Xuất huyết kết mạc là tình trạng lòng trắng đột nhiên xuất hiện vết máu đọng. Dù không gây đau, ngứa hay ảnh hưởng đến thị lực, vẫn thường khiến nhiều người cảm thấy hoang mang. Vậy tình trạng này có nguy hiểm không? Ngay tại bài viết này, Mediphar USA sẽ giúp bạn phân tích chuyên sâu về nguyên nhân triệu chứng và gợi ý hướng xử lý tại nhà và những dấu hiệu cần đến gặp bác sĩ.
Xuất huyết dưới kết mạc là gì?
Xuất huyết kết mạc là tình trạng xuất hiện một vùng đỏ như máu tụ trong lòng trắng của mắt. Nguyên nhân là do các mao mạch nhỏ nằm dưới lớp màng kết mạc bị vỡ. Khi điều này xảy ra, máu sẽ chảy ra và tích tụ lại bên dưới kết mạc, tạo thành một mảng đỏ rõ rệt và dễ nhận thấy. Tình trạng này thường không gây đau, không ảnh hưởng đến thị lực và không gây ngứa hay chảy nước mắt nhiều. Người bệnh chỉ tình cờ phát hiện khi soi gương hoặc được người khác nhìn thấy.
Dù trông có vẻ nghiêm trọng nhưng xuất huyết kết mạc thực chất là hiện tượng lành tính. Máu chỉ nằm ở lớp ngoài cùng của mắt, không liên quan đến các cấu trúc sâu bên trong như nhãn cầu hay võng mạc. Hiện tượng này thường gặp hơn ở người lớn tuổi, đặc biệt là từ sau 50 tuổi. Trong đa số trường hợp, xuất huyết kết mạc sẽ tự biến mất sau vài ngày đến vài tuần mà không cần can thiệp y tế. Tuy nhiên người bệnh vẫn cần theo dõi và giữ vệ sinh mắt đúng cách, không cần điều trị đặc hiệu nếu không có triệu chứng bất thường đi kèm.

Nguyên nhân gây xuất huyết kết mạc
Xuất huyết kết mạc có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể là nguyên nhân ở mắt hoặc liên quan đến bệnh lý khác. Một số nguyên nhân phổ biến gây xuất huyết kết mạc:
Tăng áp lực đột ngột trong cơ thể
Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây xuất huyết kết mạc là do áp lực trong tĩnh mạch vùng đầu và cổ tăng đột ngột. Các hành động như ho mạnh, hắt hơi dữ dội, nôn ói, rặn khi đi vệ sinh hoặc gắng sức quá mức đều có thể tạo ra áp lực lớn khiến mao mạch dưới kết mạc vỡ ra, dẫn đến tình trạng máu tụ trong lòng trắng mắt.

Chấn thương hoặc tác động cơ học lên mắt
Nguyên nhân này khá phổ biến ở người thường xuyên dụi mắt quá mạnh, cào cấu hoặc để mắt tiếp xúc với vật lạ như bụi, côn trùng. Ngoài ra, các chấn thương mạnh hơn như bị đấm vào mắt, tai nạn, va đập cũng có thể gây xuất huyết kết mạc.
Sử dụng kính áp tròng
Sử dụng kính áp tròng không đúng cách cũng có thể gây xuất huyết kết mạc. Khi đeo hoặc tháo kính sai thao tác, móng tay dài, vệ sinh kính không sạch, hoặc dùng kính quá hạn,… đều có thể làm rách nhẹ bề mặt kết mạc và khiến mạch máu bị vỡ. Bên cạnh đó, sử dụng các loại kính cứng hoặc có viền sắc cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ tổn thương.

Sau phẫu thuật hoặc thủ thuật vùng mắt
Xuất huyết kết mạc có thể xảy ra sau các phẫu thuật hoặc thủ thuật vùng mắt. Những can thiệp như mổ đục thủy tinh thể, tiêm thuốc gây tê quanh nhãn cầu hoặc mổ khúc xạ (LASIK) có thể làm tổn thương mạch máu nhỏ trong kết mạc. Tình trạng này sẽ không ảnh hưởng đến kết quả phẫu thuật nhưng về mặt thẩm mỹ, tình trạng này thường khiến bạn cảm thấy khó chịu.
Tăng huyết áp và bệnh mạch máu
Người cao tuổi hoặc người có bệnh lý mạch máu nền như tăng huyết áp, tiểu đường, xơ vữa động mạch thường có thành mạch yếu hơn và dễ vỡ. Chỉ với một tác động nhỏ hoặc tăng áp lực nhẹ, mao mạch có thể bị vỡ dẫn đến xuất huyết. Đặc biệt, nếu huyết áp không được kiểm soát tốt, tình trạng này có thể tái phát nhiều lần.
Ngoài ra, việc rối loạn đông máu, viêm kết mạc cấp hoặc các bệnh lý đặc biệt ở vùng quanh mắt cũng là những nguyên nhân có thể gây nên xuất huyết kết mạc. Người bệnh cần nắm rõ nguyên nhân để chủ động phòng tránh và điều trị dễ dàng ngay tại nhà.

