Đục thủy tinh thể là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân và cách trị

Đục thủy tinh thể là gì? Đây là câu hỏi được nhiều người đặt ra khi bắt đầu nhận thấy thị lực suy giảm, hình ảnh mờ nhòe và nhạy cảm với ánh sáng. Đây là một trong những bệnh lý phổ biến nhất ở mắt, đặc biệt ở người trung niên và cao tuổi và cũng là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa có thể phòng ngừa được. Trong bài viết này, Mediphar USA sẽ giúp bạn tìm hiểu chi tiết về đục thủy tinh thể, nguyên nhân gây bệnh, triệu chứng, phương pháp điều trị và cách chăm sóc phòng ngừa hiệu quả để bảo vệ thị lực về lâu dài.

Thủy tinh thể là gì?

Thủy tinh thể là thấu kính trong suốt với hai mặt lồi, nằm giữa mống mắt và dịch kính. Nó không có mạch máu hay thần kinh nên nhận dinh dưỡng qua thủy dịch. Chúng có cấu tạo gồm bao, vỏ và nhân với chức năng chính là hội tụ ánh sáng và điều chỉnh tiêu cự để mắt nhìn rõ.

Đục thủy tinh thể là gì?

Đục thủy tinh thể (đục nhân mắt, cườm đá, cườm khô) là tình trạng thủy tinh thể mất độ trong suốt, trở nên mờ đục, khiến ánh sáng không hội tụ đúng vào võng mạc, gây nhìn mờ, lóa sáng và giảm thị lực. Nguyên nhân là do biến đổi cấu trúc protein trong thủy tinh thể, khiến độ cong, độ trong, độ đàn hồi và độ dày thủy tinh thể bị biến tính, tạo vùng mờ và tán xạ ánh sáng. Bệnh tiến triển chậm, không đau, có thể xảy ra ở một hoặc hai mắt và nếu không điều trị, có thể dẫn đến mù lòa.

Đục thủy tinh thể là gì?
Đục thủy tinh thể là tình trạng thủy tinh thể mất đi độ trong suốt làm mắt bị mờ

Nguyên nhân gây đục thủy tinh thể

Đục thủy tinh thể có thể khởi phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, được chia thành ba nhóm chính như sau.

  • Lão hóa (tuổi tác): Là nguyên nhân phổ biến nhất, thường gặp ở người trên 50 tuổi, đặc biệt là trên 65 tuổi.
  • Bẩm sinh: Do rối loạn di truyền hoặc do mẹ bị nhiễm virus (giang mai, rubella…) khi mang thai. Trẻ có thể bị đục thủy tinh thể ngay từ khi mới sinh.
  • Bệnh lý toàn thân như đái tháo đường, tăng huyết áp, béo phì, rối loạn chuyển hóa,… làm tổn thương mô mắt và đẩy nhanh quá trình đục thủy tinh thể.
  • Bệnh mắt mạn tính như viêm màng bồ đào, viêm kết mạc, bệnh giác mạc, hoặc cận thị thoái hóa, đặc biệt khi tái phát nhiều lần và không được điều trị đúng cách.
  • Chấn thương mắt hoặc các tổn thương do phẫu thuật mắt trước đó.
  • Tác dụng phụ của thuốc như corticosteroids, thuốc statin, thuốc chống loạn nhịp, thuốc chống trầm cảm,… có thể gây ảnh hưởng thủy tinh thể.
  • Tác động của bức xạ như tia cực tím, tia X, tia hàn, ánh sáng xanh từ màn hình điện tử cường độ cao và xạ trị trong điều trị ung thư.

Bên cạnh những nguyên nhân trên thì các yếu tố sau cũng làm tăng nguy cơ gây bệnh đục thủy tinh thể:

  • Hút thuốc lá, uống rượu bia thường xuyên
  • Chế độ ăn thiếu dinh dưỡng, đặc biệt thiếu vitamin A, C, E và các chất chống oxy hóa
  • Căng thẳng tâm lý kéo dài, mất ngủ, stress mạn tính
  • Thường xuyên tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, khói bụi, khí thải, hóa chất độc hại
  • Làm việc dưới ánh sáng mạnh, ánh sáng nhân tạo công suất cao (đèn sân khấu, đèn cao áp…)
Nguyên nhân gây đục thủy tinh thể
Lão hóa là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây đục thủy tinh thể ở người già

Đục thủy tinh thể có nguy hiểm không?

