Estrogen là một trong những hormone quan trọng nhất đối với sức khỏe của phụ nữ. Được sản xuất chủ yếu tại buồng trứng, estrogen đóng vai trò then chốt trong việc duy trì các chức năng sinh lý và sinh sản của phụ nữ, từ sự phát triển các đặc điểm sinh dục nữ cho đến việc điều hòa chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, nồng độ estrogen trong cơ thể có thể thay đổi theo độ tuổi và các yếu tố khác nhau, gây ảnh hưởng đến sức khỏe phụ nữ.
Với 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực thực phẩm chức năng, Mediphar USA sẽ cùng bạn khám phá chi tiết về estrogen là gì, từ vai trò của estrogen đến những ảnh hưởng đa chiều của nó đối với sức khỏe, cũng như cách để duy trì sự cân bằng estrogen trong cơ thể.
Nội tiết tố estrogen là gì? Định nghĩa và phân loại
Định nghĩa estrogen
Estrogen là một hormone steroid, có liên quan mật thiết đến cơ quan sinh sản nữ và chịu trách nhiệm chính trong việc phát triển các đặc tính sinh dục nữ.
Ngoài việc điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt, estrogen còn ảnh hưởng đến đường sinh sản, đường tiết niệu, tim và mạch máu, xương, vú, da, tóc, niêm mạc, cơ chậu và não. Các đặc điểm sinh dục thứ cấp, chẳng hạn như lông mu và lông nách, cũng bắt đầu phát triển khi nồng độ estrogen tăng lên. Nhiều hệ thống cơ quan, bao gồm hệ cơ xương khớp và tim mạch và não bị ảnh hưởng bởi estrogen.

>>> Xem thêm thông tin: Hormone là gì
Các loại estrogen: Estrone (E1), Estradiol (E2), Estriol (E3)
Có ba loại estrogen chính được đề cập đến, bao gồm:
- Estrone (E1): Một dạng estrogen, chủ yếu được sản xuất sau mãn kinh.
- Estradiol (E2): Dạng estrogen mạnh nhất và phổ biến nhất trong độ tuổi sinh sản của phụ nữ. Estradiol cũng là dạng estrogen chính được sử dụng trong liệu pháp thay thế hormone (HRT) để điều trị các triệu chứng mãn kinh.
- Estriol (E3): Một dạng estrogen khác, chủ yếu được sản xuất với số lượng lớn trong thai kỳ.
Cơ chế hoạt động của estrogen trong cơ thể
Estrogen lưu thông trong hệ tuần hoàn dưới 2 dạng: dạng tự do hoặc dạng liên kết với protein, cụ thể là globulin liên kết hormone giới tính (SHBG) hoặc albumin. Chỉ estrogen ở dạng tự do, không liên kết với protein, mới có khả năng khuếch tán tự do vào bên trong tế bào mà không chịu sự điều chỉnh nào.
Phản ứng sinh lý của tế bào với estrogen bắt đầu ngay trong tế bào chất. Tại đây, estrogen sẽ gắn kết với thụ thể estrogen, có thể là thụ thể estrogen alpha hoặc thụ thể estrogen beta. Sau khi được kích hoạt, phức hợp estrogen-thụ thể sẽ di chuyển vào nhân tế bào.
Tại nhân, phức hợp này gắn kết với các trình tự nucleotide đặc hiệu trên DNA, được gọi là các yếu tố phản ứng estrogen (Estrogen Response Elements – ERE). Sự gắn kết này sẽ kích hoạt quá trình phiên mã DNA, từ đó tạo ra các phản ứng sinh lý tương ứng.
Nồng độ hormone estrogen trong cơ thể được kiểm soát chặt chẽ thông qua cơ chế phản hồi ngược (negative feedback). Chính estrogen sẽ tác động ngược trở lại vùng dưới đồi và tuyến yên để điều chỉnh lượng hormone này. Một ví dụ điển hình về cơ chế phản hồi ngược có thể quan sát được trong chu kỳ kinh nguyệt.