Triệu chứng xuất huyết kết mạc
Các dấu hiệu của xuất huyết kết mạc thường rất rõ ràng và dễ dàng quan sát bằng mắt thường:
- Vệt máu đỏ rõ trên lòng trắng mắt: Đây là dấu hiệu điển hình nhất của xuất huyết kết mạc. Vệt máu có thể nhỏ như chấm đỏ hoặc lan rộng bao phủ gần hết phần củng mạc.
- Không gây đau: Khác với các bệnh lý về mắt nghiêm trọng khác, người bị xuất huyết kết mạc thường sẽ không cảm thấy đau nhức.
- Không ảnh hưởng đến thị lực: Khi bị xuất huyết kết mạc, người bệnh vẫn nhìn rõ như bình thường mà không bị mờ, không nhòe hay suy giảm thị lực.
- Không kèm theo ngứa hay chảy nước mắt nhiều: Điều này giúp phân biệt với viêm kết mạc dị ứng hoặc viêm nhiễm.
- Cảm giác cộm nhẹ: Một số người có thể thấy cộm nhẹ hoặc như có dị vật nhỏ trong mắt, do máu tụ làm căng nhẹ lớp kết mạc.
- Thường chỉ xuất hiện ở một bên mắt: Xuất huyết kết mạc thường chỉ xảy ra ở một bên, rất hiếm khi xuất hiện cùng lúc ở cả hai mắt, trừ các bệnh lý toàn thân nghiêm trọng.
- Không thay đổi màu sắc mống mắt hoặc đồng tử: Khác với các bệnh lý nội nhãn, xuất huyết kết mạc không ảnh hưởng đến các cấu trúc bên trong như đồng tử hay màu mắt.
- Diễn tiến màu sắc theo thời gian: Sau vài ngày, vệt máu có thể chuyển sang màu nâu, vàng nhạt trước khi biến mất hoàn toàn.
Nếu người bệnh nhận thấy vệt máu ngày càng lan rộng, không mờ dần theo thời gian hoặc kèm theo các triệu chứng bất thường như đau mắt, mờ mắt, cần thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được kiểm tra kỹ lưỡng.

Xuất huyết dưới kết mạc có nguy hiểm không?
Thông thường, xuất huyết dưới kết mạc thường ít nguy hiểm và không ảnh hưởng đến thị lực. Hầu hết các trường hợp bệnh sẽ tự khỏi sau 7-14 ngày mà không cần điều trị đặc biệt. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm gặp, xuất huyết dưới kết mạc tái đi tái lại nhiều lần và lan rộng ra toàn bộ bề mặt của mắt có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý nguy hiểm như:
- Rối loạn đông máu: bệnh thường đi kèm theo các dấu hiệu khác như: xuất hiện các vết bầm tím trên khắp cơ thể, giảm tiểu cầu, thường xuyên chảy máu cam,…
- Xuất huyết dưới kết mạc toàn phần: là khi xuất huyết trên toàn bộ vùng kết mạc kèm theo đau nhức, sưng hoặc giảm thị lực. Bệnh có thể xuất hiện do các chấn thương nặng ở vùng mắt, tăng áp lực nội sọ hoặc bệnh nội nhãn.
- Bệnh mạch máu hệ thống: thường xuất hiện ở người lớn tuổi hoặc những người có bệnh nền liên quan đến tăng huyết áp, xơ vữa động mạch hoặc đái tháo đường.
Khi xuất huyết dưới kết mạc đi kèm theo các dấu hiệu này, bạn cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ tham khám và điều trị kịp thời nhằm hạn chế tối đa các biến chứng có thể sảy ra.
Cách điều trị xuất huyết dưới kết mạc
Xuất huyết kết mạc là một tình trạng thường gặp và nhìn khá nghiêm trọng, nhưng đa số trường hợp lại hoàn toàn vô hại và sẽ tự khỏi sau 1–2 tuần mà không cần can thiệp y tế. Tuy nhiên, để giúp mắt cảm thấy dễ chịu hơn và hỗ trợ quá trình hồi phục nhanh hơn, bạn có thể áp dụng một số biện pháp chăm sóc tại nhà như:
Nghỉ ngơi hợp lý
Việc duy trì thói quen sinh hoạt hợp lý như ngủ đủ giấc, hạn chế thức khuya và tránh làm việc với màn hình máy tính hoặc điện thoại trong thời gian dài sẽ giảm thiểu căng thẳng cho mắt. Khi mắt được nghỉ ngơi đầy đủ, mạch máu sẽ có điều kiện lành lại nhanh hơn.
Không dụi mắt
Nhiều người có thói quen dụi mắt khi cảm thấy cộm hoặc khó chịu, nhưng hành động này có thể khiến mạch máu tiếp tục bị vỡ hoặc gây thêm các tổn thương mới. Việc giữ tay sạch sẽ và tránh tiếp xúc trực tiếp với mắt cũng góp phần hạn chế nguy cơ nhiễm trùng.

