Hiện nay, việc sử dụng thực phẩm chức năng (TPCN) để chăm sóc sức khỏe ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách sử dụng đúng để đạt hiệu quả tốt nhất và đảm bảo an toàn. Là đơn vị đã phân phối hơn 150 sản phẩm thực phẩm chức năng tại các nhà thuốc trên toàn quốc, Mediphar USA tự hào đồng hành cùng sức khỏe người Việt.
Trong bài viết này, Mediphar USA sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc “uống thực phẩm chức năng bao lâu thì nghỉ?”, đồng thời cung cấp hướng dẫn sử dụng thực phẩm chức năng khoa học, phù hợp với từng đối tượng và nhu cầu.
Thời gian sử dụng thực phẩm chức năng an toàn và hiệu quả
Dùng TPCN để làm giảm nhanh triệu chứng (ngắn hạn)
Việc sử dụng TPCN để giảm nhanh các triệu chứng tạm thời là cách phổ biến mà nhiều người lựa chọn khi cần hỗ trợ sức khỏe. Phương pháp này rất đơn giản và trực quan: bắt đầu sử dụng sản phẩm phù hợp khi triệu chứng xuất hiện và ngừng sử dụng khi triệu chứng đã thuyên giảm. Đôi khi, việc tiếp tục sử dụng thêm 1-2 tuần sau khi triệu chứng biến mất cũng giúp tăng cường hiệu quả và đảm bảo phục hồi hoàn toàn.
Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, bạn cần chú ý theo dõi cơ thể. Nếu triệu chứng không cải thiện trong khoảng thời gian mong đợi hoặc có dấu hiệu trầm trọng hơn, hãy ngừng ngay việc sử dụng sản phẩm và tham khảo ý kiến chuyên gia.
Thông thường, với các triệu chứng nhẹ, bạn có thể cảm nhận sự cải thiện chỉ trong 15–30 phút sau khi dùng, đôi khi còn sớm hơn. Hiệu quả sẽ tăng dần theo thời gian và liều dùng lặp lại cho đến khi triệu chứng hoàn toàn biến mất.
Dùng TPCN để bổ trợ sức khỏe trung hạn
Nhiều người lựa chọn TPCN để tối ưu hóa một khía cạnh cụ thể của sức khỏe, chẳng hạn như:
- Probiotics để cải thiện sức khỏe đường ruột.
- Thảo dược hỗ trợ histamine trong mùa hoa nở (phấn hoa là dị nguyên gây dị ứng).
- Thảo dược tăng cường miễn dịch vào mùa thu và đông.
- Nootropics giúp tăng cường chức năng não bộ.
- Thảo dược an thần hỗ trợ cân bằng tâm trạng và hệ thần kinh.
Đây là chiến lược bổ sung trung hạn và thường được khuyến nghị đánh giá lại theo mùa hoặc sau mỗi 3 tháng. Quá trình đánh giá lại bao gồm việc xem xét sự cải thiện sức khỏe và quyết định có nên tiếp tục sử dụng thêm 3 tháng nữa hay không.
Thời gian cảm nhận hiệu quả từ thực phẩm chức năng có thể khác nhau tùy từng cá nhân, nhưng thông thường thời gian trung bình để TPCN thể hiện hiệu quả được liệt kê như ở dưới:
- Hệ tiêu hóa: 1–4 tuần
- Tâm lý: 1–4 tuần
- Chức năng nhận thức: 2–4 tuần
- Năng lượng sinh hoạt: 2–4 tuần
- Hô hấp: 2–6 tuần
- Da: 2–6 tuần
- Khớp: 4–8 tuần
- Nội tiết nữ: 2–4 chu kỳ kinh nguyệt
Dưới đây là 3 chiến lược trung hạn phổ biến để cải thiện sức khỏe:
Hỗ trợ miễn dịch theo mùa
Bổ sung TPCN để hỗ trợ hệ miễn dịch và duy trì sự cân bằng là một chiến lược không còn mấy xa lạ, đặc biệt là vào mùa thu và đông, trong mùa tựu trường cho trẻ và trước những chuyến du lịch. Thời gian để bắt đầu và kết thúc việc sử dụng TPCN có thể khác nhau giữa các gia đình, nhưng thường thấy rằng:
- Hỗ trợ miễn dịch theo mùa: bắt đầu khi nhận thấy ngày ngắn và lạnh hơn và tiếp tục trong suốt thời gian “các tác nhân gây bệnh” có khả năng xuất hiện với mật độ cao trong cộng đồng.
- Mùa tựu trường: bắt đầu 1-2 tuần trước khi trẻ đi học lại và tiếp tục trong suốt thời gian trẻ dần quen lại với môi trường sinh hoạt mới.
