Các nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp

Các nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp và những điều bạn cần biết

Tăng huyết áp là một bệnh lý tim mạch mãn tính phổ biến và đang có xu hướng gia tăng trong cộng đồng. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh. Các loại thuốc điều trị tăng huyết áp hiện nay rất đa dạng và cần được sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ.

Trong bài viết này, Mediphar USA với hơn 20 năm kinh nghiệm hợp tác với các nhà thuốc lớn nhỏ trên toàn quốc, sẽ chia sẻ đến bạn về các nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp quan trọng và những điều cần lưu ý khi sử dụng.

Tăng huyết áp là tình trạng gì?

Tăng huyết áp được xác định khi huyết áp tâm thu (HA) từ 130 mmHg trở lên hoặc huyết áp tâm trương từ 80 mmHg trở lên, hoặc khi người bệnh đang sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp.

Tại Hoa Kỳ, gần một nửa số người trưởng thành mắc phải tình trạng tăng huyết áp, nhưng nhiều người trong số họ không ý thức được bệnh của mình. Khoảng 80% bệnh nhân được khuyến nghị kết hợp giữa điều trị bằng thuốc và thay đổi lối sống, tuy nhiên, chỉ khoảng 50% người mắc tăng huyết áp thực sự tuân thủ điều trị. Ngay cả với các phương pháp này, chỉ 26% bệnh nhân đạt được huyết áp mục tiêu, và trong số những người không đạt mục tiêu, gần 60% có mức huyết áp từ 140/90 mmHg trở lên.

Theo WHO, từ năm 2015 đến năm 2021, tình trạng các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam đã gia tăng đáng kể. Cụ thể, tỷ lệ người trưởng thành mắc bệnh tăng huyết áp đã tăng từ khoảng 1 trong 5 người lên hơn 1 trong 4 người. Đồng thời, tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường cũng tăng từ 1 trong 24 người lên 1 trong 14 người, cho thấy xu hướng đáng lo ngại về sức khỏe cộng đồng và sự cần thiết của các biện pháp phòng ngừa hiệu quả.

Cần kiểm tra sức khỏe thường xuyên để phát hiện sớm tăng huyết áp
Cần kiểm tra sức khỏe thường xuyên để phát hiện sớm tăng huyết áp

Các nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp phổ biến hiện nay

Quyết định sử dụng thuốc để điều trị tăng huyết áp phụ thuộc vào mức huyết áp, sự xuất hiện của bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch, các yếu tố nguy cơ liên quan và các yếu tố lâm sàng khác.

Dưới đây là một số nhóm thuốc thường được sử dụng để kiểm soát tăng huyết áp, cả trong giai đoạn điều trị ban đầu và duy trì.

Nhóm thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE)

Gồm có captopril, enalapril, lisinopril, ramipril, benazepril, fosinopril,…

Cơ chế của nhóm thuốc:

Thuốc ức chế ACE giúp hạ huyết áp bằng cách ngăn chặn quá trình chuyển đổi angiotensin I thành angiotensin II – một chất làm co mạch và tăng huyết áp. Đồng thời, thuốc cũng ngăn sự phân hủy của bradykinin, một chất giúp giãn mạch, từ đó làm giảm sức cản của mạch máu. Điều đặc biệt là thuốc này hạ huyết áp mà không gây ra tình trạng tim đập nhanh bù trừ, giúp người bệnh cảm thấy thoải mái hơn. Nhóm thuốc này làm giảm huyết áp ở nhiều bệnh nhân tăng huyết áp, bất kể hoạt tính của renin trong cơ thể.

Tác dụng phụ của thuốc:

Một trong những tác dụng phụ thường gặp nhất của thuốc ức chế ACE là ho khan, chiếm khoảng 20% ở người Bắc Mỹ và Châu Âu, và có thể lên đến 40% ở người Châu Á. Tác dụng phụ nghiêm trọng nhất là phù mạch – tình trạng sưng tấy dưới da hoặc niêm mạc. Nếu phù mạch xảy ra ở vùng cổ họng, nó có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Tình trạng này thường gặp hơn ở những người hút thuốc lá.

