Nguyên nhân và mẹo chữa rối loạn tiêu hóa cho bà bầu đơn giản tại nhà

Những thay đổi do hormone là nguyên nhân chính gây rối loạn tiêu hóa ở mẹ bầu

Mang thai đặc trưng bởi sự thay đổi sinh lý dẫn đến một loạt các triệu chứng và trong đó có các rối loạn liên quan đến đường tiêu hóa. Điều này gây ra không ít hoang mang và lo lắng cho các mẹ bầu trong suốt quá trình mang thai. Hiểu được vấn đề này, đội ngũ Mediphar USA với hơn 20 năm kinh nghiệm nghiên cứu và phát triển các sản phẩm chức năng hỗ trợ tiêu hóa sẽ chia sẻ những thông tin hữu ích trong bài viết dưới đây.

Nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa ở bà bầu và triệu chứng thường gặp

Trong thai kỳ, hormone progesterone tăng cao có thể gây ảnh hưởng mạnh đến hệ tiêu hóa. Progesterone giúp thư giãn các cơ trơn nhưng đồng thời cũng làm chậm quá trình tiêu hóa trong dạ dày, ruột non và ruột già, gây ra cảm giác khó chịu.

Tình trạng này có thể tăng nguy cơ mắc các triệu chứng rối loạn tiêu hóa thường gặp như ốm nghén, táo bón, và ợ nóng. Đặc biệt, khi tử cung phát triển, càng tạo thêm áp lực lên đường tiêu hóa, khiến thức ăn di chuyển chậm lại và gây táo bón. (1)

Những thay đổi do hormone là nguyên nhân chính gây rối loạn tiêu hóa ở mẹ bầu
Những thay đổi do hormone là nguyên nhân chính gây rối loạn tiêu hóa ở mẹ bầu

Các triệu chứng rối loạn tiêu hóa mà các mẹ bầu có thể gặp phải là:

  • Buồn nôn và nôn mửa: Đây là triệu chứng sớm và phổ biến trong 16 tuần đầu thai kỳ. Sau 16 tuần, nôn mửa thường không liên quan đến việc mang thai mà có thể do sự nhiễm trùng hoặc do viêm gan, viêm tụy, loét dạ dày tá tràng.
  • Ợ nóng và trào ngược dạ dày thực quản: Triệu chứng này thường gặp nhất vào tam cá nguyệt thứ ba và thời gian trước khi sinh. Khi mang thai, cơ giữa thực quản và dạ dày giãn ra do sự thay đổi nội tiết tố, đồng thời sự phát triển của tử cung cũng gây áp lực dạ dày. Sự kết hợp này chính là nguyên nhân gây nên chứng ợ nóng. Các bữa ăn nhỏ và thường xuyên có thể hạn chế được tình trạng này.
  • Tiêu chảy: Tiêu chảy thường là do nhiễm trùng hoặc do dạ dày nhạy cảm với thức ăn dễ dẫn đến mất nước. Tuy nhiên, tiêu chảy mà không có nguyên nhân hoặc kết hợp với đau thắt lưng và tăng tiết dịch âm đạo có thể là triệu chứng của chuyển dạ sinh non. Hãy liên hệ ngay cho bác sĩ hoặc trung tâm y tế gần nhất nhé.
  • Táo bón: Hormone thai kỳ và áp lực tử cung có thể làm chậm quá trình vận chuyển của phân, và khiến cho nhiều nước được hấp thụ trong phần khiến chúng khó di chuyển trong đường tiêu hóa. Ngoài ra, một số vitamin và viên uống sắt mà bạn bổ sung cũng là nguyên nhân gây táo bón.

>>> Xem thêm về: Rối loạn tiêu hóa là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng tránh

Những mẹo chữa rối loạn tiêu hóa cho bà bầu hiệu quả

Rối loạn tiêu hóa trong thai kỳ có thể gây ra các triệu chứng khó chịu như đầy bụng, ợ nóng, buồn nôn và táo bón. Tuy nhiên, một số thay đổi trong chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt sau đây có thể giúp chữa rối loạn tiêu hóa cho bà bầu một cách hiệu quả. (2), (3)

Có chế độ dinh dưỡng phù hợp

Ăn uống lành mạnh là điều quan trọng hàng đầu. Thay vì ăn nhiều, bà bầu nên ưu tiên các bữa ăn nhỏ, chia thành nhiều lần trong ngày để giảm áp lực cho dạ dày. Tránh ăn trong vòng 3 giờ trước khi đi ngủ và nên ngồi thẳng trong khi ăn và sau khi ăn giúp hệ tiêu hóa làm việc tốt hơn. Tăng cường thực phẩm giàu chất xơ như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây sấy khô hoặc dùng các sản phẩm bổ sung chất xơ không kê đơn sẽ giúp hỗ trợ tiêu hóa và giảm táo bón. Ngoài ra, cắt giảm caffeine và thực phẩm cay, béo cũng là cách hiệu quả để giảm khó chịu.

Cung cấp đủ nước cho cơ thể

Bổ sung chất lỏng là một yếu tố cần thiết giúp giảm buồn nôn và duy trì sự cân bằng điện giải. Bà bầu nên uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày với từng ngụm nhỏ thường xuyên. Ngoài ra, nước lạnh giúp giảm vị kim loại trong miệng và giữ nước hiệu quả hơn.

