Nhược thị là gì? Đây là tình trạng suy giảm thị lực ở một hoặc cả hai mắt, thường xuất hiện từ khi còn nhỏ do bị bỏ sót do không có dấu hiệu rõ rệt ban đầu. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, nhược thị có thể dẫn đến suy giảm thị lực vĩnh viễn ở mắt bị ảnh hưởng và nguy cơ lây sang mắt khỏe là rất cao. Bài viết dưới đây, Mediphar USA sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nhược thị, nguyên nhân, triệu chứng, mức độ nguy hiểm, các phương pháp điều trị và cách phòng ngừa hiệu quả.
Nhược thị là gì?
Nhược thị (Amblyopia) là tình trạng giảm thị lực ở một hoặc cả hai mắt do não không sử dụng hoặc xử lý đúng tín hiệu hình ảnh từ mắt trong quá trình phát triển. Dù không do bất kỳ bệnh về mắt nào gây ra, nhưng khi mắc nhược thị, người bệnh sẽ bị suy giảm thị lực và không thể cải thiện được bằng việc đeo kính hay dùng kính áp tròng.
Nhược thị có thể xuất hiện và phát triển khi trẻ còn là trẻ sơ sinh hoặc còn rất nhỏ. Nhưng do bệnh diễn có dấu hiệu khó nhận biết và trẻ nhỏ không thể diễn đạt được sự suy giảm thị lực nên rất khó phát hiện sớm. Nếu nhược thị không được điều trị sớm có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe thị lực.

Nguyên nhân gây nên nhược thị
Nhược thị không bắt nguồn từ tổn thương thực thể trong mắt mà chủ yếu do não bộ không nhận được hình ảnh rõ ràng từ một mắt trong giai đoạn phát triển thị giác (trước khoảng 7–8 tuổi). Dưới đây là những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này:
Lác mắt
Lác mắt là tình trạng hai mắt không di chuyển đồng bộ hoặc không cùng hướng. Khi một mắt lệch, não sẽ loại bỏ tín hiệu từ mắt này để tránh tình trạng nhìn đôi. Từ đó, dẫn đến việc mắt bị lệch không được sử dụng và dần suy giảm thị lực. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây nhược thị ở trẻ em.
Các tật khúc xạ
Tật khúc xạ như cận thị, viễn thị, loạn thị, là những vấn đề về hình dạng của mắt hoặc khả năng tập trung khiến hình ảnh nhìn thấy bị mờ thường có nguy cơ mắc nhược thị cao hơn. Trường hợp, nếu một mắt bị tật khúc xạ nặng hơn mắt còn lại, não sẽ ưu tiên mắt có hình ảnh rõ hơn, khiến mắt còn lại bị bỏ qua và dần mất khả năng phát triển thị lực, gây nhược thị.
Bất thường cấu trúc mắt
Một số trẻ được sinh ra với những bệnh lý gây nên đục các thành phần trong suốt như giác mạc, thủy tinh thể, dịch kính hay sụp mi… có thể làm giảm chất lượng hình ảnh truyền đến não, dẫn đến nhược thị.
Nguyên nhân gây nhược thị khác
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ trẻ bị nhược thị, bao gồm:
- Tiền sử gia đình có người mắc bệnh về mắt hoặc thị lực yếu.
- Trẻ sinh non (trước 37 tuần tuổi thai).
- Trẻ có cân nặng thấp khi sinh (dưới 2.500 gram).
- Trẻ có chậm phát triển hoặc rối loạn phát triển thần kinh.

Triệu chứng của nhược thị
Triệu chứng của nhược thị có thể âm thầm và không dễ nhận biết, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, việc phát hiện sớm các dấu hiệu sẽ giúp can thiệp kịp thời và cải thiện hiệu quả điều trị. Dưới đây là một số triệu chứng thường gặp:
- Nhìn mờ ở một hoặc cả hai mắt: Dù đã đo kính đúng độ, thị lực của trẻ vẫn không cải thiện rõ rệt. Mắt yếu có thể không nhìn rõ vật thể, đặc biệt khi đọc sách hoặc nhìn vật ở xa.
