Viêm giác mạc: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

Viêm giác mạc là một bệnh lý viêm nhiễm xảy ra ở giác mạc, nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách, bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu, các triệu chứng của viêm giác mạc lại dễ bị nhầm lẫn với các vấn đề mắt thông thường như khô mắt, mỏi mắt, dị ứng… khiến nhiều người chủ quan và điều trị sai cách. Vậy làm thế nào để nhận biết viêm giác mạc sớm và có hướng xử lý phù hợp? Trong bài viết này, Mediphar USA sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về căn bệnh này, nguyên nhân, dấu hiệu của bệnh và cách chăm sóc mắt hiệu quả để phòng ngừa biến chứng.  

Viêm giác mạc là gì?

Viêm giác mạc có tên tiếng anh là keratitis chỉ tình trạng giác mạc bị tổn thương dẫn đến sưng phù hoặc viêm, dẫn đến mắt bị đỏ, đau nhức hoặc nặng hơn là ảnh hưởng đến thị lực. Giác mạc là lớp màng trong suốt bao phủ phía trước con ngươi (đồng tử) và tròng đen (mống mắt), đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp nhận ánh sáng và giúp bạn nhìn rõ. Nhưng khi bị viêm, giác mạc có thể bị đỏ, sưng, gây đau mắt, chảy nước mắt, mắt trở nên nhạy cảm với ánh sáng và nhìn mờ. Nếu không được điều trị sớm, viêm giác mạc có thể dẫn đến sẹo giác mạc hoặc thậm chí mất thị lực vĩnh viễn.

Viêm giác mạc là gì?
Viêm giác mạc là tình trạng giác mạc bị nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc chấn thương

Viêm giác mạc có nguy hiểm không?

Viêm giác mạc là bệnh thường gặp về mắt và là một trong các nguyên nhân gây giảm thị lực và thậm chí là mù lòa. Do bệnh có khả năng gây ra các biến chứng nghiêm trọng nên khi phát biện các dấu hiệu khó chịu ở mắt, người bệnh hãy nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được bác sĩ tham khám và điều trị kịp thời. 

Viêm giác mạc nếu không được điều trị sớm có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như loét giác mạc hoặc sẹo giác mạc. Bên cạnh đó, bệnh còn có khả năng lây lan sang các vùng khác của mắt làm suy giảm thị lực và tăng nguy cơ mù lòa vĩnh viễn. 

Nguyên nhân gây viêm giác mạc

Theo các nghiên cứu, viêm giác mạc được chia thành hai nhóm chính dựa theo nguyên nhân gây bệnh:

Viêm giác mạc do chấn thương

Loại viêm giác mạc này không do vi khuẩn hay virus gây ra, mà thường bị viêm do mắt bị tổn thương hoặc do các yếu tố bên ngoài. Một số nguyên nhân phổ biến như:

  • Đeo kính áp tròng sai cách hoặc đeo trong thời gian quá lâu
  • Bụi hoặc các dị vật nhỏ bay vào mắt
  • Trầy xước giác mạc do chấn thương
  • Tình trạng khô mắt kéo dài
  • Mắt thiếu vitamin A và không được bổ sung kịp thời
  • Viêm mí mắt mãn tính
  • Phản ứng dị ứng do sử dụng mỹ phẩm, khói bụi ngoài đường hoặc do ánh nắng mặt trời…)

Viêm giác mạc không nhiễm trùng thường ít nguy hiểm hơn, tuy nhiên, người bệnh cũng cần theo dõi và điều trị đúng cách để tránh gây ra các tổn thương khác cho giác mạc.

Viêm giác mạc do chấn thương
Viêm giác mạc do chấn thương ít nguy hiểm và có thể khỏi sau 3-5 ngày điều trị

Viêm giác mạc do nhiễm trùng

Viêm giác mạc do nhiễm trùng xảy ra khi giác mạc bị các vi khuẩn, virus, nấm hoặc ký sinh trùng xâm nhập vào mắt và gây viêm. Đây là dạng viêm giác mạc nguy hiểm hơn, cần được điều trị y tế kịp thời. Tình trạng này bao gồm các dạng chính là:

  • Do vi khuẩn: Viêm giác mạc do vi khuẩn gây nên là tình trạng phổ biến nhất. Nguyên nhân thường do vệ sinh kính áp tròng không đúng cách, khiến vi khuẩn bám trên bề mặt kính và lây nhiễm vào giác mạc khi đeo. Việc đeo kính trong thời gian dài mà không làm sạch kỹ lưỡng cũng tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, dẫn đến viêm nhiễm nghiêm trọng. 
  • Do virus: Viêm giác mạc do virus thường gặp ở những người đã từng nhiễm virus Herpes simplex – loại virus gây nổi mụn nước quanh môi. Virus này có thể tái hoạt động và lây lan đến mắt, xâm nhập vào giác mạc, gây viêm và tổn thương. 
  • Do nấm: Viêm giác mạc do nấm thường gặp ở người hay tiếp xúc với đất, cây cối hoặc làm việc ngoài trời như nông dân, công nhân,… Nấm có thể xâm nhập qua vết trầy nhỏ ở mắt và gây nên tình trạng viêm giác mạc.
  • Do ký sinh trùng: Viêm giác mạc do ký sinh trùng Acanthamoeba có thể lây và thường bị lây nhiễm qua nước bẩn, hồ bơi hoặc vệ sinh kính áp tròng kém. Dạng viêm này rất đau và khó điều trị.

Viêm giác mạc có thể do nhiều nguyên nhân và mức độ nguy hiểm khác nhau. Các loại viêm giác mạc này đều có thể ảnh hưởng đến thị lực nếu không được điều trị kịp thời. Vì vậy, việc nhận biết sớm và chăm sóc mắt đúng cách là rất quan trọng.

Viêm giác mạc do nhiễm trùng
Viêm giác mạc do nhiễm trùng thường nguy hiểm và có khả năng lây nhiễm cao

Viêm giác mạc có lây không?

Viêm giác mạc có khả năng lây nhiễm, đặc biệt là viêm giác mạc do vi khuẩn và virus gây ra. Bệnh có thể lây qua các tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết mắt của người bệnh như chạm tay, chạm tay vào bề mặt hoặc đồ vật có vi khuẩn sau đó chạm vào mắt khi chưa vệ sinh tay. Ngoài ra, bệnh cũng có thể lây lan khi bạn sử dụng chung đồ cá nhân với người bệnh như: khăn mặt, khăn tắm,..

Triệu chứng của viêm giác mạc

Dù viêm giác mạc xuất phát từ nguyên nhân nhiễm trùng hay không nhiễm trùng, người bệnh đều có những biểu hiện chung dễ nhận biết. Việc chú ý sớm đến các dấu hiệu này là rất quan trọng để kịp thời thăm khám, giúp bác sĩ xác định chính xác nguyên nhân và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp, tránh biến chứng ảnh hưởng đến thị lực. Người mắc viêm giác mạc thường gặp một hoặc nhiều triệu chứng sau:

  • Đau nhức mắt hoặc cảm giác bị cộm như có dị vật trong mắt, gây khó chịu và khiến người bệnh liên tục dụi mắt.
  • Mắt đỏ do các mạch máu nhỏ ở bề mặt mắt bị giãn nở khi giác mạc bị viêm.
  • Chảy nước mắt nhiều, kèm theo cảm giác sợ ánh sáng, nhạy cảm bất thường với ánh sáng, khiến bạn khó mở mắt trong môi trường sáng.
  • Tình trạng thị lực giảm hoặc tạm thời mờ đi nhưng nếu để kéo dài có thể dẫn đến tổn thương giác mạc vĩnh viễn.
  • Mắt tiết dịch bất thường, có thể là dịch nhầy hoặc mủ trong trường hợp viêm giác mạc do nhiễm khuẩn.
  • Dấu hiệu cho thấy tình trạng viêm đã tiến triển nặng là khi mắt bị loét hoặc phồng rộp trên giác mạc. Trong trường hợp này, bạn cần đến các cơ sở y tế ngay lập tức để điều trị.

Ngoài ra, tình trạng viêm giác mạc do virus Herpes có thể tái phát nhiều lần và mỗi đợt tái phát đều làm giác mạc yếu đi, tăng nguy cơ sẹo và mờ mắt vĩnh viễn. Vì thế, việc chủ quan hoặc trì hoãn điều trị có thể để lại hậu quả lâu dài cho đôi mắt. Ngay khi nhận thấy những dấu hiệu bất thường ở mắt, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.

Triệu chứng của viêm giác mạc
Mắt sưng đỏ kèm theo cảm giác cộm đau, chảy nước mắt liên tục có thể là dấu hiệu của viêm

Viêm giác mạc bao lâu thì khỏi?