- Khi đi du lịch: bắt đầu 1-2 tuần trước chuyến đi và tiếp tục trong suốt thời gian du lịch, tốt hơn hết là cộng thêm 1-2 tuần sau khi trở về nhà.
Hỗ trợ thải độc (detox)
Một chế độ detox ngắn hạn là kế hoạch được nhiều người yêu thích trong cộng đồng chăm sóc sức khỏe với phương pháp tự nhiên, giúp cơ thể lấy lại trạng thái cân bằng sau một thời gian sinh hoạt chưa lành mạnh hoặc khi gặp các triệu chứng như tiêu hóa chậm, thiếu năng lượng, đau đầu nhẹ, da xỉn màu, đau nhức cơ thể, hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS), hay mơ màng, khó tập trung.
Khi thực hiện detox, việc duy trì chế độ ăn uống và lối sống lành mạnh là yếu tố nền tảng. Thời gian detox được gợi ý như sau:
- Theo mùa: 1-2 tuần
- Sau kỳ nghỉ: 2-7 ngày
- Sau khi dùng thuốc hoặc một thời gian dài sinh hoạt chưa lành mạnh: 2-4 tuần hoặc cho đến khi bạn cảm thấy cơ thể đã hồi phục như trước.
Hỗ trợ sức khỏe đường ruột sau kháng sinh
Nhiều người lựa chọn bổ sung probiotics sau khi uống kháng sinh để hỗ trợ sức khỏe đường ruột và hệ vi sinh vật đã bị kháng sinh làm xáo trộn. Thời gian sử dụng probiotics được gợi ý cần dùng trong suốt thời gian uống kháng sinh cộng thêm 2 – 4 tuần sau khi ngưng thuốc.
Hỗ trợ bổ sung dài hạn để bù đắp thiếu hụt dinh dưỡng
Với chế độ ăn uống hiện đại thường không đầy đủ hoặc giàu dinh dưỡng như mong muốn, nhiều người lựa chọn bổ sung dưỡng chất để bù đắp những thiếu hụt trong khẩu phần ăn. Việc bổ sung này có thể thực hiện quanh năm hoặc kéo dài cho đến khi chế độ ăn được cải thiện và cân bằng hơn.
Các loại TPCN được sử dụng để hỗ trợ dinh dưỡng dài hạn có thể bao gồm omega-3, vitamin D3, vitamin K2, vitamin B12 và folate dạng methyl hóa.
Những loại thực phẩm chức năng bạn nên thật sự cần bổ sung
Vitamin tổng hợp cho phụ nữ mang thai
Vitamin tổng hợp cho phụ nữ mang thai là sản phẩm thiết yếu đối với những người chuẩn bị và đang trong quá trình mang thai. Hiệp hội Sản Phụ Khoa Hoa Kỳ (ACOG) khuyến nghị phụ nữ nên bắt đầu bổ sung vitamin trước thai kỳ ít nhất 3 tháng và duy trì xuyên suốt thai kỳ. Thành phần quan trọng như axit folic giúp ngăn ngừa dị tật ống thần kinh ở thai nhi, trong khi sắt hỗ trợ vận chuyển oxy và phát triển nhau thai.
Một liều lượng lý tưởng là 400mcg axit folic và 27 mg sắt mỗi ngày. Điều này không chỉ bảo vệ thai nhi mà còn tăng cường sức khỏe cho người mẹ.
Vitamin D
Vitamin D đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện sức khỏe xương và hỗ trợ hệ miễn dịch. Tuy nhiên, có đến 42% dân số bị thiếu hụt loại vitamin này, đặc biệt là người da màu (82%). Vitamin D có thể được tổng hợp nhờ ánh nắng mặt trời hoặc có trong các loại thực phẩm như cá béo và lòng đỏ trứng, nhưng thường khó đáp ứng đủ nhu cầu hàng ngày từ thực phẩm.
Người lớn từ 1-70 tuổi cần 600 IU/ngày, trong khi người trên 70 tuổi cần 800 IU/ngày. Đối với trẻ sơ sinh, việc bổ sung 10 mcg/ngày là cần thiết nếu trẻ không được bú mẹ đầy đủ hoặc sử dụng sữa công thức giàu vitamin D. Vì thế, việc uống bổ sung vitamin D lâu dài có thể là lựa chọn cần thiết.