Chườm lạnh và chườm ấm
Trong 24 giờ đầu, chườm lạnh bằng khăn sạch khoảng 10 phút sẽ giúp làm co mạch, từ đó giảm rỉ máu và hạn chế vùng xuất huyết lan rộng. Sau 1 – 2 ngày, có thể chuyển sang chườm ấm để kích thích tuần hoàn máu tại chỗ, giúp cơ thể hấp thu vết bầm nhanh hơn và làm mờ dần mảng đỏ trong mắt. Tuy nhiên, không nên chườm quá lâu để làm tan vết xuất huyết nhanh, vì điều này có thể gây tác dụng ngược.
Sử dụng nước mắt nhân tạo
Khi mắt bị khô hoặc cộm nhẹ do xuất huyết, loại nước mắt nhân tạo không chứa chất bảo quản có thể được sử dụng để giữ ẩm, giảm cảm giác khó chịu và hỗ trợ bảo vệ bề mặt nhãn cầu trong quá trình hồi phục.
Chế độ dinh dưỡng
Bổ sung thực phẩm giàu vitamin C và vitamin K như rau cải xanh, bông cải, cam, chanh, đu đủ,… có thể giúp tăng độ bền thành mạch và hỗ trợ quá trình đông máu tự nhiên. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể hỗ trợ sức khỏe mắt bằng cách bổ sung dinh dưỡng từ Dầu gấc Vina. Với thành phần giàu beta-caroten, lycopen và các chất chống oxy hóa tự nhiên, sản phẩm sẽ giúp bạn nuôi dưỡng đôi mắt khỏe mạnh, tăng độ bền thành mạch và hỗ trợ thị lực lâu dài.

Xuất huyết dưới kết mạc khi nào thì cần đi khám?
Mặc dù xuất huyết kết mạc thường là tình trạng lành tính nhưng vẫn có những trường hợp người bệnh cần được bác sĩ thăm khám để loại trừ các nguyên nhân nghiêm trọng hơn. Nếu bạn gặp phải một trong các dấu hiệu sau, hãy đến cơ sở y tế để được kiểm tra và tư vấn:
- Vết đỏ kéo dài quá 2 tuần mà không mờ đi: Xuất huyết kết mạc thường tự tan trong vòng 7-14 ngày. Nếu sau 2 tuần vết máu vẫn còn nguyên hoặc lan rộng, đó có thể là dấu hiệu cho thấy máu không được hấp thu bình thường hoặc có vấn đề khác đi kèm.
- Đau nhức, sưng hoặc giảm thị lực: Đây là các triệu chứng không điển hình trong xuất huyết kết mạc thông thường. Nếu cảm thấy đau, mắt bị sưng hoặc nhìn mờ, rất có thể mắt đã bị tổn thương sâu và cần được điều trị sớm để tránh ảnh hưởng đến thị lực.
- Tái phát nhiều lần trong thời gian ngắn: Nếu bạn bị xuất huyết kết mạc lặp đi lặp lại, đặc biệt khi không rõ nguyên nhân, đó có thể là dấu hiệu của bệnh lý toàn thân như rối loạn đông máu, huyết áp cao chưa kiểm soát hoặc thiếu hụt vitamin K. Việc thăm khám giúp xác định và điều trị nguyên nhân gốc rễ.
- Kèm theo bầm tím hoặc chảy máu bất thường ở các vị trí khác: Nếu ngoài mắt, bạn còn bị bầm tím không rõ nguyên nhân trên da, chảy máu cam, chảy máu nướu răng, hoặc chảy máu kéo dài khi bị thương nhẹ, bạn nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và làm xét nghiệm chuyên sâu.
Trong các trường hợp trên, bác sĩ có thể chỉ định kiểm tra huyết áp, xét nghiệm máu, đánh giá chức năng đông máu hoặc thực hiện khám mắt toàn diện để xác định nguyên nhân chính xác. Phát hiện và điều trị sớm là cách tốt nhất để bảo vệ thị lực và sức khỏe tổng thể.

