Ung thư đại trực tràng là một trong top 5 những bệnh phổ biến nhất hiện nay tại Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chủ quan với căn bệnh này. Hiểu được điều này, hôm nay Mediphar USA dẫn lời Bác sĩ Trần Văn Thuấn (Giám đốc BV K Trung ương) hướng dẫn cách phòng ngừa ung thư đại trực tràng.
Theo Thống kê của Bộ y tế, năm 2018 Việt Nam hiện có 32.900 người bệnh đang sống chung với ung thư đại trực tràng, cứ 100.000 người thì có tới 13-14 người mắc căn bệnh này. Trong số 115.000 ca ung thư tử vong thì số bệnh nhân ung thư đại trực tràng là 9.286 ca. Hiện nay, tại Bệnh viện K Trung ương, mỗi tháng, các bác sĩ chẩn đoán mới khoảng 200 ca.
Nguyên nhân gây nên ung thư đại trực tràng
– Polyp đại tràng: Là nguyên nhân quan trọng gây ung thư đại tràng. Theo một nghiên cứu, trên 50% trường hợp ung thư đại tràng phát sinh trên cơ sở của polyp đại tràng. Số lượng polyp càng nhiều thì tỷ lệ ung thư hoá càng cao.
– Các bệnh đại tràng mãn tính: Ung thư đại tràng có thể phát sinh trên tổn thương của các bệnh: lỵ, amip, lao, giang mai, thương hàn và các bệnh lý khác của đại tràng như viêm loét đại tràng mãn tính.
– Chế độ ăn uống ít chất bã, nhiều mỡ và đạm động vật: Chế độ ăn này làm thay đổi vi khuẩn yếm khí ở đại tràng, biến acid mật và cholesterol thành những chất gây ung thư. Đồng thời thức ăn ít bã làm giảm khối lượng phân gây táo bón, chất gây ung thư sẽ tiếp xúc với niêm mạc ruột lâu hơn và cô đặc hơn, tác động lên biểu mô của đại tràng. Các chất phân hủy của đạm như indol, seatol, piridin là những chất gây ung thư trong thực nghiệm, cũng có thể gây ung thư trên người.
– Yếu tố di truyền: Bệnh polyp đại tràng gia đình liên quan tới đột biến của gen APC (Adenomatous polyposis coli), chiếm 1% các ung thư đại tràng. Ngoài ra, HNPCC còn gọi là hội chứng Lynch, liên quan tới gen P53, RAS và DCC. Chiếm 5% trong số các ung thư đại trực tràng.
Triệu chứng của ung thư đại trực tràng
Các triệu chứng của ung thư đại trực tràng giống với một số bệnh về đường tiêu hóa thông thường. Ví dụ như đau bụng, rối loạn tiêu hóa, phân lẫn máu, kiết lị, táo bón… Do đó, khi thấy cơ thể có những biểu hiện bất thường trên, người bệnh cần tới cơ sở y tế để thăm khám, tuyệt đối không tự tìm các loại thuốc lá để uống.
Bác sĩ Thuấn cho hay, 70% bệnh nhân ung thư đến khám ở giai đoạn muộn với các nhu cầu điều trị giảm đau và chăm sóc triệu chứng là chủ yếu. Việc bệnh nhân đến các cơ sở y tế khám bệnh ở giai đoạn muộn khiến hiệu quả của việc chữa bệnh bị giảm rất nhiều.
Phòng ngừa ung thư đại trực tràng
Ung thư đại trực tràng ngày càng trẻ hóa và có liên quan mật thiết tới chế độ ăn uống và sinh hoạt. Tước đây, người mắc ung thư đại trực tràng thường gặp ở độ tuổi trên 50 nhưng hiện nay có những bệnh nhân còn rất trẻ đã mắc.
Bác sĩ Văn Thuấn chia sẻ ba cách phòng ngừa ung thư đại trực tràng:
Thứ nhất, cách tốt nhất để phòng ngừa ung thư đại trực tràng là kiểm tra đại trực tràng thường xuyên.
Thứ hai, mỗi người nên duy trì thói quen ăn uống lành mạnh:
- Hạn chế ăn nhiều thịt, chất béo có nguồn gốc từ đạm động vật;
- Bổ sung đầy đủ chất xơ từ lúa mạch, trái cây, rau tươi, các vitamin E, C, và A …
- Hạn chế uống chất có cồn (rượu, bia), hút thuốc lá
Thứ ba, cần duy trì chế độ sinh hoạt năng động, luyện tập thể dục thường xuyên.
Các chuyên gia khuyến cáo, những nguời có tiền sử viêm đại tràng mạn tính, trong gia đình có nguời than từng mắc ung thư đuờng tiêu hóa (thực quản, dạ dày, đại tràng), hoặc khi có triệu chứng sụt cân không rõ lý do, táo bón, đầy bụng, đi tiêu ra máu, ói ra máu … thì nên đi khám ngay để tầm soát, phát hiện và điều trị kịp thời.
Theo Báo Gia đình mới