- Chênh lệch thị lực rõ rệt giữa hai mắt: Một bên mắt nhìn rõ hơn bên còn lại, thường được phát hiện khi đo thị lực. Nếu thị lực lệch từ 2 hàng chữ trở lên, có thể nghi ngờ nhược thị.
- Mỏi mắt, nhức đầu: Trẻ có thể than mỏi mắt, hay dụi mắt, nheo mắt hoặc chớp mắt nhiều khi phải nhìn lâu, nhất là lúc học tập hoặc xem thiết bị điện tử.
- Lác mắt (mắt lệch): Hai mắt không cùng hướng khi nhìn, ví dụ một mắt nhìn thẳng còn mắt kia lệch vào trong, ra ngoài, lên hoặc xuống.
- Sụp mí mắt: Mí sụp có thể che khuất đồng tử, ảnh hưởng đến khả năng nhìn rõ và làm giảm tín hiệu thị giác truyền lên não.
- Khó phối hợp vận động: Trẻ gặp khó khăn trong các hoạt động đòi hỏi phối hợp giữa mắt và tay như ném bắt bóng, xếp hình, viết chữ, dễ va vấp vào đồ vật.
Tuy nhiên, vì trẻ nhỏ khó tự nhận biết và diễn đạt vấn đề về thị lực, cha mẹ cần đặc biệt chú ý đến các biểu hiện bên ngoài để phát hiện sớm tình trạng bệnh cho con như sau:
- Trẻ thường nheo mắt hoặc nhắm một bên mắt khi nhìn.
- Nghiêng đầu hoặc xoay cổ khi quan sát vật thể, để sử dụng mắt có thị lực tốt hơn.
- Tỏ ra lơ đễnh hoặc né tránh các hoạt động cần sử dụng mắt nhiều như tô màu, xem sách, chơi đồ chơi chi tiết.
- Va chạm vào đồ vật khi di chuyển, hoặc có xu hướng sử dụng nhiều một bên cơ thể.
- Phản ứng kém với các kích thích thị giác như ánh sáng, hình ảnh chuyển động, hoặc có vẻ “lười nhìn”.
Việc chú ý đến những biểu hiện này sẽ giúp cha mẹ phát hiện sớm nhược thị ở trẻ và can thiệp điều trị đúng lúc, tránh để lại hậu quả lâu dài cho thị lực.

Nhược thị có nguy hiểm không?
Nhược thị sẽ không nguy hiểm nếu được phát hiện và điều trị sớm. Tuy nhiên nếu không được điều trị, về lâu dài, nhược thị có thể gây suy giảm thị lực vĩnh viễn ở một hoặc cả hai mắt nếu không được phát hiện và điều trị. Dù không gây mù hoàn toàn, nhưng nhược thị làm giảm độ sắc nét, khả năng phân biệt tương phản và nhận thức không gian. Trong một số trường hợp, mắt khỏe cũng bị ảnh hưởng do phải bù trừ liên tục cho mắt bệnh.
Ngoài ra, trẻ mắc nhược thị thường gặp khó khăn trong học tập, giảm khả năng phối hợp mắt và tay, có nguy cơ lác mắt nặng hơn do hai mắt hoạt động không đồng bộ.

Phân loại nhược thị
Dựa trên nhóm bệnh và khả năng hồi phục, nhược thị được chia thành 2 loại:
- Nhược thị chức năng: Có khả năng phục hồi thị lực nếu điều trị sớm và đúng cách.
- Nhược thị thực thể: Không thể phục hồi hoàn toàn do đã có tổn thương thực thể trong cấu trúc thị giác.