Giải đáp về bệnh xuất huyết dưới kết mạc
Xuất huyết dưới kết mạc tuy không phải là bệnh lý nguy hiểm nhưng biểu hiện của bệnh lại gây nhiều lo sợ. Do đó, có không ít các câu hỏi và thắc mắc liên quan đến bệnh lý này, phổ biến nhất như:
Xuất huyết kết mạc có lây không?
Xuất huyết kết mạc không có khả năng lây nhiễm bởi nguyên nhân chính gây ra bệnh là các chấn thương và tăng áp lực đột ngột lên mắt làm cho các mao mạch nhỏ bị vỡ ra. Do đó, bệnh hoàn toàn không có khả năng lây nhiễm và có thể tự khỏi tại nhà mà không cần can thiệp điều trị từ bác sĩ.
Xuất huyết dưới kết mạc kiêng ăn gì?
Xuất huyết dưới kết mạc có thể là dấu hiệu của bệnh rối loạn đông máu, do đó để an toàn thì bạn nên kiêng các loại thực phẩm gây loãng máu, giãn mạch máu, tăng huyết áp, mất nước hoặc gây kích thích các phản ứng viêm. Người bệnh cần hạn chế các loại thực phẩm gây loãng máu như gừng, tỏi, nghệ, thực phẩm giàu omega-3,… Các loại thực phẩm làm giãn mạch máu như nấm, động phộng, ớt, củ cải, hạt dẻ, nhân sâm,… Các loại thực phẩm chứa hàm lượng natri hoặc caffeine quá cao.
Xuất huyết kết mạc bao lâu thì hết?
Hầu hết các trường hợp xuất huyết kết mạc sẽ tự khỏi sau 7-14 ngày phát bệnh mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu tình trạng xuất huyết kéo dài hoặc tái đi tái lại nhiều lần thì đây có thể là dấu hiệu cho các bệnh lý nghiêm trọng cần được tham khàm và điều trị sớm.
Xuất huyết kết mạc nhỏ thuốc gì?
Xuất huyết kết mạc có thể nhỏ nước mắt nhân tạo để tạo cảm giác dễ chịu, giảm bớt các cảm giác cộm và khó chịu ở mắt. Khi nhỏ thuốc cần vệ sinh tay thật sạch sẽ, tránh dụi mắt mạnh. Thay vào đó có thể thực hiện chườm lạnh để kiểm soát vùng xuất huyết, tránh trường hợp lan rộng ra khắp bề mặt của mắt.
Xuất huyết dưới kết mạc là bệnh lý lành tính và có khả năng tự khỏi sau 7-14 ngày mà không cần điều trị. Bệnh cũng không gây nguy hiểm đến sức khỏe hay ảnh hưởng đến thị lực của người bệnh. Tuy nhiên, nếu tình trạng xuất huyết kéo dài hoặc tái đi tái lại nhiều lần kèm theo các dấu hiệu đặc biệt khác thì bạn nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được tham khám và chuẩn đoán chính xác hơn nhé. Hy vọng thông qua bài viết của Mediphar USA, bạn đã có thể hiểu hơn về xuất huyết dưới kết mạc và những thông tin cơ bản nhất về bệnh lý này. Nếu còn thắc mắc gì thì vui lòng liên hệ số hotline: 0903 893 866 để được tư vấn chi tiết hơn nhé.
- [1]https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC3702240/
- [2]https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/subconjunctival-hemorrhage/symptoms-causes/syc-20353826
- [3]https://www.aao.org/eye-health/diseases/what-is-subconjunctival-hemorrhage
Dược sĩ Phạm Cao Hà
Đã kiểm duyệt nội dung
Tôi là dược sĩ Phạm Cao Hà, hiện đang giữ vai trò cố vấn chuyên môn tại Công ty TNHH Mediphar USA. Với gần 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu và quản lý chất lượng sản phẩm thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe, tôi cam kết cung cấp những thông tin chính xác và hữu ích cho cộng đồng.
Hy vọng rằng những kiến thức và kinh nghiệm mà tôi chia sẻ trên website medipharusa.com sẽ hỗ trợ Quý Đối Tác và Khách Hàng của công ty trong việc hiểu biết sâu sắc hơn về lĩnh vực dược phẩm và thực phẩm chức năng.