Cây thuốc dòi, hay còn được dân gian gọi với cái tên đặc biệt là bọ mắm, là một loại cây dược liệu quen thuộc trong y học cổ truyền Việt Nam. Với hình dáng nhỏ bé nhưng lại ẩn chứa những công dụng chữa bệnh kỳ diệu, cây thuốc dòi từ lâu đã được người dân tin dùng trong việc điều trị các bệnh liên quan đến đường hô hấp, tiêu hóa và da liễu và là nguyên liệu trong nhiều loại nước mát được các chị em nội trợ tin dùng.
Với kinh nghiệm hơn 20 năm trong lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất thực phẩm chức năng từ các nguồn dược liệu từ thiên nhiên, Mediphar USA sẽ phân tích cho bạn hiểu rõ hơn về công dụng của cây thuốc dòi cũng như những cách dùng hiệu quả và lưu ý khi sử dụng loại dược liệu này ngay tại bài viết này.
Giới thiệu về cây thuốc dòi
Đặc điểm
Cây thuốc dòi thường được dùng trong các loại nước mát và nhiều bài thuốc chữa ho hen. Tên gọi cây thuốc dòi bắt nguồn từ tác dụng của loại cây này, cụ thể được dùng để giã nhuyễn cho vào mắm tránh dòi bọ.
Về cơ bản cây thuốc dòi có những đặc điểm như sau:
- Tên gọi khác: Cây bọ mắm, cây thuốc giòi hay đại kích biển.
- Tên khoa học: Pouzolzia zeylanica Benn. (Pouzolzia indica Gaud)
- Họ: Gai (Urticaceae).
- Mô tả cây thuốc dòi: Cây bọ mắm là loài cỏ có thân mềm và phủ lông. Lá cây thường mọc so le, đôi khi xuất hiện thêm lá kèm. Lá có hình mác, thuôn dài với kích thước khoảng 4-9 cm chiều dài và 1,5-2,5 cm chiều rộng. Trên bề mặt lá, đặc biệt là mặt dưới và các đường gân, có nhiều lông mịn. Lá có 3 gân chính xuất phát từ cuống, cuống lá dài chừng 5mm và cũng được bao phủ bởi lông trắng.
- Hoa: Hoa của cây bọ mắm thuộc dạng đơn tính và thường mọc thành cụm xim nhỏ. Hoa không có cuống, trong khi quả có hình trứng hơi nhọn, bao hoa bên ngoài được phủ một lớp lông mềm.
- Phân bố, thu hái và chế biến: Cây bọ mắm chủ yếu mọc tự nhiên và hoang dã ở nhiều vùng trên khắp Việt Nam. Cho đến nay, vẫn chưa có tài liệu ghi nhận việc trồng loài cây này một cách chính thức. Người dân thường thu hái toàn bộ cây để sử dụng, có thể dùng tươi hoặc đem phơi khô. Thời điểm thu hái tốt nhất rơi vào các tháng 4 đến tháng 6 trong năm.

Thành phần hóa học chính
Theo nhiều nghiên cứu, trong thành phần của cây thuốc dòi chứa các hợp chất có lợi cho sức khỏe như:
- Flavonoid: Đây là một nhóm các hợp chất polyphenol có đặc tính chống oxy hóa mạnh mẽ. Giúp bảo vệ cơ thể khỏi stress oxy hóa, giảm viêm và ngăn ngừa các bệnh mãn tính như tim mạch và ung thư. Flavonoid cải thiện sức khỏe tim mạch, hỗ trợ trí nhớ và chống lão hóa
- Tannin: Tannin giúp giảm tổn thương do các gốc tự do gây ra, bảo vệ tế bào và mô trong cơ thể. Đồng thời chất này còn có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn và ngăn ngừa viêm nhiễm, đặc biệt là ở đường tiêu hóa và miệng và kiểm soát tiêu chảy, tăng cường sức khỏe đường ruột.
- Triterpenoid: Nổi bật với hoạt tính kháng viêm, bảo vệ gan, chống oxy hóa và tăng cường miễn dịch. Ngoài ra, triterpenoid còn có tiềm năng chống ung thư và kháng virus, góp phần bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây hại.