Đục thủy tinh thể là bệnh lý nguy hiểm gây ảnh hưởng lớn đến thị lực và có nguy cơ dẫn đến mù lòa nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Bệnh ở mức độ nhẹ có thể gây mờ mắt, khó quan sát các vật xung quanh dẫn đến bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày. Trường hợp bệnh nặng có thể dẫn đến mất thị lực và nguy cơ mù lòa cao. Đục thủy tinh thể còn có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm khác như: teo dây thần kinh giác mạc, nhược thị, glocom,….

Dấu hiệu nhận biết đục thủy tinh thể

Bệnh đục thủy tinh thể thường diễn tiến âm thầm, giai đoạn đầu thường không có triệu chứng vì vậy dễ bị bỏ qua. Tuy nhiên, khi tiến triển, người bệnh sẽ bắt đầu cảm nhận rõ rệt các triệu chứng như sau:

  • Nhìn mờ, có cảm giác như nhìn qua lớp sương hoặc màn che, hình ảnh không còn rõ ràng dù đã đeo kính.
  • Nhìn đôi, nhìn một vật nhưng thấy thành hai, đặc biệt là khi nhìn bằng một mắt.
  • Nhạy cảm với ánh sáng, dễ bị chói mắt. 
  • Màu sắc nhạt dần nhìn thấy không còn tươi sáng như bình thường, mất độ rực rỡ, khó phân biệt các tông màu, nhất là trong điều kiện thiếu sáng.
  • Giảm tầm nhìn ban đêm, khó khăn khi nhìn trong bóng tối hoặc ánh sáng yếu.
  • Thường xuyên phải thay kính
  • Màu tròng mắt bị mờ và đục hơn có thể thấy nếu quan sát kỹ qua gương. Nếu tình trạng nặng mắt chuyển sang màu trắng/ vàng đục, bạn và người khác sẽ dễ nhận thấy.

▷ Bạn có thể xem thêm về: Bị mờ 1 bên mắt trái: Nguyên nhân và giải pháp điều trị

Dấu hiệu nhận biết đục thủy tinh thể
Mắt bị mờ, nhạy cảm hơn và đục dần là những dấu hiệu của bệnh đục thủy tinh thể

Phân loại đục thủy tinh thể

Đục thủy tinh thể có thể được phân loại dựa vào nhiều yếu tố như sau:

Theo nguyên nhân

Dựa vào nguyên nhân, đục thủy tinh thể được phân thành các loại chính như: 

  • Đục thủy tinh thể tuổi già: Xảy ra do quá trình lão hóa, bắt đầu từ tuổi trung niên.
  • Đục thủy tinh thể do bệnh lý: Xuất hiện ở người mắc các bệnh mạn tính như tiểu đường, huyết áp cao, béo phì hoặc các bệnh viêm tại mắt.
  • Đục thủy tinh thể do chấn thương: Do tai nạn hoặc chấn thương khi phẫu thuật mắt. 
  • Đục thủy tinh thể bẩm sinh: Xuất hiện ngay sau sinh hoặc trong vài năm đầu đời.

Theo hình thái và vị trí

Theo hình thái và vị trí thì đục thủy tinh thể sẽ được phân thành:

  • Đục nhân: Xảy ra do nhân bị xơ cứng và ngả vàng theo thời gian.
  • Đục vỏ: Các vết đục vỏ não có xu hướng lan rộng và nhập lại thành vùng đục lớn. Nếu lan đến nhân và bao phủ toàn bộ thủy tinh thể, được gọi là đục chín.
  • Đục bao: Hình thành ở vỏ sau tức là mặt sau của thấu kính (phần gần võng mạc nhất), phần đục hình thành ở rìa ngoài của vỏ, bên dưới bao thấu kính.

Theo mức độ tiến triển

Ngoài ra, đục thủy tinh thể còn được phân theo mức độ phát bệnh như:

  • Đục bắt đầu: Vùng đục còn nhỏ, thị lực chưa bị ảnh hưởng nhiều. 
  • Đục tiến triển: Vùng đục lan rộng, thị lực giảm rõ, nhìn mờ hoặc lóa sáng.
  • Đục gần hoàn toàn: Độ trong suốt của thủy tinh thể gần như mất hết, gây mờ nghiêm trọng.
  • Đục hoàn toàn (đục chín): Toàn bộ thủy tinh thể chuyển màu trắng đục, thị lực suy giảm nghiêm trọng.
Đục thủy tinh thể có những loại nào?
Đục thủy tinh thể có thể được phân loại theo mức độ, nguyên nhân và hình thái