Tùy vào nguyên nhân mà thời giản khỏi bệnh sẽ khác nhau. Đối với viêm giác mạc do các chấn thương gây ra có thể khỏi sau 3-5 ngày nếu nhỏ thuốc và chăm sóc đúng theo chỉ định từ bác sĩ. Còn đối với trường hợp viêm giác mạc do nhiễm trùng thì thời gian điều trị có thể mất từ 7-10 ngày nếu điều trị sớm và tuân thủ nghiêm theo phát đồ điều trị. 

Cách điều trị bệnh viêm giác mạc

Tùy vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng, viêm giác mạc có thể được điều trị tại nhà hoặc cần đến phác đồ y tế chuyên sâu dưới sự theo dõi của bác sĩ chuyên khoa. Việc đánh giá chính xác tình trạng mắt là bước quan trọng để bác sĩ lựa chọn hướng xử lý phù hợp, tránh biến chứng ảnh hưởng đến thị lực.

Điều trị viêm giác mạc do chấn thương

Trong trường hợp bạn chỉ bị viêm giác mạc nhẹ do khô mắt, bụi bẩn, đeo kính áp tròng sai cách hoặc kích ứng môi trường, bác sĩ có thể hướng dẫn bạn áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà để giảm triệu chứng và hỗ trợ tốc độ phục hồi:

  • Vệ sinh mắt bằng nước muối sinh lý: Sử dụng dung dịch muối sinh lý 0.9% để làm sạch nhẹ nhàng vùng mắt bị viêm. Dùng gạc sạch nhúng vào dung dịch, lau quanh mắt 2 lần mỗi ngày để giúp loại bỏ bụi bẩn, chất nhầy và giảm kích ứng.
  • Chườm ấm hoặc lạnh: Bạn có thể chườm ấm để làm lỏng dịch tiết sau đó chườm lạnh để giảm sưng và ngứa. Dùng khăn sạch thấm nước ấm/lạnh, vắt khô rồi đắp lên mắt 5-10 phút, lặp lại vài lần mỗi ngày.
  • Không trang điểm vùng mắt: Mỹ phẩm có thể chứa hóa chất hoặc vi khuẩn, dễ làm trầm trọng thêm tình trạng viêm giác mạc. Do đó, trong thời gian điều trị viêm giác mạc tuyệt đối tránh sử dụng mascara, eyeliner hoặc phấn mắt.
  • Ngưng đeo kính áp tròng: Nếu mắt có dấu hiệu đỏ, đau hoặc cộm thì bạn cần dừng đeo kính áp tròng ngay để tránh tình trạng nặng hơn. Chỉ sử dụng lại khi bác sĩ cho phép và đảm bảo vệ sinh đúng cách.
  • Tăng cường vệ sinh cá nhân và sinh hoạt lành mạnh: Nên rửa tay thường xuyên, không dùng tay dụi vào mắt, giặt khăn mặt, vỏ gối bằng nước nóng thường xuyên và giữ môi trường sống sạch sẽ. Ngoài ra, nên bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin A, ngủ đủ giấc và tránh khói thuốc để hỗ trợ mắt hồi phục tốt hơn.

Viêm giác mạc nhẹ hoàn toàn có thể được kiểm soát tại nhà nếu được chăm sóc đúng cách và kịp thời. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng không thuyên giảm sau vài ngày hoặc có dấu hiệu nặng lên, bạn nên đến cơ sở y tế để được bác sĩ chuyên khoa mắt thăm khám và tìm ra phương pháp điều trị phù hợp.

Điều trị viêm giác mạc do chấn thương
Viêm giác mạc do chấn thương có thể điều trị tại nhà bằng thuốc nhỏ và tuân theo các chỉ định của bác sĩ

Điều trị viêm giác mạc do nhiễm trùng

Khi viêm giác mạc xuất hiện với các triệu chứng nghiêm trọng như đau nhức dữ dội, đỏ mắt nặng, tiết dịch bất thường (như mủ), giảm thị lực rõ rệt hoặc có dấu hiệu loét giác mạc. Bây có thể là dấu hiệu của viêm giác mạc do nhiễm trùng từ vi khuẩn, virus, nấm hoặc ký sinh trùng. Tùy theo dạng viêm nhiễm mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc thích hợp, ví dụ:

  • Viêm giác mạc do vi khuẩn: Người bệnh thường được kê đơn các loại thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh phổ rộng như moxifloxacin 0,5%, levofloxacin 0,5% hoặc thuốc nhỏ chứa tobramycin hoặc gentamicin. 
  • Trường hợp viêm do virus: Phác đồ điều trị có thể bao gồm thuốc nhỏ acyclovir 3%, kết hợp với thuốc uống acyclovir 400mg để ngăn ngừa tái phát. 
  • Đối với viêm giác mạc do nấm: Người bệnh thường được kê đơn thuốc tùy theo từng loại nấm gây bệnh. Phổ biến là thuốc đặc hiệu natamycin 5% dành cho nấm sợi, voriconazole 1% hoặc amphotericin B 0,15% dành cho Candida.
  • Viêm giác mạc do ký sinh trùng: Thường được chỉ định các loại thuốc đặc trị như polyhexamethylene biguanide (PHMB) 0,02%, chlorhexidine 0,02%, hoặc phối hợp với pentamidine.

