Đau mắt đỏ bao lâu thì khỏi? Đây là thắc mắc thường gặp ở nhiều người khi mắc phải căn bệnh phổ biến này, đặc biệt là khi vào mùa bệnh từ tháng 8 đến tháng 10. Thời gian hồi phục đau mắt đỏ ở mỗi người không giống nhau, phụ thuộc vào nguyên nhân, tình trạng sức khỏe và cách điều trị. Trong bài viết này, Mediphar USA sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc cũng như nắm rõ các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình khỏi bệnh để giúp bạn chủ động hơn trong điều trị và phòng ngừa nó.
Đau mắt đỏ có thể tự khỏi không?
Đau mắt đỏ có thể tự khỏi sau vài ngày mà không cần dùng thuốc nếu nguyên nhân là virus hoặc kích ứng nhẹ và người bệnh giữ vệ sinh mắt tốt và chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, nếu do vi khuẩn hoặc dị ứng kéo dài, cần dùng thuốc nhỏ kháng sinh hoặc thuốc kháng dị ứng để tránh biến chứng và rút ngắn thời gian hồi phục. Trường hợp do dị ứng, nếu người bệnh không xác định và tránh được yếu tố gây kích ứng, bệnh sẽ khó dứt, thậm chí kéo dài thành mạn tính.

Lưu ý rằng, các nguyên nhân gây đau mắt đỏ thường có triệu chứng rất giống nhau như đỏ mắt, chảy nước mắt, cộm mắt, nhìn mờ hoặc hơi nhòe, nhạy cảm với ánh sáng,… khiến người bệnh tự phân biệt để điều trị đúng cách. Tuy nhiên, các nguyên nhân này vẫn có những điểm khác nhau đặc trưng như sau:
Nguyên nhân | Đặc điểm phân biệt |
Viêm kết mạc do virus | Dịch loãng, có thể kèm cảm lạnh, thường bắt đầu ở một mắt rồi lan sang bên kia, dễ lây; sưng hạch sau tai. |
Viêm kết mạc do vi khuẩn | Dịch đặc màu vàng hoặc xanh, đóng ghèn, mắt bị dính chặt vào buổi sáng; cảm giác như có dị vật trong mắt, có thể gây sưng hạch sau tai, ít lây hơn virus nhưng cần kháng sinh. |
Viêm kết mạc do dị ứng | Ngứa dữ dội, mí mắt sưng, chảy nước mắt trong, thường ảnh hưởng đến cả hai mắt cùng lúc, liên quan đến tiền sử dị ứng; không lây và không sưng hạch sau tai |
Dù có khả năng tự khỏi trong một số trường hợp và có thể tự nhận diện được, nhưng người bệnh không nên tự chẩn đoán và điều trị tại nhà. Cách tốt nhất là nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để được xác định nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp, giúp bệnh khỏi nhanh hơn, tránh biến chứng và hạn chế lây lan.
Đau mắt đỏ bao lâu thì khỏi hẳn?
Đau mắt đỏ xuất phát từ nhiều nguyên nhân như nhiễm virus, vi khuẩn, hay do dị ứng với các yếu tố môi trường như khói bụi, phấn hoa, hóa chất, lông động vật… Mỗi nguyên nhân sẽ dẫn đến biểu hiện khác nhau và ảnh hưởng trực tiếp đến thời gian hồi phục.
Việc khỏi bệnh nhanh hay chậm phụ thuộc vào nguyên nhân, sức khỏe người bệnh và cách chăm sóc khi điều trị bệnh. Nếu được chẩn đoán sớm và điều trị đúng cách, phần lớn các trường hợp sẽ hồi phục hoàn toàn mà không để lại biến chứng. Dưới đây là thời gian phục hồi ước tính theo từng nguyên nhân cụ thể:
- Đau mắt đỏ do virus: Thường kéo dài từ 7 đến 14 ngày, 2 – 3 tuần nếu nặng hơn và đôi khi tự khỏi nếu chăm sóc đúng cách, giữ vệ sinh tốt và tránh lây lan.
- Đau mắt đỏ do vi khuẩn: Nếu được điều trị kịp thời bằng thuốc nhỏ kháng sinh, triệu chứng sẽ giảm nhanh trong 2–5 ngày và chậm nhất là 2 tuần.
- Đau mắt đỏ do dị ứng: Bệnh có thể chấm dứt nhanh chỉ sau vài giờ hoặc vài ngày nếu người bệnh tránh được tác nhân gây dị ứng. Nhưng nếu tiếp xúc liên tục, triệu chứng có thể kéo dài nhiều tuần, thậm chí trở thành viêm kết mạc mãn tính.
Thời gian khỏi bệnh sẽ tiến triển theo từng ngày và các dấu hiệu sẽ giảm dần cho đến khi hồi phục hoàn toàn. Trường hợp đau mắt đỏ chỉ xuất hiện ở một bên mắt, thời gian phục hồi có thể giống như các trường hợp khác, tuy nhiên cần thận trọng vì rất dễ lây sang mắt còn lại nếu không giữ gìn tốt vệ sinh tay và mặt.

