Kính áp tròng (lens) là một giải pháp hỗ trợ thị lực và thẩm mỹ ngày càng được ưa chuộng, đặc biệt là trong giới trẻ. Tuy nhiên, với đặc tính tiếp xúc trực tiếp với giác mạc, việc sử dụng lens đòi hỏi người dùng phải tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc vệ sinh và nắm rõ kỹ thuật đeo đúng cách. Trong bài viết dưới đây, Mediphar USA sẽ giúp các bạn tìm hiểu cách đeo lens an toàn cùng những lưu ý quan trọng để bảo vệ đôi mắt trong suốt quá trình sử dụng.
Lens mắt là gì?
Lens là loại thấu kính mỏng, mềm hoặc cứng, được chế tạo từ các loại nhựa sinh học chuyên dụng, có khả năng thấm khí và an toàn khi tiếp xúc với bề mặt mắt. Khác với kính gọng truyền thống được đặt cách mắt một khoảng nhỏ, kính áp tròng được thiết kế để ôm sát giác mạc, chính là lớp trong suốt phía trước nhãn cầu nhằm điều chỉnh các tật khúc xạ như cận thị, viễn thị, loạn thị hoặc lão thị một cách trực tiếp và hiệu quả.
Về hình dáng, kính áp tròng thường có dạng như một chén nhỏ, trong suốt, vừa khít với bề mặt mắt. Khi được đặt đúng vị trí, kính không gây cảm giác cộm và gần như không thể nhận biết bằng mắt thường. Chính vì vậy, bên cạnh khả năng cải thiện thị lực, kính áp tròng còn mang lại ưu điểm về mặt thẩm mỹ và sự linh hoạt trong sinh hoạt, đặc biệt phù hợp với những người có lối sống năng động hoặc thường xuyên hoạt động thể thao.

Lens mắt có mấy loại?
Hiện nay, các loại kính áp tròng trên thị trường gồm các loại cơ bản như sau:
- Kính áp tròng mềm (Soft lenses): Là loại phổ biến nhất, làm từ nhựa dẻo có chứa nước giúp thẩm thấu oxy, mang lại cảm giác thoải mái và giảm khô mắt. Một số loại có khả năng chống tia UV nhưng dễ hút bụi bẩn, vi khuẩn và dễ rách.
- Kính áp tròng cứng thấm khí (RGP – Rigid Gas Permeable): Bền hơn, cho tầm nhìn rõ hơn đặc biệt với người bị loạn thị hoặc giác mạc không đều. Tuy nhiên, kính thường mang lại cảm giác không thoải mái cho người dùng và cần thời gian để làm quen.
- Kính giãn tròng, kính màu (Colored lenses): Đây là loại kính áp tròng có màu, thường được dùng với mục đích thẩm mỹ để làm nổi bật hoặc thay đổi màu mắt.
- Kính chỉnh hình giác mạc ban đêm (Ortho-K): Là kính cứng được thiết kế đặc biệt, sử dụng khi ngủ để định hình lại giác mạc. Đây là giải pháp phù hợp với người những người cận nhẹ hoặc không thể phẫu thuật mắt.
- Kính đa tròng (Multifocal / Bifocal lenses): Dành cho người vừa bị cận, viễn hoặc lão thị, giúp nhìn rõ ở cả khoảng cách xa và gần.
- Kính loạn thị (Toric lenses): Loại kính này được thiết kế riêng để điều chỉnh loạn thị, không xoay lệch trên mắt.