Quá trình chuyển hóa estrogen chủ yếu diễn ra tại tế bào gan, thông qua enzyme CYP3A4. Cuối cùng, các sản phẩm chuyển hóa của estrogen sẽ được đào thải khỏi cơ thể qua nước tiểu.

Vai trò Estrogen trong cơ thể người
Vai trò trong sự phát triển các đặc tính sinh dục nữ
- Dậy thì: Nồng độ estrogen tăng cao kích thích sự phát triển của các đặc điểm sinh dục thứ cấp ở nữ giới, bao gồm sự phát triển của ngực, thay đổi cấu tạo cơ thể và hình thành vóc dáng đặc trưng.
- Vú: Estrogen chịu trách nhiệm cho sự phát triển của mô tuyến vú, bao gồm các thay đổi về nhu mô và mô đệm ở tuổi dậy thì. Nó cũng thúc đẩy sự phát triển của ống dẫn sữa trong giai đoạn dậy thì và thai kỳ, chuẩn bị cho chức năng tiết sữa sau sinh.
- Âm đạo: Estrogen hỗ trợ sự tăng sinh của các tế bào niêm mạc biểu mô âm đạo và âm hộ, duy trì độ dày, độ đàn hồi và độ ẩm. Thiếu hụt estrogen có thể dẫn đến tình trạng mỏng và khô niêm mạc, gây ra triệu chứng teo âm hộ-âm đạo.

Vai trò trong chu kỳ kinh nguyệt và sinh sản
- Chu kỳ kinh nguyệt: Estrogen cùng với các hormone FSH, LH và progesterone, đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa chu kỳ kinh nguyệt. Estrogen có vai trò gây rụng trứng, đồng thời làm dày niêm mạc tử cung (nội mạc tử cung) để chuẩn bị cho quá trình mang thai.
- Tử cung: Estrogen giúp tăng sinh tế bào nội mạc tử cung trong giai đoạn nang noãn của chu kỳ kinh nguyệt, làm dày niêm mạc tử cung, chuẩn bị cho sự làm tổ của trứng đã thụ tinh.
- Thai kỳ và khả năng sinh sản: Nồng độ estrogen đạt đỉnh trong những ngày trước khi rụng trứng, đây là thời điểm dễ thụ thai nhất. Đồng thời, estrogen làm loãng chất nhầy cổ tử cung, tạo điều kiện thuận lợi cho tinh trùng di chuyển qua để gặp trứng và thụ tinh. Những thay đổi này giúp tăng khả năng mang thai khi quan hệ tình dục.
- Ngừa thai: Ethinyl estradiol là một thành phần của viên uống tránh thai hoạt động bằng cách ức chế vùng dưới đồi giải phóng hormone giải phóng gonadotropin (GnRH) và tuyến yên giải phóng hormone kích thích nang trứng (FSH) và hormone tạo hoàng thể (LH), từ đó ngăn chặn sự rụng trứng.
Vai trò trong sức khỏe xương khớp, tim mạch
- Xương: Trong giai đoạn dậy thì, estrogen hỗ trợ sự phát triển của xương dài và sự hợp nhất của các đĩa sụn tăng trưởng. Estrogen bảo vệ xương bằng cách ức chế hoạt động của tế bào hủy xương, giúp ngăn ngừa loãng xương ở cả phụ nữ thiếu estrogen và sau mãn kinh.
- Tim mạch: Estrogen có tác động tích cực đến lipid huyết tương bằng cách tăng nồng độ lipoprotein tỷ trọng cao (HDL – cholesterol tốt), đồng thời làm giảm nồng độ lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL – cholesterol xấu) và cholesterol toàn phần. Sử dụng estrogen sớm ở phụ nữ sau mãn kinh có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh động mạch vành.

Vai trò của estrogen ở nam giới
Estrogen cũng ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của nam giới. Ở nam giới, estrogen tác động đến ham muốn tình dục, khả năng cương cứng và sản xuất tinh trùng.
- Quá ít estrogen có thể dẫn đến giảm ham muốn tình dục.