Thuốc ức chế ACE cũng có thể làm tăng lượng kali và creatinine trong máu. Điều này đặc biệt xảy ra ở những người bị bệnh thận mạn tính hoặc đang dùng các loại thuốc như thuốc lợi tiểu giữ kali, thực phẩm bổ sung kali, hoặc thuốc giảm đau chống viêm (NSAID). Vì vậy, khi dùng thuốc này, người bệnh cần được theo dõi cẩn thận để đảm bảo an toàn.

Chống chỉ định dùng thuốc:

  • Người mẫn cảm với thành phần của thuốc: Có thể gây ra phản ứng dị ứng nguy hiểm.
  • Phụ nữ mang thai: Thuốc có nguy cơ gây tổn thương hoặc thậm chí tử vong cho thai nhi.
  • Người bị suy thận: Thuốc có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh.
  • Bệnh nhân bị đau thắt ngực kèm suy tim: Sử dụng thuốc này có thể làm tăng tần suất hoặc mức độ nghiêm trọng của cơn đau thắt ngực.

Nhóm thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (ARB)

Các thuốc thường dùng: Candesartan, losartan, valsartan…

Cơ chế của nhóm thuốc:

Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II hoạt động bằng cách ngăn chặn tác động của angiotensin II, một chất gây co mạch và làm tăng huyết áp. Nhờ đó, thuốc can thiệp vào hệ thống renin-angiotensin, giúp hạ huyết áp hiệu quả.

Thuốc này và thuốc ức chế ACE có tác dụng tương tự trong việc kiểm soát huyết áp. Tuy nhiên, thuốc ức chế thụ thể angiotensin II có thể mang lại một số lợi ích bổ sung nhờ khả năng phong tỏa tác động của ACE tại các mô trong cơ thể, giúp cải thiện hiệu quả điều trị trong một số trường hợp.

Tác dụng phụ của thuốc:

Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II thường ít gây tác dụng phụ hơn so với thuốc ức chế ACE. Tuy nhiên, phù mạch vẫn có thể xảy ra, nhưng tỷ lệ rất thấp. Một số tác dụng phụ khác có thể xảy ra khi bắt đầu sử dụng thuốc ức chế thụ thể angiotensin II, bao gồm: Ho, hạ huyết áp, tiêu chảy, chóng mặt, yếu cơ hoặc đau lưng Những tác dụng phụ này thường xuất hiện trong những ngày đầu và có thể giảm dần khi cơ thể thích nghi với thuốc.

Chống chỉ định dùng thuốc:

Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II không nên dùng cùng với thuốc ức chế ACE, vì sự kết hợp này có thể làm tăng nguy cơ tác dụng phụ nghiêm trọng. Tuy nhiên, khi kết hợp với thuốc chẹn beta, thuốc có thể giúp giảm nguy cơ nhập viện ở bệnh nhân suy tim.

Các trường hợp không nên sử dụng thuốc này bao gồm:

  • Người mẫn cảm với thuốc: Có nguy cơ xảy ra phản ứng dị ứng.
  • Phụ nữ mang thai: Thuốc có thể gây tổn thương nghiêm trọng hoặc tử vong cho thai nhi.
  • Bệnh nhân suy thận: Thuốc có thể làm trầm trọng hơn tình trạng suy thận.
  • Người bị đau thắt ngực kèm suy tim hoặc tăng huyết áp.
Cần theo dõi huyết áp, chức năng thận khi sử dụng thuốc ức chế thụ thể angiotensin II
Cần theo dõi huyết áp, chức năng thận khi sử dụng thuốc ức chế thụ thể angiotensin II

Nhóm thuốc chẹn beta

Một số loại thuốc thuộc nhóm này: Acebutolol, atenolol, betaxolol, bisoprolol, metoprolol,…

Cơ chế của nhóm thuốc:

Thuốc chẹn beta hoạt động bằng cách làm chậm nhịp tim và giảm lực co bóp của cơ tim, từ đó giúp hạ huyết áp. Các loại thuốc chẹn beta đều có hiệu quả tương tự nhau trong việc kiểm soát huyết áp.