Dấu hiệu đau mắt đỏ sắp khỏi
Trong quá trình điều trị đau mắt đỏ, việc theo dõi các dấu hiệu hồi phục là rất quan trọng để biết bệnh có tiến triển tốt hay không. Nếu mắt bắt đầu có những thay đổi sau, đó là dấu hiệu tích cực cho thấy tình trạng đang cải thiện:
- Mắt dần bớt đỏ, các mạch máu trên lòng trắng mắt không còn giãn nở rõ như trước.
- Cảm giác cộm, ngứa và xốn mắt giảm dần, mắt dễ chịu hơn khi chớp hoặc nhìn ánh sáng.
- Lượng ghèn (rỉ mắt) và dịch tiết ít dần, không còn dính mắt vào buổi sáng.
- Thị lực trở lại bình thường, không còn mờ mắt tạm thời.
- Không còn đau nhức hoặc chảy nước mắt liên tục, mắt cảm thấy “nhẹ” hơn.
Tuy nhiên, nếu một vài triệu chứng đã thuyên giảm nhưng một số khác như đỏ mắt hoặc ra ghèn vẫn kéo dài sau nhiều ngày, người bệnh nên thăm khám lại để loại trừ khả năng có biến chứng hoặc chẩn đoán sai nguyên nhân ban đầu.

Tại sao đau mắt đỏ lâu ngày không khỏi?
Mặc dù phần lớn các trường hợp đau mắt đỏ sẽ khỏi trong vòng một đến hai tuần, nhưng vẫn có những người phải mất thời gian lâu hơn để hồi phục. Nguyên nhân thường không nằm ở mức độ nghiêm trọng ban đầu, mà do cách chăm sóc hoặc điều trị chưa đúng. Dưới đây là một số lý do khiến bệnh kéo dài lâu hơn dự kiến:
- Chẩn đoán sai nguyên nhân: Các nguyên nhân gây bệnh do virus, vi khuẩn, dị ứng,… có biểu hiện rất giống nhau nên dễ bị nhầm lẫn dẫn đến điều trị lâu khỏi.
- Vi khuẩn kháng thuốc: Một số loại vi khuẩn có thể kháng kháng sinh. Đồng thời, việc không tuân thủ hướng dẫn điều trị (bỏ thuốc giữa chừng, dùng sai liều) cũng khiến nhiễm trùng không được loại bỏ triệt để, dễ tái phát.
- Dùng sai thuốc: Tự ý dùng thuốc nhỏ mắt không phù hợp, đặc biệt là thuốc chứa corticoid, có thể làm bệnh nặng thêm hoặc che lấp triệu chứng, khiến việc điều trị không hiệu quả.
- Vệ sinh kém: Dụi mắt, không rửa tay thường xuyên, dùng chung khăn, chăn gối hoặc không giặt sạch các vật dụng cá nhân trong thời gian bệnh là những thói quen khiến vi khuẩn hoặc virus dễ tái nhiễm, làm chậm quá trình hồi phục.
- Sức đề kháng, hệ miễn dịch yếu: Trẻ nhỏ, người lớn tuổi, người đang mắc bệnh mãn tính (tiểu đường, HIV, ung thư…) có hệ miễn dịch kém, nên thời gian hồi phục sẽ lâu hơn người khỏe mạnh.
- Tiếp xúc với tác nhân gây bệnh: Tiếp xúc chất gây dị ứng, dị vật trong không khí hoặc môi trường khói bụi, ô nhiễm, khiến mắt liên tục bị kích ứng, khó hồi phục.
- Dùng kính áp tròng không đúng cách: Đeo khi mắt còn viêm hoặc vệ sinh không kỹ có thể làm tổn thương và tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Các bệnh lý mắt: Một số tình trạng như viêm mí mắt tắc tuyến lệ, viêm kết giác mạc, hoặc bệnh đau mắt hột có thể khiến đau mắt đỏ kéo dài, khó điều trị dứt điểm.
Khi tình trạng không cải thiện sau 7 – 10 ngày, tốt nhất nên đến cơ sở y tế để được kiểm tra và điều chỉnh hướng điều trị phù hợp hơn.
▷ Tham khảo thêm: Mắt mờ sau khi bị đau mắt đỏ có nguy hiểm không?