Axit béo omega-3
Omega-3 là axit béo lành mạnh, thường được tìm thấy trong cá hồi, cá thu và các loại hạt như óc chó. Loại chất béo này nổi tiếng với lợi ích cho sức khỏe tim mạch và khả năng giảm triglyceride trong máu. Đối với những người ít ăn cá hoặc các nguồn thực phẩm giàu omega-3, việc bổ sung thực phẩm chức năng chứa omega-3 là rất cần thiết. Sử dụng lâu dài không chỉ giúp cải thiện sức khỏe tim mạch mà còn hỗ trợ giảm viêm và tăng cường chức năng não bộ.
Vitamin B12
Vitamin B12 là yếu tố không thể thiếu cho quá trình hình thành hồng cầu, sản xuất DNA và duy trì chức năng thần kinh. Những người ăn chay, thuần chay hoặc phụ nữ mang thai thường dễ bị thiếu hụt loại vitamin này do nguồn cung cấp chính là từ thực phẩm động vật như thịt, cá, trứng và sữa.
Việc bổ sung B12 trong thời gian dài là rất cần thiết đối với những người không tiêu thụ đủ protein có nguồn gốc từ động vật để đảm bảo sức khỏe toàn diện.
Sắt
Sắt là khoáng chất quan trọng trong việc vận chuyển oxy từ phổi đến các mô trong cơ thể, hỗ trợ tăng trưởng và phát triển thần kinh. Những người bị thiếu máu, thiếu sắt hoặc phụ nữ mang thai nên bổ sung sắt để hỗ trợ sức khỏe tổng thể và sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, cần tuân thủ đúng liều lượng mà bác sĩ khuyến nghị vì thừa sắt có thể dẫn đến ngộ độc hoặc các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Magie
Magie là khoáng chất thiết yếu giúp cải thiện giấc ngủ, ổn định huyết áp và hỗ trợ kiểm soát đường huyết. Tuy nhiên, nhiều người không bổ sung đủ magie qua thực phẩm tự nhiên như rau xanh, các loại hạt hoặc ngũ cốc nguyên hạt. Việc uống TPCN chứa magie lâu dài có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, đặc biệt là với những người có các vấn đề về giấc ngủ hoặc huyết áp.
Lưu ý khi sử dụng thực phẩm chức năng
Việc bổ sung vitamin và khoáng chất là cần thiết cho sức khỏe, nhưng nếu sử dụng sai cách hoặc quá liều, chúng có thể gây hại nghiêm trọng. Dưới đây là các loại vitamin dễ gây quá liều, triệu chứng nhận biết và cách phòng tránh.
TPCN có nguy cơ gây quá liều
Một số loại vitamin và khoáng chất có thể tích tụ trong cơ thể nếu dùng quá nhiều, dẫn đến nguy cơ quá liều:
- Vitamin A: Quá liều vitamin A có thể gây chóng mặt, mờ mắt, hoặc nghiêm trọng hơn là hôn mê và tử vong. Đặc biệt, phụ nữ mang thai cần thận trọng vì vitamin A dư thừa có thể gây dị tật bẩm sinh, ảnh hưởng đến mắt, tim, phổi và xương sọ của thai nhi.
- Vitamin D: Bổ sung quá nhiều vitamin D làm tăng khả năng hấp thụ canxi, dẫn đến tình trạng dư thừa canxi trong máu (hypercalcemia). Điều này có thể gây buồn nôn, mất cảm giác ngon miệng, thậm chí tăng nguy cơ hình thành sỏi thận.
- Vitamin E: Dùng vượt quá liều khuyến nghị có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ xuất huyết, tức là tình trạng xuất huyết não đột ngột.
- Canxi: Quá liều canxi có thể dẫn đến nguy cơ bệnh tim mạch hoặc ung thư tuyến tiền liệt, thậm chí gây sỏi thận nếu tích tụ trong máu hoặc nước tiểu.
- Sắt: Ngộ độc sắt có thể gây hôn mê, huyết áp thấp, tổn thương ruột và gan, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
Phòng tránh quá liều dưỡng chất từ TPCN
- Không tự ý bổ sung: Chỉ nên bổ sung vitamin hoặc khoáng chất theo chỉ định của bác sĩ, đặc biệt là các loại dễ gây tích tụ như vitamin A, D, E, canxi và sắt.
- Theo dõi liều lượng: Đọc kỹ nhãn sản phẩm trước khi dùng và không dùng quá liều khuyến nghị.
- Cẩn thận với thực phẩm bổ sung: Một số loại thực phẩm hoặc đồ uống đã được bổ sung vitamin, nên cần tính toán lượng vitamin từ tất cả nguồn.
- Trẻ em và phụ nữ mang thai: Đặc biệt chú ý đến liều lượng, vì cơ thể những đối tượng này nhạy cảm hơn với nguy cơ quá liều.