- Quá nhiều estrogen có thể gây vô sinh và rối loạn cương dương, cũng như gây ra chứng gynecomastia (vú to).
Cơ quan sản xuất estrogen
Trong giai đoạn sinh sản, phần lớn estrogen trong cơ thể phụ nữ được sản xuất từ buồng trứng. Bên cạnh đó, tuyến thượng thận (nằm ở phía trên thận) và mô mỡ (mỡ cơ thể) cũng góp phần tiết ra estrogen. Đặc biệt, trong thai kỳ, nhau thai (cơ quan kết nối mẹ và thai nhi, cho phép trao đổi chất dinh dưỡng) cũng là nơi sản sinh ra estrogen.

Mối liên hệ giữa Estrogen và các hormone nữ khác
- Estrogen và progesterone là hai hormone sinh dục nữ chính, hoạt động cùng nhau để điều hòa chu kỳ kinh nguyệt và duy trì thai kỳ. Progesterone là tiền chất để sản xuất estrogen và các hormone steroid khác, bao gồm cả testosterone.
- Testosterone ở nữ giới tuy với hàm lượng thấp hơn nam giới, nhưng cũng đóng vai trò quan trọng. Nó có thể được chuyển đổi thành estrogen trong cơ thể.
- Sự cân bằng giữa ba hormone này rất quan trọng cho sức khỏe tổng thể của phụ nữ. Mất cân bằng có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm rối loạn kinh nguyệt, vô sinh, loãng xương, các vấn đề về tâm trạng, và tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư.
Đặc Điểm | Estrogen | Progesterone | Testosterone |
Vai trò chính | Hormone nữ chính, phát triển đặc điểm sinh dục nữ, điều hòa chu kỳ kinh nguyệt, duy trì thai kỳ, bảo vệ sức khỏe tim mạch, xương khớp, não bộ, và các mô khác (da, tóc, cơ, đường tiết niệu…). | Chuẩn bị nội mạc tử cung cho thai kỳ, duy trì thai kỳ, hỗ trợ chức năng tuyến giáp, giúp ngủ ngon, chống trầm cảm, kích thích tạo xương, tăng ham muốn, chuyển hóa mỡ thành năng lượng, điều chỉnh lượng đường trong máu | Tăng cường ham muốn, duy trì khối lượng cơ bắp, mật độ xương, cải thiện tâm trạng, tăng cường năng lượng, và sự tập trung. |
Nơi sản xuất | Chủ yếu là buồng trứng, một phần nhỏ từ tuyến thượng thận và mô mỡ. | Chủ yếu là buồng trứng, một phần nhỏ từ tuyến thượng thận, nhau thai (khi mang thai). | Ở nữ giới, testosterone được sản xuất chủ yếu ở buồng trứng và một lượng nhỏ hơn ở tuyến thượng thận. |
Các loại |
| Là tiền chất của nhiều hormone steroid khác, bao gồm testosterone, estrogen và cortisol. | |
Tác động chính | Kích thích phát triển ngực, mọc lông mu và lông nách, bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt, duy trì nội mạc tử cung, nuôi dưỡng tóc, da, cơ quan sinh dục, mạch máu…
| Giúp nội mạc tử cung tiết ra protein chuẩn bị cho thai kỳ và duy trì thai kỳ. Các tác dụng khác không liên quan đến thai kỳ: kích thích tạo xương, điều chỉnh lượng đường trong máu, tăng cường hoạt động não bộ, chuyển hóa mỡ, điều hòa chức năng tuyến giáp, tăng ham muốn, giúp ngủ ngon, chống trầm cảm. |
|
Mãn kinh | Nồng độ giảm mạnh | Nồng độ giảm mạnh | Nồng độ cũng có thể suy giảm theo tuổi tác ở nữ giới |
Lưu ý | Mất cân bằng estrogen có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe. | Phụ nữ cắt bỏ tử cung nhưng vẫn giữ buồng trứng, có thể vẫn cần bổ sung progesterone để cân bằng với estrogen và mang lại lợi ích cho sức khỏe | Cần sử dụng testosterone ở nữ giới một cách cẩn trọng và dưới sự giám sát của bác sĩ. |
Sự thay đổi của estrogen theo độ tuổi
Estrogen ở tuổi dậy thì
Trong giai đoạn dậy thì, mức độ estrogen bắt đầu tăng cao, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển các đặc điểm sinh dục thứ cấp như:
- Sự phát triển của ngực.