Các bước chuẩn bị đeo lens
Để đảm bảo an toàn cho mắt và tăng hiệu quả sử dụng kính áp tròng, người dùng cần tuân thủ đúng quy trình vệ sinh và chuẩn bị trước khi đeo lens. Dưới đây là các bước cụ thể:
- Bước 1: Rửa tay sạch sẽ. Trước khi chạm vào kính hoặc mắt, bạn cần rửa tay thật kỹ bằng xà phòng và nước sạch. Đặc biệt, nên ưu tiên sử dụng xà phòng không chứa dầu, không có hương liệu do các chất này có thể bám lên bề mặt kính và gây kích ứng mắt.
- Bước 2: Lau khô tay đúng cách. Dùng khăn giấy sạch hoặc khăn mềm không xơ để lau khô tay. Tránh dùng khăn bông hoặc khăn có xơ vải vì sợi nhỏ có thể dính vào kính hoặc vào mắt gây cảm giác khó chịu.
- Bước 3: Lấy kính ra khỏi hộp. Dùng ngón tay trỏ hoặc giữa của tay thuận để nhẹ nhàng lấy kính ra khỏi khay đựng. Chỉ sử dụng đầu ngón tay, không dùng móng tay để tránh làm rách hoặc xước kính. Hoặc có thể sử dụng kẹp gắp lens chuyên dụng.
- Bước 4: Rửa lại kính bằng dung dịch chuyên dụng. Trước khi đeo, hãy nhỏ vài giọt dung dịch ngâm kính áp tròng lên bề mặt kính và rửa nhẹ nhàng. Nếu lỡ làm rơi kính, tuyệt đối không đeo ngay mà phải rửa lại bằng dung dịch trước khi sử dụng.
- Bước 5: Kiểm tra kính trước khi đeo. Để kiểm tra kính áp tròng có đúng chiều hay không, bạn hãy đặt kính lên đầu ngón tay trỏ sao cho mép kính hướng lên trên. Nếu kính tạo thành hình dáng giống một chiếc cốc hoàn chỉnh với các mép kính thẳng đứng, đều đặn thì đó là chiều đúng và có thể đeo vào mắt. Ngược lại, nếu bạn thấy mép kính bị bẻ cong ra ngoài, kính đang bị đeo ngược và cần được lật lại trước khi sử dụng.

Hướng dẫn cách đeo lens đúng không bị cộm
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ và vệ sinh đúng cách, bạn có thể bắt đầu đeo kính áp tròng theo các bước sau:
- Bước 1: Giữ mi mắt ổn định. Đứng trước gương, dùng tay không thuận để giữ mi trên mở rộng. Trong khi đó, sử dụng tay thuận để kéo nhẹ mi dưới xuống bằng ngón giữa hoặc ngón áp út, tạo không gian đủ rộng để đưa kính vào mắt.
- Bước 2: Đưa kính vào mắt bằng tay. Nhẹ nhàng đưa kính áp tròng đến gần mắt bằng ngón trỏ (tay thuận). Có thể nhìn thẳng hoặc hướng mắt lên trên để giúp kính dễ tiếp xúc với bề mặt giác mạc.
- Bước 3: Đưa kính vào mắt bằng dụng cụ. Ngoài cách đeo bằng tay, hiện nay bạn có thể sử dụng dụng cụ hỗ trợ chuyên dụng như cây đeo lens và kẹp giữ mi mắt để giúp việc đưa kính áp tròng vào mắt dễ dàng và chính xác hơn, đặc biệt với người mới hoặc những ai gặp khó khăn khi giữ mắt mở bằng tay. Dụng cụ này giúp giảm chạm tay vào mắt, tăng vệ sinh và hạn chế làm rơi lens trong quá trình đeo.
- Bước 4: Để kính ổn định trong mắt. Sau khi kính chạm vào mắt, từ từ nhắm mắt lại và đảo mắt theo vòng tròn để kính tự định vị đúng vị trí. Mở mắt ra và chớp nhẹ vài lần để đảm bảo kính ôm sát giác mạc.
- Bước 5: Kiểm tra vị trí và cảm giác. Quan sát trong gương xem kính đã nằm đúng vị trí trung tâm của tròng đen hay chưa. Nếu kính được đặt đúng, bạn sẽ nhìn thấy rõ và cảm thấy dễ chịu. Nếu có cảm giác cộm, khô hoặc hình ảnh mờ, hãy tháo kính ra, kiểm tra lại và đeo lại từ đầu.
- Bước 6: Lặp lại với mắt còn lại. Sau khi hoàn tất mắt đầu tiên, thực hiện lại quy trình tương tự với mắt còn lại.