Công dụng của cây thuốc dòi trong hỗ trợ điều trị bệnh
Theo đông y, cây thuốc dòi có tính mát, vị ngọt có tác dụng giải độc, tiêu thũng, trừ thấp nhiệt. Vì thế cây thuốc dòi thường được sử dụng trong các bài thuốc:
- Giúp làm dịu cơn đau dạ dày: Thành phần hoạt chất chính trong cây thuốc dòi chứa flavonoid và triterpenoid có đặc tính kháng viêm và chống co thắt, giúp thư giãn cơ trơn của dạ dày và ruột, từ đó giảm các cơn đau quặn thắt. Điều này rất hữu ích trong các trường hợp đau dạ dày do căng thẳng, rối loạn tiêu hóa hoặc viêm loét dạ dày tá tràng.
- Hỗ trợ điều trị các bệnh đường hô hấp: Cây thuốc dòi thường được dùng dưới dạng sắc nước hoặc nấu thành cao để chữa các chứng ho lâu năm, ho lao và viêm họng. Có thể kết hợp với các vị thuốc khác để tăng hiệu quả. Liều dùng phổ biến là 10-20g mỗi ngày.
- Làm thuốc mát, lợi tiểu và lợi sữa: Cây thuốc dòi được sử dụng như một vị thuốc giúp thông tiểu, thanh nhiệt và hỗ trợ lợi sữa cho phụ nữ sau sinh.
- Chữa sâu răng: Dân gian dùng lá cây thuốc dòi giã nát, nhét vào chỗ răng sâu để giảm đau nhức và kháng viêm hiệu quả.
- Trị mưng mủ: Khi đắp lên vùng mụn nhọt có mủ, cây thuốc dòi giúp giảm viêm, thúc đẩy quá trình thoát mủ và làm lành vết thương nhanh chóng. Tuy nhiên, đối với các loại mụn nhọt không mưng mủ, việc sử dụng cây thuốc dòi là không cần thiết và không nên áp dụng.

Hướng dẫn sử dụng cây thuốc dòi đúng cách
Liều dùng cây thuốc dòi
Liều lượng an toàn khi sử dụng cây thuốc dòi được khuyến nghị là khoảng 10–20g mỗi ngày, tùy theo mục đích điều trị. Liều dùng cụ thể có thể thay đổi dựa trên tình trạng sức khỏe, cơ địa của người sử dụng và bộ phận của cây được dùng như lá, cành hoặc rễ.
Cây thuốc dòi thường được dùng ở dạng sắc nước uống, vắt lấy nước tươi hoặc dùng ngoài da để hỗ trợ điều trị các bệnh khác nhau. Để đảm bảo an toàn và hiệu quả, người dùng nên tham khảo ý kiến thầy thuốc hoặc chuyên gia y học cổ truyền để được hướng dẫn liều lượng phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân.

Bài thuốc từ cây thuốc dòi
Cây thuốc dòi có thể dùng cây tươi bao gồm cành và lá trong các bài thuốc hoặc phơi khô để giã thành bột pha nước uống chữa bệnh. Một số bài thuốc dùng cây thuốc dòi điển hình bao gồm:
- Giảm ho kéo dài: Dùng 60–80g cành và lá tươi, sắc lấy nước uống hàng ngày để giảm ho. Hoặc hòa khoảng 2–3g bột với nước ấm hoặc mật ong, uống ngày 2 lần.
- Chữa viêm họng, viêm amidan: Nhai và ngậm lá tươi, nuốt nước để làm dịu cổ họng. Hoặc sắc 20g lá khô với nước, uống trong ngày.
- Giảm đau răng: Giã nát lá tươi, hòa với nước và ngậm để giảm đau.
- Thông tia sữa: Sắc 60g cây tươi với nước, uống để hỗ trợ thông tia sữa.
- Chữa viêm đường tiết niệu, hỗ trợ giảm đau dạ dày: Sắc 60g cây tươi hoặc 30g cây khô với nước, uống hàng ngày để giảm triệu chứng.
- Điều trị mụn nhọt mưng mủ: Giã nát lá tươi, đắp lên vùng bị mụn nhọt để giảm viêm và thúc đẩy quá trình lành. Hoặc trộn bột khô với chút nước hoặc mật ong thành hỗn hợp sệt, đắp lên vùng mụn nhọt để giảm viêm và sưng.