Thuốc chẹn beta chọn lọc trên tim, như acebutolol, atenolol, betaxolol, bisoprolol, và metoprolol, thường được ưu tiên sử dụng hơn vì ít gây tác dụng phụ như giãn phế quản hoặc giãn mạch ngoại biên.

Loại thuốc này đặc biệt phù hợp với: Bệnh nhân tiểu đường, người bị bệnh động mạch ngoại biên mạn tính, người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Tuy nhiên, hiệu quả chọn lọc trên tim của thuốc không phải là tuyệt đối và có thể giảm khi dùng ở liều cao.

Tác dụng phụ của thuốc:

Các thuốc chẹn beta có hoạt tính giao cảm nội tại, chẳng hạn như acebutolol và pindolol, ít gây tác dụng phụ như tăng lipid máu và hiếm khi dẫn đến tình trạng nhịp tim chậm nghiêm trọng. Tuy nhiên, nhóm thuốc chẹn beta cũng có thể gây tác dụng phụ lên hệ thần kinh trung ương, bao gồm rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi, lơ mơ, và có khả năng làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh trầm cảm. Trong trường hợp cần hạn chế tác động lên hệ thần kinh trung ương, nadolol thường là lựa chọn phù hợp nhất, vì nó ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương ở mức thấp nhất.

Chống chỉ định dùng thuốc:

  • Block nhĩ thất cấp 2 hoặc cấp 3: Những bệnh nhân có vấn đề về dẫn truyền tín hiệu trong tim không nên dùng thuốc này.
  • Rối loạn chức năng nút xoang: Do thuốc có thể làm trầm trọng thêm tình trạng rối loạn nhịp tim.
  • Bệnh nhân hen suyễn: Do thuốc có thể gây co thắt phế quản và làm giảm hiệu quả của các loại thuốc giãn phế quản dạng hít hoặc đường uống, dẫn đến khó kiểm soát triệu chứng của bệnh hen.
Tìm hiểu thông tin các nhóm thuốc điều trị cao huyết áp
Tìm hiểu thông tin các nhóm thuốc điều trị cao huyết áp

Nhóm thuốc chẹn kênh canxi

Gồm có: Nifedipin, nicardipin, amlodipin, felidipin, isradipin, verapamil, diltiazem,…

Cơ chế của nhóm thuốc:

Dihydropyridin (DHP) gồm amplodipin, felodipin là một nhóm thuốc chẹn kênh canxi có tác dụng giãn mạch ngoại vi mạnh, giúp hạ huyết áp bằng cách làm giảm sức cản mạch máu ở ngoại vi. Tuy nhiên, khi dùng các thuốc này, đôi lúc cơ thể sẽ phản ứng bằng cách tăng nhịp tim để bù đắp cho sự giãn mạch, gây ra hiện tượng nhịp tim nhanh phản xạ.

Ngược lại, nhóm thuốc chẹn kênh canxi nondihydropyridin, bao gồm verapamil và diltiazem, có tác dụng làm chậm nhịp tim, giảm tốc độ dẫn truyền tín hiệu từ tâm nhĩ đến tâm thất, và giảm lực co bóp của cơ tim. Vì vậy, nhóm thuốc này thường được dùng cho các trường hợp cần kiểm soát nhịp tim hoặc giảm gánh nặng công việc cho tim.