Hướng dẫn các bước tháo lens an toàn
Tháo kính áp tròng đúng kỹ thuật là bước quan trọng giúp bảo vệ giác mạc, hạn chế nguy cơ nhiễm trùng và duy trì độ bền của lens. Để tháo lens, các bạn hãy thực hiện theo các bước sau:
- Bước 1: Vệ sinh tay sạch sẽ. Trước khi tháo lens, hãy rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước sạch, sau đó lau khô bằng khăn giấy hoặc khăn sạch không xơ. Đây là bước bắt buộc để ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập vào mắt.
- Bước 2: Chuẩn bị hộp đựng lens. Đổ bỏ dung dịch cũ trong hộp đựng kính (nếu có), úp ngược hộp và để khô tự nhiên hoặc lau khô bằng khăn sạch.
- Bước 3: Xác định bên tháo trước. Bạn nên tạo cho mình thói quen tháo lens bắt đầu từ cùng một bên mắt mỗi ngày (ví dụ: luôn tháo mắt phải trước) để tránh nhầm lẫn.
- Bước 4: Kéo nhẹ mi và đẩy lens xuống. Đứng trước gương, nhìn lên trên và dùng ngón giữa tay thuận kéo nhẹ mi dưới xuống. Sau đó dùng ngón trỏ nhẹ nhàng đẩy lens trượt xuống phần tròng trắng của mắt (lòng trắng).
- Bước 5: Kẹp nhẹ lens để lấy ra. Dùng đầu ngón trỏ và ngón cái kẹp nhẹ vào lens rồi lấy ra khỏi mắt. Tránh dùng móng tay để tránh làm rách lens hoặc tổn thương giác mạc. Cuối cùng, bạn thực hiện tương tự với mắt còn lại.

Nếu bạn sử dụng kính áp tròng dùng nhiều lần, hãy làm sạch kính ngay sau khi tháo theo hướng dẫn của bác sĩ nhãn khoa hoặc nhà sản xuất. Tuyệt đối không sử dụng dung dịch tự pha hoặc nước máy khi tiến hành vệ sinh.
Những lưu ý cần biết khi đeo lens
Để đảm bảo an toàn cho mắt và kéo dài tuổi thọ của kính áp tròng, người dùng cần tuân thủ một số nguyên tắc cơ bản sau:
- Thay kính đúng lịch trình được bác sĩ chỉ định, tuyệt đối không kéo dài thời gian sử dụng lens quá mức khuyến cáo (ví dụ không đeo kính dùng 1 ngày sang ngày thứ hai).
- Rửa tay sạch bằng xà phòng không mùi trước khi thao tác với lens do mùi hương hoặc chất dầu trong xà phòng có thể bám lên kính và gây kích ứng mắt.
- Lau tay bằng khăn sạch không xơ, tránh để xơ vải bám vào kính hoặc dính vào mắt khi đeo.
- Không tái sử dụng kính áp tròng dùng một lần hoặc dung dịch cũ trong hộp đựng do đây có thể là môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển.
- Thay hộp đựng kính mỗi 3 tháng để tránh nhiễm khuẩn chéo.
- Nếu mắt bạn lệch độ, hãy chú ý đặt kính áp tròng vào đúng khay trái phải sau khi tháo, để tránh đeo nhầm mắt trong lần sử dụng tiếp theo.
- Không ngủ khi đang đeo lens (trừ loại chuyên biệt dùng qua đêm) bởi điều này có thể làm giảm lượng oxy đến giác mạc, tăng nguy cơ viêm loét.
- Không tắm hoặc bơi khi đang đeo lens do nước từ vòi sen hoặc hồ bơi có thể chứa vi khuẩn, gây nhiễm trùng nghiêm trọng nếu lọt vào mắt qua lens.
- Khám mắt định kỳ ít nhất mỗi năm một lần để bác sĩ nhãn khoa kiểm tra thị lực, đánh giá sức khỏe giác mạc và điều chỉnh loại lens phù hợp nếu cần.