Đau mắt đỏ có khỏi hẳn không? Có tái phát không?
Đau mắt đỏ hoàn toàn có thể khỏi hẳn nếu được điều trị đúng nguyên nhân và chăm sóc mắt đúng cách. Phần lớn các trường hợp sau khi khỏi sẽ không để lại di chứng hay ảnh hưởng lâu dài đến thị lực. Tuy nhiên, bệnh vẫn có khả năng tái phát, đặc biệt nếu người bệnh:
- Vẫn giữ thói quen vệ sinh mắt kém.
- Tiếp xúc trở lại với nguồn lây (người mắc bệnh, môi trường ô nhiễm, dị nguyên).
- Không điều trị dứt điểm từ đợt bệnh trước.
- Có cơ địa dị ứng hoặc miễn dịch yếu, dễ bị kích ứng tái lại.
Với những người từng bị đau mắt đỏ do dị ứng hoặc do môi trường làm việc nhiều bụi bẩn, ánh sáng mạnh, việc phòng ngừa tái phát càng cần được chú trọng. Duy trì vệ sinh mắt tốt và tránh xa các yếu tố nguy cơ sẽ giúp hạn chế tối đa tình trạng này lặp lại.
▷ Hướng dẫn 11 mẹo chữa đau mắt đỏ nhanh nhất tại nhà

Cách phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ
Đau mắt đỏ là bệnh dễ lây, nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu bạn duy trì thói quen sinh hoạt và vệ sinh hợp lý. Phòng bệnh tốt không chỉ giúp bạn tránh bị nhiễm lần đầu mà còn ngăn nguy cơ tái phát sau khi đã điều trị khỏi. Để phòng ngừa đau mắt đỏ, bạn nên:
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, đặc biệt sau khi đi ngoài, dùng điện thoại, chạm vào bề mặt công cộng hoặc trước khi chạm vào vùng mắt.
- Tránh đưa tay lên dụi mắt, kể cả khi cảm thấy cộm hay ngứa. Đây là thói quen vô thức nhưng có nguy cơ gây nhiễm khuẩn rất cao.
- Không dùng chung vật dụng cá nhân như khăn mặt, gối, kính mắt, đồ trang điểm – vì đây là những vật trung gian dễ lây lan virus, vi khuẩn.
- Nếu sử dụng kính áp tròng, cần vệ sinh kỹ và thay đúng lịch, không đeo khi mắt đang bị kích ứng hoặc đỏ nhẹ.
- Hạn chế tiếp xúc gần với người đang mắc đau mắt đỏ; nếu trong gia đình có người bệnh, nên giặt riêng đồ dùng cá nhân và tránh tiếp xúc tay trực tiếp vào mắt.
- Khi đi ra ngoài, đặc biệt là ở môi trường bụi bẩn, nhiều khói, hóa chất hoặc gió mạnh, nên đeo kính bảo hộ hoặc kính râm để giảm nguy cơ kích ứng mắt.

Đau mắt đỏ bao lâu thì khỏi còn phụ thuộc vào nguyên nhân, tình trạng sức khỏe và cách chăm sóc cũng như điều trị của mỗi người. Nếu người bệnh phát hiện sớm và chăm sóc đúng cách bệnh có thể tự khỏi tại nhà, ngược lại trong trường hợp bệnh tiến triển nặng sẽ cần đến sự hỗ trợ từ bác sĩ. Ngoài các biện pháp điều trị và vệ sinh mắt hàng ngày, việc bổ sung dưỡng chất hỗ trợ thị lực cũng đóng vai trò quan trọng. Đặc biệt, beta-caroten, tiền chất của vitamin A, có tác dụng giúp phục hồi các mô tế bào mắt, làm dịu kích ứng. Dầu gấc Vina của Mediphar USA nổi bật nhờ chiết xuất từ gấc nguyên chất giàu beta-caroten tự nhiên. Sản phẩm hỗ trợ tăng cường sức đề kháng cho mắt, giảm khô rát và bảo vệ thị lực trong điều kiện ô nhiễm, tiếp xúc với ánh sáng xanh. Liên hệ với chúng tôi ngay khi có nhu cầu về sản phẩm.
- https://www.webmd.com/eye-health/eye-health-conjunctivitis
- https://www.cdc.gov/conjunctivitis/treatment/index.html
- https://www.healthline.com/health/how-long-does-pink-eye-last
- https://www.healthline.com/health/eye-health/pink-eye-came-back-after-antibiotics
Dược sĩ Phạm Cao Hà
Đã kiểm duyệt nội dung
Tôi là dược sĩ Phạm Cao Hà, hiện đang giữ vai trò cố vấn chuyên môn tại Công ty TNHH Mediphar USA. Với gần 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu và quản lý chất lượng sản phẩm thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe, tôi cam kết cung cấp những thông tin chính xác và hữu ích cho cộng đồng.
Hy vọng rằng những kiến thức và kinh nghiệm mà tôi chia sẻ trên website medipharusa.com sẽ hỗ trợ Quý Đối Tác và Khách Hàng của công ty trong việc hiểu biết sâu sắc hơn về lĩnh vực dược phẩm và thực phẩm chức năng.