Các nhóm thuốc đau dạ dày thường gặp và những lưu ý khi sử dụng

Các nhóm thuốc đau dạ dày thường gặp và những lưu ý khi sử dụng

Đau dạ dày là một tình trạng không chỉ gây khó chịu mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt hàng ngày và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Việc điều trị kịp thời, kết hợp với lựa chọn đúng các nhóm thuốc hỗ trợ, đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng.

Với hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm chức năng và nghiên cứu phát triển các sản phẩm hỗ trợ tiêu hóa, Mediphar USA sẽ cùng bạn tìm hiểu các nhóm thuốc đau dạ dày phổ biến. Đồng thời, bài viết sẽ đưa ra những lưu ý quan trọng để sử dụng thuốc một cách an toàn và đạt hiệu quả tối ưu.

Các triệu chứng đau dạ dày thường gặp

Bệnh lý liên quan đến đau dạ dày là bệnh lý tiêu hóa thường gặp, phổ biến là tình trạng viêm loét dạ dày tá tràng và trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Cả hai bệnh này có các triệu chứng tương tự nhau như cảm giác nóng rát và đau ở vùng thượng vị và buồn nôn.

Bên cạnh đó, đau dạ dày chủ yếu bắt nguồn từ viêm loét dạ dày tá tràng cũng một phần là do GERD. 

Đau do viêm loét thường nằm ở vùng bụng trên và xuất hiện khi bụng đói hoặc vài giờ sau bữa ăn, có thể thuyên giảm sau khi ăn.

Vết loét có thể gây chảy máu nên có thể gây ra nhiều triệu chứng khác như: Nôn ra máu (máu tươi hoặc đã chuyển đen), phân đen, mệt mỏi, khó thở hoặc suy nhược do thiếu máu (lượng máu thấp).

Các vết loét gây nên phần lớn các cơn đau dạ dày
Các vết loét gây nên phần lớn các cơn đau dạ dày

Khác đi một chút, trào ngược dạ dày thực quản gây ra các triệu chứng như ợ nóng, cảm giác đau, nóng rát ở vùng bụng trên và giữa ngực sau xương ức, lan từ đầu dưới xương ức về phía cổ họng. Cơn đau có thể trở nên tồi tệ hơn sau khi ăn hay khi dùng một số loại thực phẩm nhất định, chẳng hạn như thức ăn cay, nóng hay có tính acid. Các triệu chứng sẽ cải thiện khi dùng thuốc kháng tiết acid hoặc thuốc trung hòa acid.

Những nguyên nhân nào gây ra viêm loét dạ dày

Loét dạ dày xảy ra khi hàng rào bảo vệ của dạ dày bị tổn thương. Lớp lót hàng rào này được tạo thành từ chất nhầy và bicarbonate, giúp bảo vệ dạ dày. Nếu bị phá vỡ, acid dạ dày có thể gây loét ở niêm mạc dạ dày. 

Nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm loét dạ dày là:

  • Chủ yếu là nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori): các enzyme do H. pylori tạo ra có thể làm tổn thương, gây độc cho các tế bào biểu mô dạ dày. phân hủy chất nhầy dạ dày và phá vỡ lớp giàu phospholipid ở bề mặt.
Nguyên nhân hàng đầu gây viêm loét dạ dày
Nguyên nhân hàng đầu gây viêm loét dạ dày

 

  • Sử dụng thuốc giảm đau kháng viêm không steroid (NSAID) liều cao hoặc trong thời gian dài. Chúng gây tổn thương niêm mạc do làm giảm prostaglandin bảo vệ niêm mạc và giảm tiết chất nhầy bicarbonate bảo vệ hàng rào trong dạ dày và ruột non. Các hoạt chất NSAID thường gặp như aspirin, ibuprofen, naproxen, ketorolac,…

Các thuốc điều trị viêm loét dạ dày

Để điều trị loét dạ dày tá tràng, các bác sĩ thường hướng đến việc điều trị giúp vết loét mau lành. Đồng thời, bác sĩ cũng tìm nguyên nhân gây loét để kiểm soát và điều trị dứt điểm nguyên nhân gây bệnh. 