Cách chẩn đoán đục thủy tinh thể

Chẩn đoán đục thủy tinh thể cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa mắt thông qua:

  • Khám mắt toàn diện: Bác sĩ kiểm tra tiền sử bệnh, triệu chứng thị lực, đo thị lực và tình trạng tổng thể của mắt qua kính hiển vi.
  • Soi đáy mắt bằng đèn khe: Giúp quan sát chi tiết các cấu trúc trong mắt và đánh giá độ trong suốt của thủy tinh thể.
  • Đo áp lực nội nhãn: Giúp phát hiện sớm nguy cơ tăng nhãn áp đây là một biến chứng có thể đi kèm với đục thủy tinh thể giai đoạn nặng.

Ngoài ra, trong một số trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định siêu âm nhãn cầu nếu thủy tinh thể quá đục không thể nhìn thấy đáy mắt.

Phương pháp chuẩn đoán đục thủy tinh thể
Đục thủy tinh thể có thể được chuẩn đoán bằng cách khám mắt toàn diện, soi đáy mắt và đo áp lực nội nhãn

Cách điều trị đục thủy tinh thể

Tùy theo mức độ tiến triển của đục thủy tinh thể và ảnh hưởng đến chất lượng sống, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp như sau:

Hỗ trợ bằng kính

Áp dụng trong giai đoạn đầu, khi thủy tinh thể mới chỉ đục nhẹ, bệnh nhân có thể được đeo kính gọng hoặc kính lúp phù hợp để cải thiện thị lực tạm thời. Đeo kính không làm dừng tiến trình bệnh, nhưng giúp kéo dài thời gian trước khi cần can thiệp phẫu thuật.

Phẫu thuật

Khi đục thủy tinh thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực, phẫu thuật là phương pháp điều trị duy nhất hiệu quả. Hiện nay có hai phương pháp phẫu thuật phổ biến là:

Phẫu thuật Phaco (Phacoemulsification)

Đây là kỹ thuật phổ biến nhất hiện nay. Bác sĩ sử dụng sóng siêu âm để tán nhuyễn thủy tinh thể bị đục rồi hút ra ngoài và thay thế bằng một thủy tinh thể nhân tạo (IOL) phù hợp. Phaco có ưu điểm là không cần khâu, ít xâm lấn, thời gian phẫu thuật ngắn (từ 15 đến 20 phút) và bệnh nhân có thể hồi phục thị lực nhanh chóng chỉ sau vài ngày.

Phẫu thuật Laser Cataract (Femto Laser)

Sử dụng tia laser Femtosecond (thay vì bằng tay) để tán nhuyễn và loại bỏ thủy tinh thể bị đục, sau đó thay bằng thủy tinh thể nhân tạo phù hợp. Nhờ độ chính xác cao, phương pháp này giúp giảm tổn thương mô mắt, hạn chế biến chứng và phù hợp với các ca phẫu thuật phức tạp hoặc yêu cầu thẩm mỹ cao. Sau mổ, bệnh nhân có thể chọn thủy tinh thể đơn tiêu cự hoặc đa tiêu cự tùy nhu cầu thị lực.

Sau khi loại bỏ thủy tinh thể bị đục, bác sĩ sẽ đặt vào một thủy tinh thể nhân tạo (IOL) với thông số phù hợp cho từng bệnh nhân. Có hai loại thủy tinh thể nhân tạo chính:

  • Thủy tinh thể đơn tiêu cự: Chỉ tối ưu thị lực ở một khoảng cách, nhìn gần hoặc nhìn xa. Người bệnh vẫn có thể cần đeo kính để hỗ trợ các khoảng nhìn còn lại.
  • Thủy tinh thể đa tiêu cự: Nhìn rõ ở nhiều khoảng cách (gần, xa, trung bình), hạn chế phụ thuộc vào kính sau mổ. Loại này không phù hợp với tất cả mọi người, nhất là những người có bệnh lý như bong võng mạc, xuất huyết đáy mắt, màng trước võng mạc, glaucoma, dây chằng yếu/ đứt, đồng tử méo, thường xuyên lái xe ban đêm.
Cách điều trị đục thủy tinh thể
Đục thủy tinh thể có thể được điều trị bằng cách phẫu thuật loại bỏ tinh thể bị đục

Chi phí mổ đục thủy tinh thể bao nhiêu tiền?