Dựa trên mức độ suy giảm thị lực, nhược thị được chia thành ba mức độ sau:
- Nhược thị nhẹ: Thị lực của mắt nằm trong khoảng từ 20/40 đến 20/30 tương tứng nhìn được dòng thứ 5 hoặc 6 trong bảng đo thị lực.
- Nhược thị trung bình: Thị lực từ 20/200 đến 20/50 tương tứng nhìn được các dòng lớn phía trên của bảng đo thị lực.
- Nhược thị nặng: Thị lực dưới 20/200, tầm nhìn rất kém, có thể không nhìn thấy được bảng đo thị lực hoặc chỉ nhìn thấy bóng mờ.

Nhược thị có chữa được không?
Nhược thị hoàn toàn có thể chữa được, đặc biệt nếu được phát hiện và điều trị khi trẻ còn nhỏ. Đây là giai đoạn não bộ và thị giác vẫn đang phát triển, nên khả năng phục hồi thị lực rất cao.
Tuy nhiên, nếu điều trị muộn (thiếu niên hoặc trưởng thành), việc cải thiện thị lực sẽ khó khăn hơn và hiệu quả thấp hơn. Lúc này, quá trình điều trị cần nhiều thời gian và kiên trì hơn, do não đã hoàn thiện khả năng xử lý thị giác.
Cách chẩn đoán nhược thị
Chẩn đoán nhược thị cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa mắt thông qua các phương pháp kiểm tra thị lực và đánh giá chức năng thị giác với các phương pháp như sau:
Kiểm tra thị lực định kỳ
Ngay từ khi trẻ sơ sinh, bác sĩ có thể đánh giá thị lực thông qua phản xạ đỏ của mắt. Việc kiểm tra thị lực nên được thực hiện định kỳ hàng năm. Ở trẻ từ 3-4 tuổi, nếu không thể thực hiện các bài kiểm tra thị lực bằng bảng chữ hoặc ký hiệu, cần đưa trẻ đến bác sĩ nhãn khoa để kiểm tra chuyên sâu.
Chụp ảnh sàng lọc (photo screening)
Đây là phương pháp hữu ích cho trẻ chưa biết nói hoặc gặp khó khăn trong việc hợp tác khi kiểm tra. Thiết bị chuyên dụng sẽ ghi lại phản xạ ánh sáng trong mắt trẻ để phát hiện các yếu tố nguy cơ như lác mắt, tật khúc xạ hoặc bất thường cấu trúc. Ở trẻ lớn hơn, có thể sử dụng các bảng đo thị lực đơn giản bằng ký hiệu như chữ E ngược, thẻ Allen, HOTV, chữ số.
Kiểm tra bổ sung
Để xác định nguyên nhân chính gây ra nhược thị, bác sĩ có thể thực hiện thêm các bài test và kiểm tra chuyên sâu như:
- Test che mắt để phát hiện lác ẩn hoặc lác rõ.
- Đo khúc xạ để xác định chính xác tật khúc xạ ở từng mắt.
- Soi đáy mắt và khám đèn khe nhằm kiểm tra các bất thường bên trong mắt như đục thủy tinh thể, tắc nghẽn trục thị giác, sẹo giác mạc,…

Các phương pháp điều trị nhược thị
Sau khi xác định được nhược thị và nguyên nhân gây ra nhược thị, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị với mục tiêu của điều trị là kích thích não sử dụng mắt yếu hơn, từ đó phục hồi và tăng cường kết nối giữa mắt và não. Dưới đây là các phương pháp điều trị phổ biến hiện nay:
Đeo kính hoặc kính áp tròng
Nếu nhược thị do tật khúc xạ, bác sĩ sẽ chỉ định đeo kính hoặc kính áp tròng phù hợp. Việc điều chỉnh này sẽ cải thiện hình ảnh truyền đến não và hỗ trợ phát triển thị lực ở mắt yếu.