Việc tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa thành phần kháng sinh hoặc corticosteroid nếu chưa có chỉ định từ bác sĩ có thể khiến tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn hoặc gây biến chứng không mong muốn. Trong những trường hợp này, người bệnh tuyệt đối không được tự ý điều trị tại nhà mà cần đến khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa mắt để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh. Sau khi thăm khám, bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định phác đồ điều trị phù hợp tùy theo nguyên nhân. 

Điều trị viêm giác mạc do nhiễm trùng
Viêm giác mạc do nhiễm trùng là một dạng nguy hiểm cần đến cơ sở y tế để điều trị

Giải đáp khác về bệnh viêm giác mạc

Một số câu hỏi phổ biến về bệnh mà có thể bạn cũng thắc mắc:

Viêm giác mạc có phải đau mắt đỏ không?

Viêm giác mạc và đau mắt đỏ là hai bệnh lý hoàn toàn khác nhau. Đau mắt đỏ (hay viêm kết mạc) thường làm cho đỏ mắt, không gây đau và thường không gây biến chứng nguy hiểm. Trong khi đó, viêm giác mạc là tình trạng viêm ở giác mạc gây đau mắt, nghiêm trọng hơn và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến thị lực nếu không được điều trị đúng cách.

Viêm giác mạc cần kiêng ăn gì?

Khi bị viêm giác mạc bạn cần kiêng ăn các loại thực phẩm cay nóng, thực phẩm giàu đường và tinh bột, các nhóm thực phẩm giàu đạm và dễ gây kích ứng. Việc kiêng các loại thực phẩm này giúp hạn chế các kích ứng trên mắt, giảm tình trạng chảy nước mắt cũng như các kích ứng có thể làm tình trạng viêm trở nên nguy hiểm hơn. 

Viêm giác mạc có đeo lens được không?

Đeo lens hoặc kính áp tròng có thể làm tăng các tổn thương trên mắt, làm tình trạng viêm giác mạc tiến triển nặng hơn. Do đó, trong quá trình điều trị bệnh cần hạn chế đeo lens cũng như kính áp tròng. Thay vào đó hãy sử dụng các loại kính đeo thông thường để đảm bảo tầm nhìn cũng như bảo vệ mắt trước bụi bẩn và vi khuẩn.

Viêm giác mạc tuy chỉ là tình trạng viêm ở giác mạc do các chấn thương hoặc sự tấn công của vi khuẩn gây ra nhưng bệnh lại có thể tiến triển nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Do đó, nếu phát hiện thấy các triệu chứng của bệnh hoặc bất thường ở mắt, cần đến ngay các cơ sở y tế để được tham khám, chuẩn đoán cũng như điều trị đúng cách. Tuyệt đối không được tự ý mua và sử dụng các loại thuốc nhỏ mắt khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ vì chúng có thể làm tình trạng viêm trở nên nghiêm trọng hơn.

  • [1] https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK559014/ 
  • [2] https://www.healthline.com/health/keratitis
  • [3] https://www.stevekmd.com/blog/recognizing-the-first-signs-of-keratitis
Dược sĩ Phạm Cao Hà

Dược sĩ Phạm Cao Hà

Đã kiểm duyệt nội dung

Tôi là dược sĩ Phạm Cao Hà, hiện đang giữ vai trò cố vấn chuyên môn tại Công ty TNHH Mediphar USA. Với gần 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu và quản lý chất lượng sản phẩm thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe, tôi cam kết cung cấp những thông tin chính xác và hữu ích cho cộng đồng.

Hy vọng rằng những kiến thức và kinh nghiệm mà tôi chia sẻ trên website medipharusa.com sẽ hỗ trợ Quý Đối Tác và Khách Hàng của công ty trong việc hiểu biết sâu sắc hơn về lĩnh vực dược phẩm và thực phẩm chức năng.

> Xem thêm về tác giả

Bài viết liên quan