- Sự mở rộng hông.
- Bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt.
Đây là giai đoạn quan trọng để cơ thể chuẩn bị cho khả năng sinh sản.

Estrogen trong thời kỳ mang thai
Trong thai kỳ, mức estrogen (đặc biệt là estradiol) tăng mạnh để hỗ trợ:
- Phát triển thai nhi.
- Thay đổi sinh lý trong cơ thể mẹ để chuẩn bị cho việc sinh nở.
- Tăng cường lưu lượng máu đến tử cung và nhau thai.
Những mức estrogen cao này còn giúp ngăn cản trục hạ đồi-tuyến yên-thượng thận, tạo ra các thay đổi phù hợp để bảo vệ thai kỳ.
Estrogen trong giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh
Tiền mãn kinh là giai đoạn chuyển tiếp trước mãn kinh, estrogen bắt đầu dao động không đều, gây ra các triệu chứng như: Chu kỳ kinh nguyệt không đều, bốc hỏa, thay đổi tâm trạng.
Sau mãn kinh, mức estrogen giảm mạnh, dẫn đến: Khô âm đạo, nguy cơ loãng xương cao hơn, giảm mật độ xương và thay đổi sức khỏe tim mạch.

Làm thế nào để bổ sung Estrogen?
Có nhiều cách để bổ sung estrogen, bao gồm thay đổi chế độ ăn uống, sử dụng thực phẩm chức năng và liệu pháp hormone. Dưới đây là chi tiết từng phương pháp:
Liệu pháp hormone (HRT)
Đây là phương pháp sử dụng thuốc kê đơn để tăng nồng độ estrogen trong cơ thể. Có hai loại HRT chính:
- Liệu pháp estrogen toàn thân: Sử dụng viên uống, miếng dán da, gel hoặc thuốc xịt để giải phóng estrogen vào máu, từ đó estrogen đi đến các cơ quan và mô trong cơ thể.
- Liệu pháp estrogen tại chỗ: Sử dụng vòng đặt âm đạo, viên nén hoặc kem bôi để giải phóng một lượng nhỏ estrogen trực tiếp vào mô âm đạo. Phương pháp này thường được sử dụng để điều trị chứng khô âm đạo.

Thực phẩm giàu phytoestrogen
Phytoestrogen là các hợp chất có nguồn gốc thực vật, có cấu trúc tương tự như estrogen và có thể có tác dụng tương tự estrogen trong cơ thể. Bổ sung thực phẩm giàu phytoestrogen có thể giúp tăng mức estrogen, đặc biệt là ở phụ nữ sau mãn kinh. Một số thực phẩm giàu phytoestrogen bao gồm:
Đậu nành: Nguồn cung cấp isoflavone (một loại phytoestrogen) dồi dào nhất. Đậu nành nguyên hạt chứa nhiều isoflavone hơn các sản phẩm chế biến từ đậu nành. Đậu nành có thể làm tăng tác dụng của estrogen ở phụ nữ mãn kinh và giảm tác dụng ở phụ nữ tiền mãn kinh.