Chi phí mổ đục thủy tinh thể tại Việt Nam hiện nay sẽ tùy thuộc vào phương pháp phẫu thuật, loại thủy tinh thể nhân tạo, cơ sở y tế thực hiện và bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm sức khỏe kèm theo. Cụ thể như sau: 

Phẫu thuật Phaco (Phacoemulsification)

  • Nếu sử dụng thủy tinh thể đơn tiêu cự, tổng chi phí (đã có bảo hiểm) thường từ 2.000.000vnđ – 5.000.000vnđ/mắt tại các bệnh viện công và khoảng 7.000.000vnđ – 13.000.000vnđ/mắt tại cơ sở tư nhân hoặc bệnh viện quốc tế.
  • Nếu sử dụng thủy tinh thể đa tiêu cự, chi phí có thể dao động từ 15.000.000vnđ – 31.000.000vnđ/mắt tùy loại thủy tinh thể và tình trạng mắt.

Phẫu thuật bằng Laser Cataract (Femto Laser): Chi phí mổ bằng laser thường cao hơn, từ 12.000.000vnđ – 70.000.000vnđ/mắt, tùy loại thủy tinh thể nhân tạo và mức độ can thiệp (ví dụ có kết hợp điều trị loạn thị hay không).

Người có bảo hiểm y tế đúng tuyến sẽ được hỗ trợ phần chi phí mổ cơ bản, tuy nhiên phải tự chi trả thủy tinh thể nhân tạo và các dịch vụ lựa chọn thêm. Trong đó, giá của một số loại thủy tinh thể nhân tạo thường được sử dụng để điều trị bệnh đục thủy tinh thể như sau:

  • Đơn tiêu cự (monofocal): 2.000.000vnđ – 5.000.000vnđ
  • Đơn tiêu cự điều chỉnh loạn thị: 12.000.000vnđ – 15.000.000vnđ
  • Đa tiêu cự (multifocal): 19.000.000vnđ – 35.000.000vnđ
  • Đa tiêu cự điều chỉnh loạn thị: 32.000.000vnđ – 45.000.000vnđ

Ngoài các chi phí trên, người bệnh cần quan tâm đến các chi phí phát sinh khác như chi phí tái khám, thuốc sau mổ và chi phí dịch vụ lựa chọn như phòng riêng, loại kính. 

Chi phí mổ đục thủy tinh thể bao nhiêu tiền?

Chăm sóc sau phẫu thuật đục thủy tinh thể

Sau phẫu thuật đục thủy tinh thể, quá trình hồi phục thị lực sẽ diễn ra khá nhanh, tuy nhiên, để đạt được kết quả tối ưu và tránh biến chứng, người bệnh cần lưu ý:

  • Tăng cường bổ sung thực phẩm giàu vitamin A, C, E như rau bina, cải xoăn, cà rốt, bí đỏ, trái cây tươi, cá béo, các loại hạt và ngũ cốc nguyên cám,…
  • Hạn chế ra nắng gắt, không nhìn trực tiếp vào ánh sáng mạnh và luôn đeo kính bảo vệ mắt khi ra ngoài trời ở giai đoạn đầu phẫu thuật.
  • Dùng thuốc đúng liều, đúng giờ theo chỉ định bác sĩ và tái khám đúng lịch. Không tự ý ngừng hoặc đổi loại thuốc nếu không có chỉ dẫn chuyên môn. Mỗi loại thuốc dùng cách nhau 5 phút. 
  • Tránh dụi mắt, không cúi đầu nhiều hay mang vác nặng, không để nước, bụi bẩn rơi vào mắt trong thời gian đầu sau mổ.
  • Không để xà phòng vào mắt, tốt nhất không gội đầu vào thời gian đầu sau khi mổ. Có thể tắm dưới cổ, sau 1 tuần có thể tắm bằng vòi sen, không bơi trong 1 tháng.

Sau khi phẫu thuật, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như mắt đỏ nhẹ, hơi cộm, chảy nước mắt,… nhưng sẽ khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên nếu mắt bị đau nhức, đỏ mắt nhiều, nhìn mờ hoặc thấy chớp sáng, có cảm giác ruồi muỗi bay trước mắt thì nên đến bác sĩ nhanh nhất vì có nguy cơ biến chứng cao.