Kết luận và lời khuyên từ chuyên gia
Luôn tham vấn ý kiến của chuyên gia y tế trước khi sử dụng TPCN
Luôn tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại TPCN nào. Họ có thể giúp bạn xác định loại TPCN phù hợp, liều lượng chính xác và thời gian sử dụng tốt nhất cho từng cá nhân. Điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn đang:
- Chuẩn bị phẫu thuật.
- Mang thai hoặc đang cho con bú.
Hãy lưu ý rằng TPCN có thể tương tác với các loại thuốc bạn đang sử dụng. Ví dụ:
- Vitamin A có thể giảm hiệu quả của thuốc chống đông như warfarin.
- Vitamin E có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của một số phương pháp hóa trị.
Ngoài ra, tránh sử dụng nhiều loại TPCN cùng lúc hoặc dùng vượt quá liều lượng khuyến nghị, vì điều này làm tăng nguy cơ quá liều và gây hại cho cơ thể. Nên chọn các loại vitamin tổng hợp (multivitamin) có hàm lượng không vượt quá 100% giá trị dinh dưỡng hàng ngày để giảm nguy cơ tích tụ quá mức.
Lưu ý an toàn khi dùng TPCN cho trẻ em
Mỗi năm, khoảng 35.000 trẻ em được đưa đến phòng cấp cứu vì uống nhầm thuốc hoặc TPCN tại nhà. Liều lượng an toàn cho người lớn có thể trở thành độc hại đối với trẻ em. Để bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ này, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã đưa ra những biện pháp hướng dẫn như sau:
- Bảo quản an toàn: Đặt thuốc và TPCN ở nơi ngoài tầm nhìn và tầm với của trẻ em.
- Kiểm tra khóa an toàn: Đảm bảo nắp chai đã được khóa chặt sau mỗi lần sử dụng.
- Cất ngay sau khi dùng: Đừng để thuốc hoặc TPCN nằm ngoài tầm mắt quá lâu.
- Lưu trữ an toàn khi đi du lịch: Luôn tìm nơi bảo quản an toàn khi mang theo thuốc hoặc TPCN.
Ưu tiên dinh dưỡng từ thực phẩm
Thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào thực phẩm chức năng, bạn nên tập trung vào việc bổ sung dinh dưỡng từ các nguồn thực phẩm tự nhiên. Một chế độ ăn uống cân bằng, bao gồm các loại thực vật, trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt và hạt giống, sẽ cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể.
Đây là cách tự nhiên và hiệu quả nhất để nuôi dưỡng sức khỏe lâu dài, đồng thời hạn chế những rủi ro từ việc dùng quá liều thực phẩm chức năng.
Việc sử dụng thực phẩm chức năng cần có sự hiểu biết và cân nhắc đúng đắn, đặc biệt là về liều lượng và thời gian sử dụng. Bạn không nên lạm dụng hoặc xem đây là giải pháp thay thế hoàn toàn cho một chế độ ăn uống lành mạnh.
Hãy nhớ rằng, việc nghỉ ngơi hợp lý giữa các đợt sử dụng thực phẩm chức năng không chỉ giúp cơ thể hấp thụ tốt hơn mà còn đảm bảo an toàn cho sức khỏe của bạn. Để biết thêm thông tin bổ ích ngoài việc uống thực phẩm chức năng bao lâu thì nghỉ và các kiến thức y khoa hữu ích khác, đừng quên theo dõi website Mediphar USA.
Tài liệu tham khảo:
- How Long Should I Take Supplements? 3 Common Time Frames: https://drgreenlifeorganics.com/blogs/health/how-long-should-i-take-supplements-common-time-frames
- Try it or Toss it? The Supplements You Need and the Ones You Can Skip: https://www.healthline.com/nutrition/try-it-or-toss-it-the-supplements-you-need-and-the-ones-you-can-skip
- How Many Vitamins Can You Take a Day?: https://www.health.com/nutrition/too-many-vitamins
Dược sĩ Phạm Cao Hà
Đã kiểm duyệt nội dung
Tôi là dược sĩ Phạm Cao Hà, hiện đang giữ vai trò cố vấn chuyên môn tại Công ty TNHH Mediphar USA. Với gần 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu và quản lý chất lượng sản phẩm thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe, tôi cam kết cung cấp những thông tin chính xác và hữu ích cho cộng đồng.
Hy vọng rằng những kiến thức và kinh nghiệm mà tôi chia sẻ trên website medipharusa.com sẽ hỗ trợ Quý Đối Tác và Khách Hàng của công ty trong việc hiểu biết sâu sắc hơn về lĩnh vực dược phẩm và thực phẩm chức năng.