thức ăn của trẻ, vì hai quả thận của trẻ vẫn còn yếu. Khi nêm mắm, muối vào thức ăn sẽ khiến thận của trẻ phải làm việc quá sức gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ sau này.

6. Không nên ép trẻ ăn

Nguyên tắc không ép trẻ ăn khi trẻ không muốn ăn nữa hoặc tỏ ra phản đối việc ăn dặm, cha mẹ nên cho trẻ tạm ngưng việc ăn dặm một thời gian 5 – 7 ngày rồi sau đó sẽ tiếp tục tập luyện để trẻ không bị căng thẳng trong việc ăn dặm.

Theo Báo điện tử VTV

0 0 đánh giá
Đánh giá bài viết
Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận

Bài viết liên quan