Thực phẩm giàu lignan: Lignan là loại phytoestrogen có hoạt tính estrogen yếu nhưng cũng có thể bắt chước tác dụng của estrogen thông qua các cơ chế sinh học khác. Các thực phẩm giàu lignan bao gồm:
- Hạt lanh (hàm lượng lignan rất cao)
- Hạt mè
- Cải xoăn
- Bông cải xanh
- Quả mơ
- Đậu tây
- Đậu gà
- Đậu Hà Lan
- Đậu lăng
- Đậu phộng
- Các loại quả mọng
- Cà phê và trà
Các loại phytoestrogen khác:
- Nho
- Rau bina
- Cải bắp
Sản phẩm bổ sung estrogen
Một số thực phẩm chức năng có thể giúp tăng mức estrogen, bao gồm:
- Vitamin E: Vitamin E chứa phytoestrogen và có thể giúp giảm bớt các triệu chứng mãn kinh như bốc hỏa, các triệu chứng vận mạch và thay đổi ở âm đạo. Mặc dù vitamin E không hiệu quả bằng liệu pháp hormone trong việc làm giảm các triệu chứng mãn kinh, nhưng nó có thể hiệu quả khi được sử dụng cùng với HRT.
- Vitamin D: Vitamin D và estrogen có các chức năng sinh lý tương tự nhau, chủ yếu là hỗ trợ sức khỏe xương. Nồng độ vitamin D thấp có liên quan đến nồng độ estrogen thấp, trong khi nồng độ vitamin D cao hơn có liên quan đến nồng độ estrogen cao hơn ở phụ nữ. Các nghiên cứu đã gợi ý rằng bổ sung vitamin D có thể giúp tăng mức estrogen ở phụ nữ sau mãn kinh.
Để đạt được hiệu quả tối ưu và toàn diện hơn trong việc cân bằng nội tiết tố nữ, cải thiện các triệu chứng tiền mãn kinh, mãn kinh và duy trì sức khỏe, sắc đẹp, chị em phụ nữ có thể tham khảo sử dụng thêm các sản phẩm chuyên biệt.
Mediphar USA với 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất và phân phối thực phẩm chức năng, tự hào giới thiệu sản phẩm Estroten – giải pháp hỗ trợ tăng cường nội tiết tố nữ, làm chậm quá trình lão hóa.
Estroten với công thức độc đáo chứa Collagen peptide từ da cá, Sữa ong chúa, Lecithin Đậu Nành, Chiết xuất mầm đậu nành (giàu isoflavone – một dạng phytoestrogen), Cao khô Đương Quy, Vitamin E, Vitamin H và Vitamin D3, không chỉ giúp bổ sung collagen và isoflavon, cải thiện tình trạng thiếu hụt nội tiết tố nữ mà còn hỗ trợ hạn chế lão hóa da, giúp da sáng mịn, giảm thâm nám, tàn nhang.
Sản phẩm được bào chế dưới dạng gói tiện lợi, dễ sử dụng, phù hợp cho phụ nữ suy giảm nội tiết tố, lão hóa da.

>>> Xem ngay sản phẩm Estroten
Các yếu tố ảnh hưởng đến nồng độ estrogen
Chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì cân bằng nội tiết tố, bao gồm cả estrogen. Tiêu thụ nhiều đường có thể dẫn đến mất cân bằng nội tiết tố, do đó nên hạn chế.
Ngược lại, tăng cường các thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt rất có lợi. Chất béo lành mạnh cũng đóng vai trò quan trọng, chúng được tìm thấy trong dầu ô liu, các loại hạt, hạt và cá béo.
Duy trì chế độ ăn uống cân bằng, theo dõi lượng thức ăn nạp vào không chỉ giúp kiểm soát cân nặng mà còn góp phần cân bằng hormone, bao gồm cả estrogen.
Lối sống
Lối sống lành mạnh là yếu tố then chốt ảnh hưởng đến nồng độ estrogen. Ngủ đủ giấc và đảm bảo giấc ngủ không bị gián đoạn mỗi đêm là điều kiện cần thiết để cơ thể duy trì mức hormone khỏe mạnh.
Thiếu ngủ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến estrogen. Căng thẳng kéo dài cũng gây ra những tác động tiêu cực. Khi căng thẳng, cơ thể sản xuất quá nhiều cortisol và adrenaline, những hormone này có thể gây mất cân bằng nội tiết tố, bao gồm cả việc làm giảm nồng độ estrogen.