Che mắt nhược thị
Đây là phương pháp điều trị rất phổ biến. Trẻ sẽ đeo miếng che mắt ở bên mắt khỏe trong vài giờ mỗi ngày để ép não sử dụng mắt bị nhược thị. Phương pháp này giúp rèn luyện mắt yếu và kích thích sự phục hồi thị lực.

Sử dụng thuốc nhỏ mắt thường là Atropine
Thuốc nhỏ mắt Atropine được nhỏ vào mắt khỏe để làm mờ tạm thời, buộc não phải sử dụng mắt yếu. Phương pháp này là một thay thế nhẹ nhàng hơn cho việc đeo miếng che mắt, đặc biệt hữu ích với những trẻ khó hợp tác. Thuốc an toàn và không ảnh hưởng lâu dài đến thị lực của mắt khỏe.
Điều trị phẫu thuật (nếu cần)
Trong một số trường hợp hiếm gặp, khi nhược thị xuất phát từ các vấn đề cấu trúc mắt như đục thủy tinh thể, sụp mí nặng hoặc dị tật khác, phẫu thuật có thể được chỉ định để loại bỏ nguyên nhân cản trở thị giác.

Điều trị lác mắt (nếu có)
Nếu trẻ bị lác mắt, một nguyên nhân phổ biến gây nhược thị, bác sĩ có thể chỉ định điều trị lác sau hoặc kết hợp với liệu pháp che mắt để cải thiện khả năng phối hợp giữa hai mắt và ngăn tái phát nhược thị.
Lưu ý trong quá trình điều trị
Việc điều trị nhược thị thường kéo dài ít nhất vài tháng và đòi hỏi sự kiên trì, theo dõi chặt chẽ từ cả bác sĩ và gia đình. Để đạt được hiệu quả tốt nhất, phụ huynh cần lưu ý:
- Tuân thủ phác đồ điều trị và cần đảm bảo trẻ thực hiện đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ nhãn khoa.
- Động viên, đồng hành và khen ngợi sự hợp tác của trẻ để giúp trẻ cảm thấy thoải mái và tích cực hơn.
- Khuyến khích trẻ chơi, đọc sách hoặc thực hiện các hoạt động đòi hỏi quan sát trong thời gian điều trị để tăng cường việc sử dụng mắt bị ảnh hưởng.
Cách phòng tránh nhược thị
Hiện nay, chưa có cách phòng ngừa tuyệt đối nhược thị. Tuy nhiên, biện pháp hiệu quả nhất để hạn chế ảnh hưởng của nhược thị là phát hiện sớm thông qua kiểm tra mắt định kỳ. Việc đưa trẻ đi khám mắt, đặc biệt là giai đoạn từ sơ sinh đến 6 tuổi, giúp bác sĩ nhận biết sớm các yếu tố nguy cơ và can thiệp kịp thời trước khi thị lực bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Giải đáp khác về bệnh nhược thị
Nhược thị là căn bệnh thường xuất hiện ở trẻ em trong giai đoạn thị giác đang phát triển. Do đó, có không ít các câu hỏi và thắc mắc từ ba mẹ về căn bệnh này. Cùng Mediphar USA giải đáp một vài câu hỏi phổ biến nhất về căn bệnh này:
Nhược thị có bị mù không?
Nhược thị không dẫn đến mù lòa hoàn toàn, ở giai đoạn đầu bệnh chỉ làm suy giảm thị lực ở mắt. Nhưng nếu bệnh không sớm được phát hiện và điều trị đúng cách có thể dẫn đến suy giảm thị lực nghiêm trọng. Ở trẻ em, nếu bệnh được phát hiện và điều trị sớm trước 6 tuổi sẽ có khả năng phục hồi cao hơn, trẻ từ 8 tuổi trở đi sẽ gây khó khăn trong việc điều trị. Trong trường hợp không điều trị, mắt bị nhược thị có thể mất thị lực vĩnh viễn.