Sử dụng thuốc là liệu pháp điều trị ít xâm lấn nhưng hiệu quả cao
Sử dụng thuốc là liệu pháp điều trị ít xâm lấn nhưng hiệu quả cao

Kết hợp của các loại thuốc làm giúp tối ưu hiệu quả điều trị. Điều này giúp vết loét lành lại và giảm nguy cơ tái phát. Các loại thuốc mà bác sĩ khuyên dùng hoặc kê đơn để điều trị loét dạ dày tá tràng bao gồm:

  • Thuốc ức chế bơm proton (PPI)
  • Thuốc chẹn thụ thể H2
  • Thuốc trung hòa acid dịch vị
  • Thuốc bảo vệ niêm mạc
  • Thuốc kháng sinh

Thuốc ức chế bơm proton (PPI)

Thuốc ức chế bơm proton (PPI) làm giảm sản xuất acid của dạ dày, làm giảm các triệu chứng và thúc đẩy quá trình chữa lành vết loét. Uống PPI một lần mỗi ngày sẽ ức chế khoảng 70% lượng acid, do đó vẫn còn một lượng nhỏ acid để tiêu hóa thức ăn. Các hoạt chất thuốc thuộc nhóm PPI bao gồm: Omeprazol, esomeprazol, pantoprazol, lansoprazol, rabeprazol,…

PPI có thể được sử dụng để điều trị:

  • Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)
  • Các tình trạng đặc trưng bởi tình trạng sản xuất quá nhiều acid dạ dày (như hội chứng Zollinger-Ellison)
  • Loét tá tràng hoặc dạ dày bao gồm cả những trường hợp do NSAID gây ra
  • Kết hợp với một số loại kháng sinh để diệt trừ vi khuẩn Helicobacter pylori

Tác dụng phụ của nhóm PPI có thể gây triệu chứng như:

  • Tiêu chảy hoặc táo bón
  • Đau đầu, chóng mặt
  • Đau bụng
  • Phát ban

Những triệu chứng này thường nhẹ và sẽ hết sau khi quá trình điều trị hoàn tất.

Thuốc chẹn thụ thể H2

Giống như PPI, thuốc chẹn thụ thể H2 hoạt động bằng cách giảm lượng acid dạ dày tiết ra. Tuy nhiên, nó tác động thông qua histamine từ các tế bào thành của niêm mạc dạ dày (lớp lót dạ dày). Các thuốc thuộc nhóm kháng histamin H2 phổ biến bao gồm famotidine, cimetidine, ranitidine và nizatidine.

Thuốc đối kháng H2 cũng được sử dụng để điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), loét đường tiêu hóa và các tình trạng tăng tiết dịch tiêu hóa khác.

Thuốc đối kháng thụ thể H2 ít khi gặp tác dụng phụ, nếu có triệu chứng bao gồm:

  • tiêu chảy
  • đau đầu, chóng mặt
  • phát ban
  • mệt mỏi

Thuốc trung hòa acid dịch vị (antacid) 

Nhóm antacid là thuốc trung hòa acid trong dạ dày. Thành phần có thể là nhôm, canxi, magie hoặc natri bicarbonate hoạt động như các base (kiềm) để chống lại acid dạ dày và làm cho độ pH của dạ dày trung tính hơn.

Thuốc kháng acid có thể bao gồm các thành phần như: nhôm hydroxide, magie carbonate, magie trisilicate, magie hydroxide, canxi carbonate hoặc natri bicarbonate. Một số thuốc kháng acid cũng chứa các loại thuốc khác, chẳng hạn như alginate (bao phủ thực quản của bạn bằng một lớp bảo vệ) và simethicone (làm giảm đầy hơi).

Trong y tế, người ta thường dùng thuốc kháng acid được sử dụng để làm giảm các triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày thực quản(GERD) như nóng rát sau xương ức hoặc vùng cổ họng (thực quản), ợ nóng hoặc khó tiêu. Thuốc này có thể làm giảm đau nhanh chóng. Nhưng chúng không được dùng để chữa lành vết loét.

Tác dụng phụ của nhóm thuốc thường không đáng kể và có thể bao gồm:

  • Tiêu chảy hoặc táo bón
  • Đánh rắm (đầy hơi)
  • Đau bụng quặn thắt

Thuốc bảo vệ niêm mạc

Sucralfat được gọi là tác nhân bảo vệ tế bào do bám vào các vết loét và bảo vệ chúng khỏi acid, enzyme và muối mật. Chúng chủ yếu tác động lên niêm mạc dạ dày và không được cơ thể hấp thụ nhiều. Sucralfate có thể bảo vệ vết loét đang hoạt động, nhưng không ngăn ngừa được các vết loét trong tương lai.

Misoprostol là một prostaglandin tổng hợp hoạt động bằng cách “thay thế” prostaglandin mà quá trình sản xuất bị chặn bởi các thuốc NSAID. Thuốc được sử dụng để ngăn ngừa loét dạ dày phát triển trong quá trình điều trị kháng viêm giảm đau bằng NSAID.