Tập thể dục đều đặn, vừa sức không chỉ giúp kiểm soát cân nặng, điều chỉnh lượng thức ăn mà còn cải thiện chất lượng giấc ngủ, từ đó góp phần duy trì mức estrogen ổn định. Hạn chế tiêu thụ rượu bia cũng rất quan trọng vì rượu có thể làm tăng nồng độ estrogen, tiếp xúc với estrogen dư thừa trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ ung thư.
Các bệnh lý liên quan đến estrogen
Nồng độ estrogen có thể bị ảnh hưởng bởi một số bệnh lý, bao gồm:
- Phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng: Làm giảm đột ngột nồng độ estrogen, dẫn đến các triệu chứng thiếu hụt estrogen nghiêm trọng.
- Xạ trị buồng trứng: Cũng gây giảm estrogen đột ngột.
- Hóa trị hoặc liệu pháp hormone: Các phương pháp điều trị ung thư, đặc biệt là ung thư vú, có thể ảnh hưởng đến chức năng buồng trứng và ức chế sản xuất estrogen, dẫn đến các triệu chứng thiếu hụt estrogen.
- Suy buồng trứng nguyên phát: Buồng trứng ngừng hoạt động trước 40 tuổi, làm giảm sản xuất estrogen và gây kinh nguyệt không đều.
- Hội chứng Turner: Một tình trạng di truyền do thiếu một phần hoặc toàn bộ một nhiễm sắc thể X, gây rối loạn chức năng buồng trứng và các triệu chứng thiếu hụt estrogen.
- Vô kinh vùng dưới đồi: Căng thẳng thể chất hoặc cảm xúc quá mức, tập thể dục quá sức hoặc giảm cân quá nhiều có thể phá vỡ trục dưới đồi – tuyến yên – buồng trứng, làm giảm sản xuất estrogen.

Thiếu hụt và dư thừa estrogen: Dấu hiệu và cách điều trị
Các triệu chứng thiếu hụt estrogen
Thiếu hụt estrogen, thường xảy ra trong thời kỳ tiền mãn kinh và mãn kinh, có thể gây ra nhiều triệu chứng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Dưới đây là một số triệu chứng thường gặp:
- Bốc hỏa và đổ mồ hôi ban đêm: Đây là những triệu chứng phổ biến nhất, đặc trưng bởi cảm giác nóng bừng đột ngột, lan tỏa, thường kèm theo đổ mồ hôi nhiều.
- Da khô: Giảm estrogen có thể làm da mất đi độ ẩm và độ đàn hồi, trở nên khô, mỏng và nhạy cảm hơn.
- Tăng cân: Thay đổi nội tiết tố, đặc biệt là giảm estrogen, có thể ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất, dẫn đến tăng cân, đặc biệt là ở vùng bụng và hông.
- Tâm trạng thất thường: Dao động estrogen có thể ảnh hưởng đến các chất dẫn truyền thần kinh, gây ra tâm trạng thất thường, dễ cáu kỉnh, lo lắng, buồn bã và nhạy cảm hơn.
- Kinh nguyệt không đều hoặc mất kinh: Thiếu hụt estrogen có thể làm gián đoạn chu kỳ kinh nguyệt, dẫn đến kinh nguyệt không đều, thưa thớt hoặc mất hẳn.
- Mệt mỏi và khó ngủ: Rối loạn giấc ngủ, khó ngủ, mất ngủ là những vấn đề thường gặp do thiếu estrogen, dẫn đến mệt mỏi vào ban ngày.
- Khó tập trung, giảm trí nhớ: Thay đổi nội tiết tố có thể ảnh hưởng đến chức năng nhận thức, gây khó tập trung, giảm trí nhớ và “sương mù não”.
- Nhức đầu trước kỳ kinh nguyệt: Thiếu hụt estrogen có thể gây ra đau đầu do nội tiết tố, thường xảy ra trong những ngày trước kỳ kinh.