Tác dụng phụ của thuốc;

  • Đau đầu, chóng mặt, buồn nôn: Do tác dụng giãn mạch và thay đổi lưu lượng máu.
  • Dị ứng hoặc phù ngoại biên: Có thể xảy ra trong vòng 2 đến 3 tuần đầu sau khi bắt đầu điều trị với thuốc.
  • Táo bón: Đặc biệt thường gặp ở nhóm thuốc nondihydropyridin như verapamil.
  • Chậm nhịp tim: Chủ yếu xảy ra với nhóm nondihydropyridin do tác động làm giảm nhịp tim.
  • Mệt mỏi: Có thể xuất phát từ sự thay đổi lưu thông máu hoặc tác động lên cơ tim.

Chống chỉ định dùng thuốc;

  • Người mẫn cảm với thuốc hoặc các thành phần của thuốc.
  • Hội chứng suy nút xoang (trừ khi bệnh nhân đã cấy máy tạo nhịp tim nhân tạo).
  • Hạ huyết áp nặng.
  • Nhồi máu cơ tim cấp.
  • Sung huyết phổi.

Các thuốc nhóm nondihydropyridin không được khuyến cáo sử dụng cho bệnh nhân block nhĩ thất cấp 2 hoặc cấp 3 và bệnh nhân bị suy thất trái.

Thuốc cần được sử dụng thận trọng ở những người có vấn đề về thận và gan.

Nhóm thuốc lợi tiểu

Hiện nay, các nhóm thuốc lợi tiểu thường được sử dụng bao gồm:

  • Lợi tiểu quai: Furosemid, torasemid.
  • Thuốc lợi tiểu giữ kali: Spironolactone, amiloride.
  • Thuốc lợi tiểu thiazide: Hydrochlorothiazide, chlorothiazide.

Cơ chế của nhóm thuốc:

Thuốc lợi tiểu là một trong những phương pháp điều trị hiệu quả giúp hạ huyết áp bằng cách giảm lượng nước và muối dư thừa trong cơ thể. Chúng cũng giúp làm giảm sức cản của mạch máu, qua đó làm giảm áp lực lên thành mạch.

Tác dụng phụ của thuốc:

Tác dụng phụ phổ biến: Một số loại thuốc lợi tiểu (trừ thuốc giữ kali như spironolactone) có thể gây mất nhiều kali, vì vậy cần kiểm tra nồng độ kali trong máu thường xuyên. Nếu mức kali quá thấp (< 3,5 mEq/L), cần bổ sung kali hoặc dùng thêm thuốc giữ kali.

Thuốc lợi tiểu thiazide có thể gây tăng nhẹ mức cholesterol trong máu, đặc biệt là loại cholesterol xấu (LDL), và cũng làm tăng triglyceride. Tuy nhiên, những tác động này thường không kéo dài quá một năm và chỉ xuất hiện ở một số ít người. Ngoài ra, thuốc thiazide thường không ảnh hưởng đến việc kiểm soát đường huyết, nhưng đôi khi có thể làm trầm trọng thêm bệnh tiểu đường loại 2.

Một số bệnh nhân dùng thuốc lợi tiểu có thể bị tăng axit uric máu, gây nguy cơ bệnh gout. Tuy nhiên, nếu không có triệu chứng gout, thường không cần ngưng thuốc hoặc điều trị thêm.

Thuốc lợi tiểu có thể làm tăng nguy cơ tử vong ở bệnh nhân suy tim không có triệu chứng sung huyết phổi, đặc biệt khi họ không uống đủ nước. Tỷ lệ tử vong tăng lên có thể liên quan đến hạ natri máu (mức natri trong máu quá thấp) hoặc tụt huyết áp do tác dụng của thuốc.

Chống chỉ định dùng thuốc:

  • Bệnh nhân bí tiểu hoặc mẫn cảm với thành phần thuốc, bao gồm cả người bị dị ứng với thuốc nhóm sulfonamid.
  • Phụ nữ mang thai: Do thiazide có thể qua nhau thai, gây nguy cơ dị tật cho thai nhi như giảm tiểu cầu hoặc vàng da, thuốc này không được khuyến nghị sử dụng trong thời kỳ mang thai.
  • Phụ nữ đang cho con bú: Thiazide có thể tiết qua sữa mẹ. Mặc dù chưa có bằng chứng rõ ràng về tác hại, việc sử dụng liều cao có thể gây giảm hoặc tắc sữa, do đó cần thận trọng và tham khảo ý kiến bác sĩ.