Lưu ý khi sử dụng cây thuốc dòi
Mặc dù cây thuốc dòi đem lại những lợi ích nhất định đối với sức khỏe, dễ sử dụng tại nhà bằng cách đun nước uống. Nhưng nếu sử dụng không đúng cách, hoặc đối với một số trường hợp đặc biệt liên quan đến cơ địa và thể chất dùng cây thuốc dòi có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn như:
- Không phù hợp với người có cơ địa hàn hoặc tiêu hóa kém: Mặc dù cây thuốc dòi hỗ trợ giảm co thắt dạ dày nhưng không phù hợp với người có có cơ địa hàn. Cụ thể cây thuốc dòi có tính mát, dễ gây lạnh bụng, tiêu chảy ở những người hay bị lạnh bụng hoặc có vấn đề về đường tiêu hóa.
- Gây mất cân bằng khoáng chất: Tác dụng lợi tiểu của cây thuốc dòi có thể làm tăng đào thải khoáng chất qua nước tiểu, dẫn đến mất cân bằng điện giải và khó hấp thu đủ khoáng chất cần thiết.
- Kích ứng da: Một số người có thể bị ngứa, nổi mẩn hoặc viêm da khi tiếp xúc với cây thuốc dòi, đặc biệt với người có làn da nhạy cảm.
- Gây dị ứng: Những người có tiền sử dị ứng có thể gặp các triệu chứng như mẩn đỏ, ngứa, buồn nôn hoặc nôn mửa khi sử dụng cây thuốc dòi.
- Không dùng cho phụ nữ mang thai: Cây thuốc dòi có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, trong trường hợp nặng có thể dẫn đến sảy thai.
- Tương tác với một số loại thuốc: Cây thuốc dòi có thể tương tác với các loại thuốc như thuốc huyết áp, thuốc tiểu đường, thuốc chữa bệnh thận hoặc ho lao. Điều này có thể làm giảm hiệu quả của thuốc hoặc gây ra tác dụng phụ không mong muốn.
Chính vì những lý do này, để đảm bảo an toàn và phát huy hiệu quả của cây thuốc dòi, người dùng cần sử dụng đúng liều lượng, không lạm dụng, đặc biệt thận trọng với người có bệnh nền, phụ nữ mang thai và người có cơ địa nhạy cảm.

Những câu hỏi thường gặp về cây thuốc dòi
Cây thuốc dòi có mấy loại?
Chi Pouzolzia, thuộc họ Gai (Urticaceae), gồm khoảng 37 loài phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới của Nam Á, Đông Nam Á và các vùng nước ấm trên thế giới. Tại Việt Nam, theo thống kê của tác giả Phạm Hoàng Hộ, có 6 loài thuộc chi này được ghi nhận:
- Pouzolzia zeylanica (L.) Benn (Bọ mắm): Cây thân mềm, mọc ở nơi ẩm thấp khắp cả nước. Dùng để bảo quản thực phẩm, trị ho, viêm họng, viêm ruột, nhiễm trùng tiết niệu, đau răng, nấm da, và làm thuốc ngoài da trị viêm, nhọt. Trong y học hiện đại, có tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm, hạ đường huyết và chống oxy hóa.
- Pouzolzia auriculata Wight (Thuốc vòi tai): Cây cao 30-50 cm, thân có 4 cạnh, phân bố ở miền Nam.
- Pouzolzia elegans (Thuốc vòi thanh): Cây bụi cao tới 1,5 m, mọc ở rừng ẩm độ cao 1500 m, phân bố tại Sapa.
- Pouzolzia sanguinea (Blume) Merr (Bọ mắm rừng): Cây cao 2-3 m, thường mọc ven rừng và suối ở miền Bắc, miền Trung. Dùng chữa ho, lợi tiểu, trị sởi và bổ máu sau sinh.
- Pouzolzia pentandra Benn (Thuốc vòi ngũ hùng): Cây cao 60-80 cm, thân 5 cạnh, mọc ở vùng ẩm độ cao 900-1200 m tại Ninh Bình, Thanh Hóa.
- Pouzolzia hirta Hassk (Thuốc vòi lông): Cây mọc hoang ở nơi ẩm, chưa được nghiên cứu kỹ về công dụng.
Nên dùng cây thuốc dòi tươi hay khô?
- Dùng cây tươi: Hiệu quả cao hơn do giữ nguyên hoạt chất tự nhiên. Thường được sử dụng để sắc nước uống ngay.
- Dùng cây khô: Bảo quản lâu hơn, tiện lợi khi sử dụng. Đặc biệt phù hợp để pha trà hoặc nấu nước trong thời gian dài.
Nếu có thể, bạn nên dùng cây tươi để tận dụng tối đa hoạt chất, nhưng cây khô cũng là lựa chọn tốt nếu bạn muốn bảo quản lâu dài.