- Khô âm đạo hoặc teo âm đạo: Giảm estrogen làm giảm tiết dịch bôi trơn âm đạo và làm mỏng thành âm đạo, dẫn đến khô, ngứa, rát và khó chịu.
- Giảm ham muốn tình dục và đau khi giao hợp: Thiếu hụt estrogen có thể làm giảm ham muốn tình dục và gây đau khi quan hệ do khô âm đạo và các mô sinh dục mỏng đi.

Các triệu chứng dư thừa estrogen
Dư thừa estrogen, hay còn gọi là cường estrogen, cũng có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe ở cả nam và nữ. Triệu chứng dư thừa estrogen ở phụ nữ:
- Tăng cân: Đặc biệt là ở hông và eo.
- Rối loạn kinh nguyệt: Chu kỳ kinh nguyệt quá dài, quá ngắn, hoặc ra máu nhiều, ít bất thường.
- Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) trầm trọng hơn: Các triệu chứng khó chịu trước kỳ kinh như đau ngực, đầy hơi, cáu kỉnh, lo lắng, trở nên nặng nề hơn.
- Mệt mỏi: Cảm giác mệt mỏi, thiếu năng lượng kéo dài.
- U xơ tử cung: Khối u lành tính phát triển trong tử cung.
- U nang sợi tuyến vú: Các khối u lành tính trong vú.
- Giảm ham muốn tình dục: Mất hứng thú với tình dục.
- Lo lắng, trầm cảm: Tâm trạng chán nản, lo lắng, dễ kích động.
- Các triệu chứng khác: Đầy hơi, nhức đầu, mất ngủ, rụng tóc.
Triệu chứng dư thừa estrogen ở nam giới:
- Vú to (nữ hóa tuyến vú): Mô vú phát triển bất thường ở nam giới.
- Rối loạn cương dương: Khó đạt được hoặc duy trì sự cương cứng.
- Vô sinh: Giảm số lượng hoặc chất lượng tinh trùng.
- Trầm cảm: Tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm.

Các phương pháp chẩn đoán và điều trị
Bác sĩ có thể chẩn đoán thiếu hụt hoặc dư thừa estrogen dựa trên các triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm máu để đo nồng độ estrogen (estrone, estradiol, estriol). Điều trị:
- Thiếu hụt estrogen: Điều trị có thể bao gồm liệu pháp hormone thay thế (HRT), thay đổi lối sống (chế độ ăn uống, tập thể dục, ngủ đủ giấc), bổ sung phytoestrogen từ thực phẩm hoặc thực phẩm chức năng.
- Dư thừa estrogen: Điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây dư thừa estrogen. Các khuyến nghị thường bao gồm thay đổi chế độ ăn uống, tập thể dục và các biện pháp hỗ trợ sức khỏe tổng thể. Nếu có bệnh lý tiềm ẩn, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.
Một số câu hỏi thường gặp về estrogen
Liệu pháp hormone (HRT) có an toàn không?
Không có câu trả lời chung cho tất cả mọi người về việc HRT có an toàn hay không. Liệu pháp hormone (HRT) có những lợi ích nhất định nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro. Mức độ an toàn của HRT phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm loại HRT, liều lượng, thời gian sử dụng, đường dùng, tiền sử sức khỏe cá nhân và gia đình.
HRT có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh như ung thư vú, ung thư nội mạc tử cung, cục máu đông, đột quỵ, nhưng cũng có thể làm giảm nguy cơ loãng xương và ung thư đại trực tràng.
Do đó, việc sử dụng HRT cần được cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi ích và nguy cơ dựa trên từng trường hợp cụ thể và cần có sự thảo luận, tư vấn chi tiết giữa bệnh nhân và bác sĩ.
Chế độ ăn uống nào tốt cho việc cân bằng estrogen?
Chế độ ăn uống tốt cho việc cân bằng estrogen là chế độ ăn giàu chất xơ, rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, chất béo lành mạnh (từ dầu ô liu, quả hạch, hạt, cá béo), và hạn chế đường, thực phẩm chế biến sẵn, chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa. Ưu tiên thực phẩm giàu phytoestrogen như đậu nành, hạt lanh cũng có thể hỗ trợ. Nên tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng để có chế độ ăn phù hợp nhất.