Giải đáp thắc mắc về cách đeo lens
Hiện nay, đeo lens trở nên phổ biến và được nhiều người sử dụng bởi tính tiện lợi của chúng. Tuy nhiên, quá trình đeo lens lại khá khó khăn do đó có không ít các câu hỏi và thắc mắc liên quan đến vấn đề này. Cụ thể như:
Sau khi tháo lens cần bảo quản như thế nào cho đúng?
Lens cần được rửa sạch, ngâm trong dung dịch mới và bảo quản trong hộp đựng sạch sẽ, đậy kín. Không tái sử dụng dung dịch cũ và nên thay hộp mỗi 3 tháng. Lens cần được rửa sạch, ngâm trong dung dịch và bảo quản trong hộp
Mỗi ngày có thể đeo kính áp tròng tối đa trong bao lâu?
Thời gian lý tưởng là 8-12 giờ mỗi ngày, tuy nhiên người mới sử dụng nên đeo trong thời gian ngắn hơn và tăng dần. Không nên đeo lens khi ngủ qua đêm để tránh tổn thương mắt.
Ngoài ra, thời gian đeo tối đa còn tùy thuộc vào từng loại lens, vì vậy hãy tuân theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Vì sao đeo lens bị cộm, khó chịu? Cách xử lý như thế nào?
Nguyên nhân thường do lens bị lệch, bám bụi, rách hoặc mắt bị khô. Bạn nên tháo ra, vệ sinh lại bằng dung dịch chuyên dụng và kiểm tra kính trước khi đeo lại.

Kính áp tròng có thể dùng được bao lâu?
Thời gian sử dụng của kính áp tròng phụ thuộc vào loại lens mà bạn đang dùng như dùng trong 1 ngày (daily lens), dùng trong 1-2 tuần, dùng trong 1 tháng hoặc lâu hơn… Điều quan trọng là bạn phải tuân thủ đúng hướng dẫn từ nhà sản xuất hoặc bác sĩ nhãn khoa. Việc sử dụng lens quá thời hạn quy định có thể tăng nguy cơ nhiễm trùng, tổn thương giác mạc và ảnh hưởng đến thị lực.
Có thể dùng thuốc nhỏ mắt thông thường khi đang đeo lens không?
Chỉ sử dụng thuốc nhỏ mắt chuyên dụng cho lens, tuyệt đối không dùng thuốc nhỏ mắt thông thường vì chúng có thể làm hỏng bề mặt kính hoặc gây kích ứng.
Đeo lens thay cho kính gọng giúp bạn có thể thuận tiện hơn trong các sinh hoạt thường ngày. Tuy nhiên, việc đeo lens cần được thực hiện đúng cách nhằm hạn chế tổn thương lên giác mạc cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe của mắt. Hy vọng với các bước đeo lens đúng từ Mediphar USA có thể giúp bạn đeo lens nhanh chóng, không bị cộm và khó chịu nữa. Bên cạnh đó hãy ghi nhớ vệ sinh tay thật sạch trước khi đưa lên mắt nhé. Ngoài ra, cũng nên thường xuyên tập thể dục cho mắt cũng như bổ sung các loại dưỡng chất thiết yếu nhằm nuôi dưỡng đổi mắt khỏe mạnh từ bên trong.
Sử dụng dầu gấc Vina giúp bảo vệ đôi mắt hiệu quả
- https://www.warbyparker.com/learn/types-of-contact-lenses
- https://www.webmd.com/eye-health/contact-lens-beginners
- https://www.allaboutvision.com/eyewear/contact-lenses/how-to/contact-lens-beginners-guide/
Dược sĩ Phạm Cao Hà
Đã kiểm duyệt nội dung
Tôi là dược sĩ Phạm Cao Hà, hiện đang giữ vai trò cố vấn chuyên môn tại Công ty TNHH Mediphar USA. Với gần 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu và quản lý chất lượng sản phẩm thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe, tôi cam kết cung cấp những thông tin chính xác và hữu ích cho cộng đồng.
Hy vọng rằng những kiến thức và kinh nghiệm mà tôi chia sẻ trên website medipharusa.com sẽ hỗ trợ Quý Đối Tác và Khách Hàng của công ty trong việc hiểu biết sâu sắc hơn về lĩnh vực dược phẩm và thực phẩm chức năng.