Nhược thị khác cận thị như thế nào?
Nhược thị là tình trạng não vì một số nguyên nhân nào đó mà không thể nhận biết và xử lý được hoàn toàn các hình ảnh mà mắt truyền đến, gây ra tình trạng mờ, khó quan sát. Trong khi đó, cận thị là một tật khúc xạ ở mắt sảy ra khi giác mạc bị cong quá mức, làm cho ánh sáng không lọt vào võng mạc được mà thay vào đó lại tập trung ở phía trước võng mạc. Dẫn đến tình trạng khó quan sát các vật ở xa, hình ảnh quan sát được bị mờ hơn so với các vật ở gần.
Bên cạnh đó, cận thị có thể khắc phục bằng kính mắt. Trong khi đó, nhược thị cần được can thiệp điều trị với bác sĩ và không thể khắc phục bằng kính mắt thông thường.
Người lớn có bị nhược thị không?
Tuy phần lớn bệnh nhược thị xuất hiện ở trẻ em nhưng một số ít vẫn có khả năng xuất hiện ở người lớn tuổi. Nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng nhược thị ở người lớn tuổi là các tật khúc xạ về mắt như: sẹo giác mạc, đục thủy tinh thể, lác mắt, lệch khúc xạ,… Với biểu hiện chính là tình trạng thị lực bị suy giảm, mắt hay mỏi kèm theo nhức đầu, đau đầu,…
Có thể chữa nhược thị bằng các bài tập cho mắt không?
Hiện tại không có bằng chứng khoa học nào cho thấy các bài tập cho mắt có thể điều trị hoặc khắc phục nhược thị. Tuy nhiên, bác sĩ chuyên khoa mắt có thể khuyến khích trẻ thực hiện các hoạt động như chơi trò chơi, đọc sách, giải đố… trong khi đang đeo miếng che mắt hoặc sử dụng thuốc nhỏ atropine để kích thích mắt yếu hoạt động nhiều hơn, từ đó tăng cường kết nối giữa mắt và não.
Nhược thị là gì không chỉ là một câu hỏi y khoa mà còn là lời nhắc nhở về tầm quan trọng của việc phát hiện và can thiệp sớm các vấn đề thị lực ở trẻ nhỏ. Vì vậy, cha mẹ cần chủ động đưa trẻ đi kiểm tra mắt định kỳ và tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ chuyên khoa. Bên cạnh các phương pháp điều trị y học, việc bổ sung dinh dưỡng hỗ trợ thị giác cũng đóng vai trò thiết yếu trong quá trình cải thiện và bảo vệ thị lực cho trẻ. Phụ huynh có thể bổ sung thực phẩm giàu dưỡng chất cho mắt thông qua bữa ăn hàng ngày. Đối với trẻ lớn hơn, sử dụng các viên uống bổ mắt cũng là cách hiệu quả để bảo vệ đôi mắt luôn khỏe mạnh.
- https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/10707-amblyopia-lazy-eye
- https://kidshealth.org/en/parents/amblyopia.html
- https://www.msdmanuals.com/professional/pediatrics/eye-defects-and-conditions-in-children/amblyopia
Dược sĩ Phạm Cao Hà
Đã kiểm duyệt nội dung
Tôi là dược sĩ Phạm Cao Hà, hiện đang giữ vai trò cố vấn chuyên môn tại Công ty TNHH Mediphar USA. Với gần 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu và quản lý chất lượng sản phẩm thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe, tôi cam kết cung cấp những thông tin chính xác và hữu ích cho cộng đồng.
Hy vọng rằng những kiến thức và kinh nghiệm mà tôi chia sẻ trên website medipharusa.com sẽ hỗ trợ Quý Đối Tác và Khách Hàng của công ty trong việc hiểu biết sâu sắc hơn về lĩnh vực dược phẩm và thực phẩm chức năng.