Các nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp khác

Ngoài các nhóm thuốc chính đã đề cập, còn một số loại thuốc khác cũng giúp hạ huyết áp. Những thuốc này có thể được sử dụng riêng lẻ hoặc kết hợp với các loại thuốc khác để điều trị tăng huyết áp hiệu quả hơn. Bao gồm:

  • Thuốc chẹn alpha: Giảm sức cản mạch máu, ví dụ như Doxazosin.
  • Thuốc đối kháng Aldosterone: Giúp loại bỏ natri và nước qua đường tiểu, giảm áp lực máu, như Aldactone, Eplerenone, Spironolactone.
  • Thuốc ức chế renin: Giảm sản xuất angiotensin II, giúp hạ huyết áp, ví dụ Aliskiren.
  • Thuốc tác dụng trung ương: Ảnh hưởng trực tiếp đến trung tâm điều khiển huyết áp trong não, như Clonidine.

Những loại thuốc này thường được chỉ định dựa trên tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân và luôn cần sự hướng dẫn từ bác sĩ.

Việc sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp cần phải theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa
Việc sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp cần phải theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa

Xem thêm: Danh sách các nhóm thuốc cần thiết dành cho nhà thuốc mới mở

Kết luận

Điều trị tăng huyết áp đòi hỏi bệnh nhân phải tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ dẫn y khoa, đặc biệt là việc sử dụng thuốc một cách chính xác. Bên cạnh đó, xây dựng lối sống lành mạnh, duy trì chế độ ăn uống cân đối, tập thể dục thường xuyên, và hạn chế căng thẳng là những yếu tố quan trọng giúp kiểm soát tốt huyết áp.

Ngoài việc tuân thủ chỉ định của bác sĩ, bạn có thể cân nhắc bổ sung các thực phẩm chức năng uy tín, chẳng hạn như dòng sản phẩm của Mediphar USA, giúp tăng cường sức khỏe tim mạch một cách bền vững. Cuối cùng, mong rằng bài viết này đã mang đến cho bạn những thông tin hữu ích trong việc chăm sóc và kiểm soát sức khỏe huyết áp một cách hiệu quả.

Tài liệu tham khảo:

  1. Million Hearts “Estimated Hypertension Prevalence, Treatment, and Control Among U.S. Adults
  2. World Health Organization “Chăm sóc người mắc bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam: khi dịch vụ y tế gần nhất là dịch vụ tốt nhất”
  3. MSD Manual “Thuốc điều trị tăng huyết áp”
  4. Sức Khỏe & Đời Sống “Thuốc điều trị bệnh tăng huyết áp
Dược sĩ Phạm Cao Hà

Dược sĩ Phạm Cao Hà

Đã kiểm duyệt nội dung

Tôi là dược sĩ Phạm Cao Hà, hiện đang giữ vai trò cố vấn chuyên môn tại Công ty TNHH Mediphar USA. Với gần 40 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu và quản lý chất lượng sản phẩm thực phẩm chức năng bảo vệ sức khỏe, tôi cam kết cung cấp những thông tin chính xác và hữu ích cho cộng đồng.

Hy vọng rằng những kiến thức và kinh nghiệm mà tôi chia sẻ trên website medipharusa.com sẽ hỗ trợ Quý Đối Tác và Khách Hàng của công ty trong việc hiểu biết sâu sắc hơn về lĩnh vực dược phẩm và thực phẩm chức năng.

> Xem thêm về tác giả

    Liên hệ MEDIPHAR USA



    Bài viết liên quan