Có những biện pháp tự nhiên nào giúp cân bằng estrogen?
Những biện pháp tự nhiên giúp cân bằng estrogen bao gồm: duy trì cân nặng hợp lý, ngủ đủ giấc, giảm căng thẳng, tập thể dục đều đặn, hạn chế rượu bia, và áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh (giàu chất xơ, rau xanh, trái cây, chất béo tốt, phytoestrogen).
Tại sao nồng độ estrogen thay đổi theo độ tuổi?
Nồng độ estrogen thay đổi theo độ tuổi chủ yếu do sự thay đổi trong hoạt động của buồng trứng. Ở tuổi dậy thì, buồng trứng bắt đầu sản xuất nhiều estrogen hơn, dẫn đến phát triển các đặc điểm sinh dục nữ. Trong thai kỳ, nhau thai cũng sản xuất lượng lớn estrogen. Đến giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh, buồng trứng giảm dần và ngừng sản xuất estrogen, dẫn đến sự suy giảm nồng độ hormone này trong cơ thể.
Làm thế nào để kiểm tra nồng độ estrogen trong cơ thể?
Để kiểm tra nồng độ estrogen trong cơ thể, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm máu để đo nồng độ các loại estrogen như estradiol (E2), estrone (E1), và estriol (E3). Ở phụ nữ, cả ba loại estrogen có thể được đo, trong khi ở nam giới, thường chỉ đo estradiol và estrone.
Kết luận
Như vậy, qua bài viết này, hy vọng bạn đã hiểu rõ hơn estrogen là gì và vai trò quan trọng của nó đối với cơ thể, đặc biệt là ở phụ nữ. Estrogen không chỉ là nội tiết tố sinh dục đơn thuần, mà còn ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh sức khỏe, từ sự phát triển các đặc tính nữ, chu kỳ kinh nguyệt, sinh sản, cho đến sức khỏe xương khớp, tim mạch và não bộ. Việc duy trì nồng độ estrogen cân bằng là điều thiết yếu.
Mặc dù nồng độ estrogen thay đổi tự nhiên theo độ tuổi, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể chủ động hỗ trợ cân bằng hormone này thông qua chế độ ăn uống lành mạnh, lối sống khoa học và thăm khám sức khỏe định kỳ. Hãy luôn lắng nghe cơ thể và tham khảo ý kiến bác sĩ khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào để đảm bảo sức khỏe nội tiết và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tài liệu thảm khảo:
- https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK538260/
- https://my.clevelandclinic.org/health/body/22353-estrogen
- https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/estrogens-effects-on-the-female-body
- https://www.thesurmenoconnection.com/estrogen-progesterone-testosterone
- https://my.clevelandclinic.org/health/body/puberty
- https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/perimenopause/symptoms-causes/syc-20354666
- https://www.verywellhealth.com/how-to-increase-estrogen-8405692
- https://suckhoedoisong.vn/10-dau-hieu-estrogen-thap-o-phu-nu-va-cach-phuc-hoi-nhua-song-keo-dai-tuoi-xuan-169230705095640623.htm
- https://www.medicalnewstoday.com/articles/323280
Dược sĩ Phạm Cao Hà
Đã kiểm duyệt nội dung
Tôi là dược sĩ Phạm Cao Hà, hiện đang giữ vai trò cố vấn chuyên môn tại Công ty TNHH Mediphar USA. Với gần 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu và quản lý chất lượng sản phẩm thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe, tôi cam kết cung cấp những thông tin chính xác và hữu ích cho cộng đồng.
Hy vọng rằng những kiến thức và kinh nghiệm mà tôi chia sẻ trên website medipharusa.com sẽ hỗ trợ Quý Đối Tác và Khách Hàng của công ty trong việc hiểu biết sâu sắc hơn về lĩnh vực dược phẩm và thực phẩm chức năng.