Cung cấp đủ nước cũng là mẹo chữa rối loạn tiêu hóa cho bà bầu hiệu quả
Cung cấp đủ nước cũng là mẹo chữa rối loạn tiêu hóa cho bà bầu hiệu quả

Thay đổi tư thế ngủ

Tư thế ngủ và chế độ nghỉ ngơi cũng đóng vai trò quan trọng. Nâng cao đầu khi ngủ giúp giảm tình trạng trào ngược axit và ợ nóng. Ngoài ra, nằm nghiêng về bên trái có thể giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, đồng thời giảm áp lực cho dạ dày.

Bổ sung vitamin một cách hợp lý

Dùng vitamin và bổ sung đúng cách cũng giúp cải thiện tiêu hóa. Đối với phụ nữ mang thai, vitamin có thể gây buồn nôn, đặc biệt là khi chứa hàm lượng sắt cao. Trong ba tháng đầu, thay vì dùng vitamin tổng hợp, các mẹ có thể chỉ cần uống axit folic hoặc các loại vitamin không chứa sắt, sau đó có thể trở lại dùng vitamin tổng hợp khi triệu chứng giảm.

Những thực phẩm tốt cho sức khỏe tiêu hóa mẹ bầu

Để hỗ trợ hệ tiêu hóa và cung cấp dinh dưỡng đầy đủ trong thai kỳ, mẹ bầu nên tập trung vào việc chọn lựa những thực phẩm giàu dinh dưỡng và dễ tiêu hóa. Dưới đây là các nhóm thực phẩm góp phần chữa rối loạn tiêu hóa cho bà bầu. (4)

Trái cây và rau củ quả giúp cung cấp vitamin và khoáng chất, cũng như chất xơ giúp tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón. Các mẹ cũng lưu ý rằng luôn rửa trái cây và rau quả tươi cẩn thận để đảm bảo an toàn trước khi ăn.

Thực phẩm giàu tinh bột là một nguồn cung cấp năng lượng quan trọng, một số vitamin và chất xơ cho cơ thể. Chúng tạo cảm giác no mà không quá nhiều calo, mẹ bầu nên ưu tiên ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì nguyên cám hay gạo lứt thay vì các loại tinh bột trắng.

Protein cũng là dưỡng chất cần thiết trong thai kỳ, tuy nhiên, cần chú ý chế biến thịt chín kỹ, tránh ăn thịt chưa nấu hoàn toàn. Các mẹ nên ăn hai phần cá mỗi tuần, đặc biệt là cá chứa dầu như cá hồi, cá mòi, hay cá thu. Các mẹ cũng nên tránh ăn một số trứng sống hoặc nấu chín một phần, vì có nguy cơ nhiễm khuẩn salmonella.

Bổ sung chất xơ trong thực phẩm giúp hệ tiêu hóa mẹ bầu tốt hơn
Bổ sung chất xơ trong thực phẩm giúp hệ tiêu hóa mẹ bầu tốt hơn

Trong thai kỳ, rối loạn tiêu hóa có thể xảy ra thường xuyên. Tuy nhiên, áp dụng một số mẹo chữa rối loạn tiêu hóa đơn giản bằng việc thay đổi chế độ ăn phù hợp kết hợp với nghỉ ngơi và vận động sẽ giúp cải thiện tình trạng này. Nhưng cần lưu ý rằng trong trường hợp có những triệu chứng như buồn nôn kéo dài, tiêu chảy nghiêm trọng, hoặc xuất hiện các dấu hiệu bất thường như đau bụng dữ dội hay phân có máu, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn kịp thời.

Tài liệu tham khảo:

(1) UT Southwestern Medical center “4 common pregnancy-related GI issues, and when to call the doctor” 4 common pregnancy-related GI issues, and when to call the doctor | Your Pregnancy Matters | UT Southwestern Medical Center

(2) NHS “Indigestion and heartburn in pregnancy” Indigestion and heartburn in pregnancy – NHS

(3) National library of Medicine “Treatment of nausea and vomiting in pregnancy” Treatment of nausea and vomiting in pregnancy: An updated algorithm – PMC

(4) NHS “Have a healthy diet in pregnancy” https://www.nhs.uk/pregnancy/keeping-well/have-a-healthy-diet/

Dược sĩ Phạm Cao Hà

Dược sĩ Phạm Cao Hà

Đã kiểm duyệt nội dung

Tôi là dược sĩ Phạm Cao Hà, hiện đang giữ vai trò cố vấn chuyên môn tại Công ty TNHH Mediphar USA. Với gần 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu và quản lý chất lượng sản phẩm thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe, tôi cam kết cung cấp những thông tin chính xác và hữu ích cho cộng đồng.

Hy vọng rằng những kiến thức và kinh nghiệm mà tôi chia sẻ trên website medipharusa.com sẽ hỗ trợ Quý Đối Tác và Khách Hàng của công ty trong việc hiểu biết sâu sắc hơn về lĩnh vực dược phẩm và thực phẩm chức năng.

> Xem thêm về tác giả

    Liên hệ MEDIPHAR USA



    Bài viết liên quan