Lưu ý: Misoprostol có thể gây dị tật bẩm sinh, sinh non, vỡ tử cung, sảy thai hoặc sảy thai không hoàn toàn và chảy máu tử cung. Không sử dụng misoprostol để ngăn ngừa loét dạ dày nếu bạn đang mang thai.

Thuốc kháng sinh

Nếu vết loét dạ dày là do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori) thì một phác đồ điều trị bằng kháng sinh rất cần thiết. Điều trị đầu tay cho viêm loét dạ dày tá tràng do H. pylori là kết hợp thuốc bao gồm từ hai loại kháng sinh và một chất ức chế bơm proton (PPI). Phác đồ điều trị có thể là ba thuốc gồm hai loại kháng sinh và PPI hay bốn thuốc với bismuth và các loại kháng sinh khác nhau.

Thuốc kháng sinh và PPI có tác dụng hiệp đồng để diệt trừ H. pylori. Bác sĩ có thể tránh kê đơn thuốc kháng sinh đã dùng trước đây vì vi khuẩn H. pylori có thể đã phát triển khả năng kháng thuốc đối với những loại thuốc kháng sinh đó. Việc lựa chọn phác đồ nào hay loại kháng sinh nào phụ thuộc vào từng bệnh nhân và từng vùng dịch tễ.

Lựa chọn đúng kháng sinh giúp cải thiện tình trạng bệnh nhanh chóng
Lựa chọn đúng kháng sinh giúp cải thiện tình trạng bệnh nhanh chóng

Các loại kháng sinh thường dùng để diệt vi khuẩn H pylori bao gồm:

  • Clarithromycin 
  • Amoxicillin
  • Tetracycline
  • Metronidazole
  • Levofloxacin

Tác dụng phụ của những loại thuốc kháng sinh này thường nhẹ và có thể bao gồm:

  • Tiêu chảy
  • Nôn và buồn nôn
  • Một vị kim loại trong miệng bạn

Bạn sẽ được xét nghiệm ít nhất 4 tuần sau khi kết thúc liệu trình kháng sinh để xem có còn vi khuẩn H. pylori trong dạ dày hay không. Nếu có, bạn có thể cần một liệu trình kháng sinh khác.

Một số lưu ý của thuốc dạ dày

Phần lớn các thuốc dạ dày được sử dụng thông qua chỉ định của bác sĩ, do đó bệnh nhân cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn, không được tự ý thay đổi liều lượng, lạm dụng thuốc. Điều này sẽ có thể làm ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, khiến tình trạng tổn thương dạ dày ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Các lưu ý đặc biệt của từng nhóm thuốc dạ dày như sau:

  • Đối với nhóm PPI: Hiệu quả điều trị sẽ tối ưu hơn khi bệnh nhân đảm bảo sử dụng thuốc trước bữa ăn trong 30 phút đến 1 giờ. Sử dụng thuốc ức chế bơm proton liều cao hoặc dài hạn có thể làm tăng nguy cơ gãy xương. Có thể kết hợp điều trị với các chất bổ sung canxi hay thực phẩm bổ sung canxi có thể làm giảm nguy cơ này. [10].
  • Đối với nhóm thuốc kháng sinh: Nếu bị nhiễm H. pylori thì việc hoàn thành đủ liều thuốc kháng sinh là rất quan trọng. Việc này đảm bảo loại bỏ nhiễm trùng và hạn chế sự kháng thuốc của vi khuẩn. 
  • Đối với nhóm Antacid [12]: thời điểm tốt nhất để dùng thuốc là cùng hoặc ngay sau bữa ăn. Tác dụng của thuốc cũng có thể kéo dài hơn nếu dùng cùng thức ăn. Thuốc kháng acid chỉ làm giảm các triệu chứng và không chữa khỏi được vấn đề tiềm ẩn gây ra các triệu chứng. Điều này có nghĩa là chúng có thể che giấu một số tình trạng nghiêm trọng, chẳng hạn như ung thư dạ dày.

Lời khuyên chung về việc dùng thuốc chữa loét dạ dày tá tràng

Có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến quá trình lành vết loét. Lối sống lành mạnh và thói quen ăn uống tốt có thể đẩy nhanh quá trình lành vết loét. Song song với việc uống thuốc, người bệnh nên kết hợp chế độ sinh hoạt thật khoa học, ăn uống đủ chất, hạn chế thực phẩm gây kích thích hệ tiêu hóa như chua, cay nóng. Đặc biệt, bệnh nhân nên giữ tinh thần vui vẻ, thoải mái, bởi vì căng thẳng hay stress sẽ khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn.