Cây thuốc dòi kết hợp với thảo dược nào?
Cây thuốc dòi thường được kết hợp với các loại thảo dược khác để tăng hiệu quả trị liệu. Một số kết hợp phổ biến:
- Lá dứa: Hỗ trợ thanh lọc cơ thể, giảm đau nhức.
- Râu ngô: Tăng cường lợi tiểu, hỗ trợ điều trị bệnh thận.
- Kim tiền thảo: Hỗ trợ điều trị sỏi thận, sỏi mật.
- Cỏ ngọt: Tạo vị dễ uống và hỗ trợ giảm đường huyết.
Để nấu nước mát từ các nguyên liệu này, bạn cần rửa sạch, nấu cùng 2-3 lít nước trong nồi. Đợi nước sôi thì giảm nhỏ lửa, nấu trong 30-40 phút. Nếu muốn nước sắc hơn có thể đun thêm trong 10 phút nữa. Cuối cùng tắt bếp, lấy nước và lọc bỏ bã, để nguội và dùng dần.
Mua cây thuốc dòi ở đâu?
Bạn có thể mua cây thuốc dòi ở các hiệu thuốc đông y hoặc cửa hàng bán thảo dược uy tín, hoặc các chợ chuyên bán cây thuốc nam. Bên cạnh đó cũng có thể mua online trên các trang web thương mại điện tử chuyên về sản phẩm thảo dược.
Ngoài ra cây thuốc dòi thường được bán chung với các loại thảo dược khác để nấu nước mát như râu ngô, mã đề, mía lau… bạn có thể tìm mua tại một số siêu thị hoặc cửa hàng tiện lợi.
Cây thuốc dòi dễ trồng không?
Cây thuốc dòi rất dễ trồng vì là loại cây thích nghi tốt với điều kiện khí hậu nhiệt đới và đất đai nghèo dinh dưỡng. Bạn có thể trồng bằng hạt hoặc giâm cành. Khi cây thích nghi tốt sẽ phát triển nhanh, ít sâu bệnh.
Như vậy cây thuốc dòi là dược liệu quý trong y học cổ truyền với nhiều lợi ích như hỗ trợ điều trị các bệnh về đường hô hấp, thanh nhiệt, lợi tiểu, lợi sữa và giảm viêm hiệu quả. Tuy nhiên, khi sử dụng, người dùng cần lưu ý đến cơ địa và tình trạng sức khỏe của bản thân, đặc biệt tránh lạm dụng kéo dài để hạn chế các tác dụng phụ như tiêu chảy, mất cân bằng điện giải hoặc dị ứng.
Để đảm bảo an toàn và hiệu quả khi sử dụng các sản phẩm từ thảo dược, việc lựa chọn thương hiệu uy tín là vô cùng quan trọng. Mediphar USA, với tiêu chuẩn chất lượng cao và quy trình kiểm định nghiêm ngặt, là địa chỉ đáng tin cậy cho người tiêu dùng tìm kiếm các sản phẩm dược liệu an toàn và chất lượng.
Tài liệu tham khảo:
- Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Tác giả Đỗ Tất Lợi – Trang 723: https://www.gbif.org/species/2984383
- Effectiveness of Pouzolzia zeylanica, Curcuma longa, Piper nigrum, Capsicum annum to Stability of Dried Salted Tilapia during Storage: https://www.jpsr.pharmainfo.in/Documents/Volumes/vol11issue04/jpsr11041956.pdf
- Cách dùng cây bọ mắm tiêu viêm, chữa mụn nhọt: https://suckhoedoisong.vn/cach-dung-cay-bo-mam-tieu-viem-chua-mun-nhot-169240424190724732.htm
- Cây thuốc dòi: https://bvnguyentriphuong.com.vn/duoc-lieu/cay-thuoc-doi
Dược sĩ Phạm Cao Hà
Đã kiểm duyệt nội dung
Tôi là dược sĩ Phạm Cao Hà, hiện đang giữ vai trò cố vấn chuyên môn tại Công ty TNHH Mediphar USA. Với gần 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu và quản lý chất lượng sản phẩm thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe, tôi cam kết cung cấp những thông tin chính xác và hữu ích cho cộng đồng.
Hy vọng rằng những kiến thức và kinh nghiệm mà tôi chia sẻ trên website medipharusa.com sẽ hỗ trợ Quý Đối Tác và Khách Hàng của công ty trong việc hiểu biết sâu sắc hơn về lĩnh vực dược phẩm và thực phẩm chức năng.