▷ Xem chi tiết hơn về: Hướng dẫn chăm sóc mắt sau mổ đục thủy tinh thể (cườm khô)

Chăm sóc sau phẫu thuật đục thủy tinh thể
Sau khi phẫu thuật đục thủy tinh thể cần bổ sung đầy đủ chất, hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời

Cách phòng ngừa bệnh đục thủy tinh thể

Đục thủy tinh thể mặc dù không thể ngăn chặn hoàn toàn ở người lớn tuổi, nhưng vẫn có thể làm chậm tiến trình hoặc giảm nguy cơ mắc sớm bằng các biện pháp phòng ngừa sau:

  • Kiểm soát bệnh lý nền như iểu đường, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa,… vì bệnh có nguy cơ cao thúc đẩy quá trình đục thủy tinh thể.
  • Đeo kính râm có chống tia cực tím khi ra nắng hoặc làm việc trong môi trường ánh sáng mạnh.
  • Bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất tốt cho mắt. Hạn chế thức ăn nhanh, dầu mỡ và các chất kích thích như bia, rượu, hút thuốc…
  • Khám mắt định kỳ ít nhất 1 lần/ năm (người trưởng thành hoặc có tiền sử bệnh mắt, tiểu đường, cao huyết áp).

Câu hỏi thường gặp

Điều trị đục thủy tinh thể là điều cần thiết để hạn chế và ngăn ngừa các biến chứng do đục thủy tinh thể gây ra. Tuy nhiên, có không ít người lo ngại về quá trình và kết quả phục hồi sau khi mổ đục thủy tinh thể, phổ biến như:

Có cần thiết phải mổ khi bị đục thủy tinh thể không?

Không phải tất cả trường hợp đục thủy tinh thể đều cần phẫu thuật ngay. Tuy nhiên, nếu bệnh đã tiến triển đến mức ảnh hưởng đến thị lực và sinh hoạt hàng ngày, thì phẫu thuật là điều cần thiết và là phương pháp duy nhất giúp phục hồi thị lực.

Sau mổ bao lâu thì hồi phục?

Phần lớn bệnh nhân sẽ cảm nhận được sự cải thiện thị lực ngay trong vài ngày đầu sau mổ. Tuy nhiên, thời gian để mắt hồi phục hoàn toàn là từ 4 đến 8 tuần. Bạn có thể cảm thấy hơi cộm, chảy nước mắt hoặc khó chịu nhẹ sau mổ, nhưng điều này là bình thường. 

Mổ đục thủy tinh thể có an toàn không?

Phẫu thuật đục thủy tinh thể được đánh giá là an toàn với tỷ lệ thành công rất cao, không gặp biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên, phẫu thuật vẫn tồn tại nguy cơ nhiễm trùng hoặc bong võng mạc (nhất là những người có bệnh lý mắt nền hoặc sức khỏe kém). Vì vậy, trước khi phẫu thuật, nên trao đổi với bác sĩ về mức độ an toàn để có cách xử lý.

Mổ đục thủy tinh thể có an toàn không?
Phẫu thuật đục thủy tinh thể là phương pháp an toàn với tỷ lệ thành công khá cao

Đục thủy tinh thể là bệnh lý mắt phổ biến nhưng hoàn toàn có thể phát hiện sớm và điều trị hiệu quả. Bên cạnh việc khám mắt định kỳ và chăm sóc sau phẫu thuật, việc bổ sung dưỡng chất tốt cho mắt mỗi ngày chính là một trong những giải pháp quan trọng giúp bảo vệ thị lực và làm chậm quá trình lão hóa mắt. Trong đó, dầu gấc Vina của Mediphar USA là một lựa chọn đáng tin cậy, với hàm lượng cao Beta-caroten (tiền vitamin A), lycopene và vitamin E từ quả gấc tự nhiên, giúp nuôi dưỡng mắt từ bên trong, hỗ trợ duy trì đôi mắt sáng khỏe, hạn chế nguy cơ các bệnh lý về mắt.

Dược sĩ Phạm Cao Hà

Dược sĩ Phạm Cao Hà

Đã kiểm duyệt nội dung

Tôi là dược sĩ Phạm Cao Hà, hiện đang giữ vai trò cố vấn chuyên môn tại Công ty TNHH Mediphar USA. Với gần 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu và quản lý chất lượng sản phẩm thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe, tôi cam kết cung cấp những thông tin chính xác và hữu ích cho cộng đồng.

Hy vọng rằng những kiến thức và kinh nghiệm mà tôi chia sẻ trên website medipharusa.com sẽ hỗ trợ Quý Đối Tác và Khách Hàng của công ty trong việc hiểu biết sâu sắc hơn về lĩnh vực dược phẩm và thực phẩm chức năng.

> Xem thêm về tác giả

Bài viết liên quan