Liên hệ trực tiếp chuyên gia y tế để được hỗ trợ tốt nhất
Liên hệ trực tiếp chuyên gia y tế để được hỗ trợ tốt nhất

Nếu cơn đau vẫn tiếp diễn mặc dù đã điều trị, hãy trao đổi với bác sĩ để có phương pháp điều trị phù hợp khác.

Hãy thông báo cho bác sĩ càng sớm càng tốt nếu gặp bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào nghi ngờ có liên quan đến thuốc điều trị loét dạ dày tá tràng. Không tự ý điều trị bệnh loét dạ dày tá tràng bằng các sản phẩm chăm sóc sức khỏe theo lời quảng cáo của sản phẩm trừ khi được chuyên gia chăm sóc sức khỏe khuyên dùng.

Qua bài viết, hy vọng người đọc đã có cái nhìn tổng quan về nhóm thuốc điều trị liên quan đến dạ dày, đặc biệt là nhóm thuốc cho viêm loét dạ dày tá tràng. Những thông tin trên chỉ mang tính chất hỗ trợ và cung cấp thêm thông tin, hãy đến gặp bác sĩ để nhận được chỉ định phù hợp cho mỗi bệnh nhân.

Tài liệu tham khảo:

  1. GERD (Acid Reflux) vs. Ulcers: How to Tell the Difference – GoodRx https://www.goodrx.com/conditions/gerd/gerd-vs-ulcer 
  2. Symptoms & Causes of Peptic Ulcers (Stomach or Duodenal Ulcers) – NIDDK https://www.niddk.nih.gov/health-information/digestive-diseases/peptic-ulcers-stomach-ulcers/symptoms-causes 
  3. Symptoms & Causes of GER & GERD – NIDDK https://www.niddk.nih.gov/health-information/digestive-diseases/acid-reflux-ger-gerd-adults/symptoms-causes 
  4. How does Helicobacter pylori cause mucosal damage? Direct mechanisms – PubMed https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/9394757/ 
  5. Non-steroidal anti-inflammatory drugs and the gastrointestinal tract – PMC  https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC8002800/ 
  6. Peptic Ulcer Disease – American College of Gastroenterology https://gi.org/topics/peptic-ulcer-disease/ 
  7. Stomach ulcer – Treatment – NHS https://www.nhs.uk/conditions/stomach-ulcer/treatment/
  8. List of 50 Stomach Ulcer Medications Compared https://www.drugs.com/condition/gastric-ulcer.html 
  9. Treatment for Peptic Ulcers (Stomach or Duodenal Ulcers) – NIDDK https://www.niddk.nih.gov/health-information/digestive-diseases/peptic-ulcers-stomach-ulcers/treatment 
  10. Peptic Ulcer Disease – StatPearls – NCBI Bookshelf: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK534792/ 
  11. List of Proton Pump Inhibitors + Uses, Side Effects – Drugs.com https://www.drugs.com/drug-class/proton-pump-inhibitors.html 
  12. List of H2 antagonists (H2 blockers) – Drugs.com https://www.drugs.com/drug-class/h2-antagonists.html 
  13. List of Common Antacids + Uses, Types & Side Effects – Drugs.com https://www.drugs.com/drug-class/antacids.html 
  14. Antacids – NHS: https://www.nhs.uk/conditions/antacids 
  15. Sucralfate Uses, Side Effects & Warnings: https://www.drugs.com/mtm/sucralfate.html 
  16. Misoprostol: Uses, Dosage, Side Effects & Warnings – Drugs.com: https://www.drugs.com/misoprostol.html 
  17. Evidence-Based Guidelines for the Treatment of Helicobacter pylori Infection in Korea 2020 – PMC  https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC7960974 
Dược sĩ Phạm Cao Hà

Dược sĩ Phạm Cao Hà

Đã kiểm duyệt nội dung

Tôi là dược sĩ Phạm Cao Hà, hiện đang giữ vai trò cố vấn chuyên môn tại Công ty TNHH Mediphar USA. Với gần 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu và quản lý chất lượng sản phẩm thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe, tôi cam kết cung cấp những thông tin chính xác và hữu ích cho cộng đồng.

Hy vọng rằng những kiến thức và kinh nghiệm mà tôi chia sẻ trên website medipharusa.com sẽ hỗ trợ Quý Đối Tác và Khách Hàng của công ty trong việc hiểu biết sâu sắc hơn về lĩnh vực dược phẩm và thực phẩm chức năng.

> Xem thêm về tác giả

    Liên hệ MEDIPHAR USA



    Bài viết liên quan